Đằng sau sự "biến mất" của 15.000 bác sĩ nhi khoa ở Trung Quốc: Áp lực đè nặng, nguy hiểm cận kề và những nỗi niềm không ai hiểu
"Điều đáng sợ hơn cả những căn bệnh hiểm nghèo của bọn trẻ chính là việc bác sĩ nhi khoa đang dần dần biến mất"...
- 07-04-2019Trọn bộ bí kíp tự bảo vệ mình: Trang bị ngay cho con để trẻ có thể tự bảo vệ mình ở bất cứ đâu và bất cứ hoàn cảnh nào
- 07-04-2019Từ kẻ "núp bóng" trong các bữa tiệc, chạy trốn khỏi đám đông đến nhà diễn thuyết truyền cảm hứng nổi tiếng, Simon Sinek tiết lộ: Tất cả là nhờ vào 2 cuốn sách này
Nghề Y là một công việc đặc thù mà chỉ ai là người trong cuộc mới thấu hiểu được hết nỗi khổ của họ. Có những người bỏ 6-9 năm học hành mới có thể khoác lên mình tấm áo blouse trắng, nhưng mặc nó vào đồng nghĩa với việc phải gánh chịu những áp lực, trách nhiệm về sinh mạng của hàng vạn người.
Gần đây, trong tập 8 của Nhân gian thế (人间世) - bộ phim tài liệu về ngành Y gồm 10 tập được quay bởi Đài Phát thanh và Truyền hình Thượng Hải hợp tác cùng Ủy ban Kế hoạch Y tế Thành phố Thượng Hải - đã công bố một sự thật khiến nhiều người bàng hoàng. Chu Hiểu Đông, chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực ICU - Nhi khoa cho biết: "Điều đáng sợ hơn cả những căn bệnh hiểm nghèo của bọn trẻ chính là việc bác sĩ nhi khoa đang dần dần biến mất".
Chu Hiểu Đông, chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực ICU - Nhi khoa.
"Bộ phận của chúng tôi thành lập đã được 4 năm. Trong 4 năm đó cũng có đến 4 bác sĩ từ chức. Chúng tôi cũng muốn tuyển những nhân tài trẻ tuổi, bác sĩ trẻ nhưng điều đó thực sự rất khó. Khoa của người ta chỉ có 2 suất thì đến 6 người đăng ký; khoa chúng tôi còn đến 8 suất thì chỉ có 1 người đến ghi danh". - Bác sĩ Chu Hiểu Đông trải lòng về tình trạng khan hiếm bác sĩ nhi khoa trong thời điểm hiện tại.
Điều đáng buồn là ngay tại thời điểm ông nói những điều này, lại có thêm một bác sĩ nữa rời đi. Vị bác sĩ họ Trương này năng lực vượt trội và rất có tiếng tăm trong bệnh viện. Tuy nhiên, chỉ vì không có bằng tiến sĩ, không có thời gian chuẩn bị luận văn nên sự nghiệp không có sự phát triển, cứ mãi giậm chân tại chỗ nên cuối cùng phải lựa chọn từ chức, hay nói đúng hơn là buộc phải rời đi. Trường hợp của bác sĩ Trương không phải hiếm mà là tình trạng phổ biến tại khoa nhi. Sự ra đi của một người đại diện cho thực trạng chung của cả một tập thể khi không ai còn có thể gắn bó với cái nghiệp cứu chữ sinh mạng cho những trẻ em.
100.000 bác sĩ nhi khoa đang dần "biến mất"
Theo thống kê năm 2017, bác sĩ nhi khoa bị thiếu hụt tại Trung Quốc đã vượt qua con số 200.000 người. Nhưng số lượng trẻ em từ độ tuổi 0-14 lại lên đến 260 triệu mà chỉ có 100.000 bác sĩ, đồng nghĩa với việc cứ 1 bác sĩ phải chịu trách nhiệm chăm sóc cho 2600 em nhỏ. Trung bình cứ 8 tiếng, mỗi bác sĩ phải nhận 60-80 bệnh nhi hoặc thậm chí nhiều hơn. Dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng tại khoa nhi các bệnh viện trên toàn quốc. Người ta thường ví rằng ở đây hằng đêm, số lượng người còn đông hơn cả ở các ga tàu mùa "xuân vận" - dịp hàng triệu người dân Trung Quốc đổ về quê ăn Tết.
