Đằng sau sự tăng trưởng bất chấp dịch bệnh và suy thoái toàn cầu của Viettel Global
Chiến lược đầu tư mạnh cho hạ tầng, thay đổi nhanh chóng với các biến động của thị trường, đồng thời nhìn ra cơ hội trong đại dịch Covid-19 ở nhiều thị trường quốc tế khi người khác chỉ thấy rủi ro, đã giúp Viettel Global tăng trưởng 10% trong bối cảnh các DN viễn thông lớn trên thế giới đều suy giảm.
CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 8.625 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ viễn thông đạt 8.000 tỷ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.182 tỷ đồng, lãi ròng đạt 788 tỷ đồng – tăng 9,2%.
Cả 3 thị trường kinh doanh là châu Phi, Mỹ Latin và Đông Nam Á đều tăng trưởng dương, trong đó châu Phi tăng trưởng 2 chữ số. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu của Viettel Global liên tục tăng trong thời gian gần đây và 6 tháng đầu năm 2020 đạt tới 38%.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, thống kê từ Global Data ghi nhận, hầu hết doanh nghiệp lớn nhất ngành viễn thông tăng trưởng âm. China Mobile ghi nhận 8 triệu thuê bao rời mạng. China Telecom và China Unicom sụt giảm lần lượt 5,6 triệu thuê bao và 1,2 triệu thuê bao. Covid-19 đã làm doanh thu của AT&T giảm 600 triệu USD còn BT cũng đánh mất 7% doanh thu và 11% lợi nhuận sau thuế. Với Telefonica, 6 tháng đầu năm thậm chí còn giảm 10% doanh thu, lợi nhuận giảm tới 53%.
Vì sao Viettel Global vẫn tăng trưởng và cải thiện lớn về hiệu quả hoạt động giữa thời Covid-19?
Cơ hội từ Covid-19
"Thái độ và hành động đúng đắn, thần tốc trong chống dịch Covid-19 của Viettel ở thị trường là yếu tố tạo nên sự khác biệt", ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Viettel Global nhận xét. Vị lãnh đạo này cho biết, nhờ được thừa hưởng các kinh nghiệm triển khai chống dịch của Viettel ở Việt Nam mà các công ty con tại thị trường quốc tế phản ánh nhanh hơn tất cả các nhà mạng khác.
Gói tài trợ trị giá 320.000 USD cho Chính phủ Lào để chung tay chống Covid-19 nhanh chóng được Unitel (thương hiệu Viettel tại Lào) trao tặng. Đi kèm với đó là miễn cước viễn thông cho cán bộ trong Ban điều hành, y, bác sĩ đi chống dịch; hỗ trợ Hệ thống cầu truyền hình để đảm bảo công tác chỉ đạo từ xa chống Covid-19…
Không chỉ ở Lào mà Campuchia, Myanmar, Haiti, Tanzinia… các công ty con của Viettel Global đều thực hiện các biện pháp tương tự. Hành động nhanh, hiệu quả khi đem đến hạ tầng công nghệ cũng như các ứng dụng phù hợp giúp Chính phủ chống dịch Covid-19 là điểm sáng của thương hiệu Viettel ở các thị trường.
Đi cùng với đó là chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ. Một ví dụ điển hình là Viettel Haiti, nguồn thu từ các dịch vụ mới và chuyển đổi số trong quý 1/2020 tăng trưởng 402% so với cùng kỳ năm 2019. Theo dự kiến, Viettel Haiti dự kiến tăng trưởng tới 15% trong năm 2020.
Hỗ trợ cho chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ kể từ đầu năm 2020 là chiến lược đầu tư mạnh cho hạ tầng được thực hiện trong năm 2019. Tại Myanmar, nhờ việc phủ sóng 4G rộng khắp hơn hẳn đối thủ, kết hợp bán chéo dịch vụ với gần 8.000 cửa hàng điện thoại trên toàn quốc... Mytel đã vượt mốc 10 triệu thuê bao từ tháng 6/2020.
Tương tự, Halotel (Viettel Tanzania) cũng có mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ tới 36% - mức tăng trưởng chỉ sau thị trường Myanmar (Mytel).
Chiến lược tập trung vào khách hàng có doanh thu cao
Một chiến lược có hiệu quả từ năm 2019 và vẫn tiếp tục trong đại dịch Covid-19 là tập trung vào nhóm khách hàng Arpu cao (doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao).
Mytel đang là động lực tăng trưởng lớn nhất của Viettel Global.
Tại Myanmar - thị trường quốc tế lớn nhất của Viettel, ngay từ đầu, Mytel định vị là một thương hiệu trẻ trung, hiện đại và năng động