Tình trạng quá tải bệnh nhi nhưng không đủ bác sĩ chăm sóc đang là vấn nạn tại Trung Quốc
Nhiều người nhà bệnh nhân lên tiếng phàn nàn rằng bác sĩ chỉ khám cho con em mình vài ba phút, nhưng họ chỉ có thể duy trì tốc độ như vậy vì vẫn còn một số lượng lớn bệnh nhi xếp hàng suốt 4 tiếng đồng hồ chờ đợi được khám bệnh.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, số lượng bác sĩ nhi khoa thiếu hụt không những không được lấp đầy mà còn ngày càng rộng thêm. Trong vòng 3 năm, từ 2014-2016, lại có thêm 14.310 bác sĩ nữa rời đi, chiếm 10% tổng số. Thậm chí trong cộng đồng sinh viên Y còn lưu truyền một câu nói quen thuộc rằng: "Nhất khoa mắt, nhì khoa ngoại, có đánh chết cũng không vào khoa nhi". Các bác sĩ trẻ cho rằng phải đến làm việc tại các khoa khó nhằn như khoa nội, khoa sản vẫn còn tốt hơn bị đến khoa nhi. Kết quả là mặc dù có đến 800.000 sinh viên Y tốt nghiệp mỗi năm, có 22.000 người trong đó trở thành bác sĩ, nhưng chỉ có 300 người vào nhi khoa. Suốt 15 năm qua, số bác sĩ nhi khoa ở Trung Quốc chỉ tăng 5.000 người. Một phần vì nhân lực ngành Y ngày càng giảm mạnh, nhưng phần lớn nữa là do các bác sĩ nhi khoa đã dần lũ lượt rời khỏi ngành. Thực trạng này vì đâu nên nỗi?
Sự thật về sự ra đi của các bác sĩ nhi khoa
Việc các bác sĩ nhi khoa không còn tiếp tục ở lại với nghề có 3 nguyên do chính:
Thứ nhất, bác sĩ trị bệnh cứu người nhưng lại có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Năm 2016, tại bệnh viện Lai Cương, tỉnh Sơn Đông, bác sĩ nhi khoa Lý Bảo Hoa sau khi bị gia đình bệnh nhân hành hung không may đã qua đời với 27 vết dao đâm trên người và 12 vết trên đầu. Điều đau lòng là trước đó anh đã phải làm việc suốt 16 tiếng ca trực đêm, bận rộn đến không thể chợp mắt.
Một trường hợp khác, chỉ vì không chịu tạm dừng một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ mô hoại tử cho một bệnh nhi vừa được đưa đến mà bác sĩ Vương Tuấn ở Thiệu Đông, tỉnh Hồ Nam đã bị người nhà bệnh nhân hành hung đến chết. Không chỉ khó bảo toàn tính mạng bản thân, đôi khi đến cả sự an toàn của người thân họ cũng không thể bảo vệ được. Tại Ích Dương, tỉnh Hồ Nam, đứa con mới 10 tuổi của một nhân viên y tế đã bị người nhà bệnh nhân theo dõi rồi sát hại bằng 13 nhát dao khi đang trên đường đến trường.
Tất cả những điều này chỉ vì họ lỡ dấn thân vào ngành Y, trở thành bác sĩ và việc bị đánh mắng được coi là bình thường như cơm bữa. Chỉ cần đứa trẻ nhà nào đó kêu đau một tiếng thì bố mẹ lập tức lao vào "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với người đang chữa bệnh cho con mình. Hay y tá chỉ cần đâm kim tiêm vào một lần nhưng chưa lấy được máu đã đủ để bị ăn một cái tát từ người nhà bên nhân.
Họ là những bác sĩ cứu người nhưng lại không thể bảo vệ được sự an toàn của chính bản thân mình
Ngoài việc bị bạo hành, cường độ công việc dày đặc và áp lực lớn cũng là nguyên nhân khiến những nguy cơ về đột tử và trầm cảm bủa vây lấy người làm ngành Y. Quách Khánh Nguyên, 43 tuổi là một bác sĩ ngoại khoa. Nhưng cuộc đời của anh đã dừng lại mãi mãi vào ngày 23/1/2018. Vào đêm xảy ra chuyện, bác sĩ Quách Khánh Nguyên đã khám cho đến 40 bệnh nhân. Triệu Biến Hương, vị bác sĩ 43 tuổi khác cũng đã gục ngã ngay tại phòng bệnh 505. Mà một giây trước đó, cô vẫn còn mỉm cười hỏi con gái của bệnh nhân rằng: "Mẹ cháu cảm thấy thế nào rồi?".
Bác sĩ Quách Khánh Nguyên (trái) và Triệu Biến Hương là hai trong số những người đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình cho ngành Y
Vì nhân lực không đủ mà họ phải làm việc thêm giờ để có thể điều trị hết cho số lượng bệnh nhân khổng lồ đang ngày một tăng thêm. Điều mà họ đang làm chính là dùng sức khoẻ của bản thân mình để đổi lấy sức khoẻ cho bệnh nhân.
Thứ hai, mức lương nghề tỷ lệ nghịch với sự đóng góp của các y, bác sĩ. Theo khảo sát, 76% bác sĩ nhi khoa chỉ nhận được mức lương dưới 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng). Một nửa trong số đó có mức lương dưới 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng). Với áp lực công việc kinh khủng phải chịu đựng mỗi ngày, nhưng tiền lương lại không đủ để nuôi sống chính bản thân mình.
Thứ ba, hầu hết các bác sĩ nhi khoa phải làm việc đến 16 tiếng/ngày. Là bác sĩ duy nhất có khả năng phụ trách ICU (Hồi sức tích cực). Bác sĩ Chu Nguyệt Nữu phải chăm sóc cho hơn 10 bệnh nhân mỗi ngày. Mặc dù những bệnh nhi còn nhỏ tuổi nhưng bệnh tình đều vô cùng nghiêm trọng với các khối u trong dạ dày, tủy xương và trong não... Vì bận chăm lo cho những đứa trẻ này mà cô thậm chí còn không có thời gian để ăn uống hay vệ sinh cá nhân. Và quan trọng là cả thời gian để chăm sóc con gái mình. Ngày con gái đi thi cuối kì, cô có một bệnh nhân 10 tuổi bị viêm cơ tim đột ngột nên phải ở lại bệnh viện ròng rã 116 giờ, 4 ngày rưỡi. Nghĩ đến cô con gái ở nhà không ai chăm sóc, người phụ nữ luôn mạnh mẽ giờ đây cũng không thể không rơi nước mắt.
Bác sĩ Chu Nguyệt Nữu bật khóc khi nhắc đến đứa con gái cũng cùng tuổi với các bệnh nhi, nhưng bản thân lại bận rộn việc ở bệnh viện đến mức không có thời gian lo cho bản thân và cả cô bé
Nữ bác sĩ Mã Kiện buồn bã kể về việc cô con gái nhỏ của mình chỉ thân thiết với bố và bà ngoại vì mẹ thường xuyên đi làm về rất muộn
Mỗi ngày là hơn 16 giờ làm việc, họ phải hy sinh sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi và cả cuộc sống gia đình riêng của mình. Nhưng tất cả những gì họ nhận được sau khi trả một mức giá lớn như vậy là: Lương thấp, người nhà không thấu hiểu, sự quấy rầy của bệnh nhân và thậm chí là bị người nhà bệnh nhân hành hùng, chém giết. Người ngoài nhìn vào đều nghĩ các bác sĩ được trả lương cao, công việc ổn định và có địa vị xã hội cao. Nhưng hầu như không ai biết được nhưng điều thực sự mà họ đang phải chịu đựng. Họ cũng là con người bình thường, có gia đình riêng và cũng đang chịu nhiều áp lực từ cuộc sống. Vì vậy, không khó hiểu tại sao có đến 34% bác sĩ nhi khoa có ý định từ chức trong vòng hai năm làm việc. Tại các bệnh viện tuyến cơ sở thì tỷ lệ này còn đạt đến 41%. Khi tất cả các bác sĩ này đều rời đi thì điều đang chờ đợi chúng ta sẽ là gì?
Đằng sau sự "biến mất" của 15 nghìn bác sĩ nhi khoa là 90 triệu gia đình không còn lối thoát
Kể từ năm 2016, tình trạng thiếu bác sĩ nhi khoa trầm đã thường xuyên được cảnh báo. Nhiều bệnh viện phải huỷ bỏ việc khám và cấp cứu cho bệnh nhi vào ban đêm vì không đủ nhân lực làm việc.
Trong đợt cúm toàn cầu hồi tháng 1/2018, các bệnh viện ở Trung Quốc đều chật cứng bệnh nhân, các bác sĩ phải làm việc quá tải đến mức đến họ cũng lần lượt đổ bệnh. Tại khoa nhi của các bệnh viện ở Thượng Hải, người bệnh phải xếp hàng trung bình 4 tiếng mới được khám chữa. Cùng thời điểm tại Thâm Quyến, bác sĩ nhi khoa phải thăm khám cho đến 300 bệnh nhân/ngày, gấp 3 lần khối lượng công việc tại các phòng khám thông thường. Khi nhiều bác sĩ đổ bệnh đến mức một bệnh viện hàng đầu ở Thiên Tân phải đóng cửa khoa nhi vì không có ai đủ sức khoẻ làm việc, các bậc cha mẹ mới bắt đầu bàng hoàng nhận ra con mình đã rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm đến mức nào.
Tiểu thuyết gia Ira Ishida từng viết trong cuốn Anti-Suicide Club: "Mọi người có xu hướng không quan tâm chút nào hoặc không nhận thức được tình trạng nguy hiểm của người khác". Vì chúng ta là người ngoài cuộc nên trở nên mờ mịt và không nhận ra những con người ấy đã phải chịu đựng những điều tội tệ nào phía sau.
Liệu những người như bác sĩ Trần Vỹ Minh - bệnh viện nhi trực thuộc Đại học Phúc Đán còn có thể kiên trì với nghề được bao lâu?
Khi những người đứng trên sảnh bệnh viện vẫn đang than vãn, chửi bới và đã hoặc sắp có ý định hành hung bác sĩ, họ sẽ sớm nhận ra rằng sẽ có đến 90 triệu gia đình Trung Quốc phải lâm vào bế tắc khi các bác sĩ nhi khoa lần lượt cởi tấm áo blouse xuống và bỏ nghề.
Trước đó, nhật báo Quảng Châu đã từng đăng tải tin tức rằng trong số 21 bác sĩ nhi khoa của bệnh viện số 1 trực thuộc trường Đại học Trung Sơn, đã có 4 người được các bệnh viện mời về với mức lương cao. Lựa chọn giữa việc kiếm được 30.000 NDT/tháng (hơn 100 triệu đồng), không phải tăng ca và nhận được sự tôn trọng; với một bên thu nhập không cao, công việc quá tải còn dễ bị hành hung bất cứ lúc nào. Không quá để tưởng tượng ra viễn cảnh rồi tất cả các bác sĩ giỏi ở viện công sẽ chuyển hết sang viện tư.
Cho đến lúc ấy, người nhà bệnh nhân chỉ còn có cách bỏ ra nhiều tiền hơn để con có thể được điều trị tốt hơn trong bệnh viện tư. Số còn lại sẽ phải chầu chực ở cửa phòng cấp cứu khi con trẻ bị ốm lúc nửa đêm, nóng ruột bấm đốt ngón tay tính xem đến lúc nào bác sĩ mới bắt đầu ca làm việc và bệnh viện mới chịu mở cửa.
"Hành hung y, bác sĩ - Bác sĩ bỏ đi - Mối liên kết giữa người bệnh và người chữa bệnh ngày càng lỏng lẻo", vòng tuần hoàn của những bi kịch bắt đầu được hình thành báo động một tương lai u ám cho thế hệ trẻ của đất nước. Và đáng tiếc là hầu như tất cả chúng ta đều nằm trong đó. Hậu quả nhãn tiền là y tế dành cho trẻ em đã bị rơi vào một thời kỳ lạnh lẽo mà khi đó, ai cũng chỉ chăm chăm lo cho mỗi bản thân mình.
Tạm kết
Trong bộ phim tài liệu Nhân gian thế còn có một đoạn nhắc đến việc bác sĩ Chu Nguyệt Nữu từng vì cứu một đứa trẻ trong tình trạng nguy kịch mà không kịp ăn chút gì vào bụng. Nhưng gia đình bệnh nhi vẫn khiếu nại cô lên đường dây nóng của bệnh viện chỉ vì không đủ kiên nhẫn để tiếp chuyện họ. Sau khi giải thích và viết cả giấy cam kết, gia đình cũng đồng ý hòa giải và đưa ra một câu hỏi đối với vị bác sĩ: "Điều gì khiến cô vẫn tiếp tục kiên trì ở đây?".
Lúc ấy, câu trả lời của cô có thể cũng chính là đáp án mà tất cả mọi người đều đang tìm kiếm: "Cuộc sống của một người không phải lúc nào cũng là đi trên những con đường đầy hoa trải dài hay là sóng yên biển lặng. Nó phải có cả những ưu buồn, ngại ngùng, đau đớn và day dứt. Nhưng dù sao thì tôi vẫn tin rằng bác sĩ là nghề giúp bạn có thể dễ dàng để tìm thấy cảm giác mình đang tồn tại trong cuộc sống hơn bất cứ điều gì khác".
Người thầy thuốc cũng như một người xách đèn trong đêm đen, họ luôn một lòng muốn mang lại ánh sáng cho chúng ta, nhưng tại sao có những người vẫn muốn đang tâm phá huỷ ngọn đèn ấy? Dưới bầu trời mùa đông rét căm căm, người xách đèn vẫn kiên trì làm tốt công việc của họ. Vậy thì những người bình thường như chúng ta, việc nên làm và cần làm nhất, há chẳng phải là đối xử tốt và coi trọng họ hơn sao?
(Dựa trên bài viết của tác giả Hoa Biện Chí trên trang Sina)
Helino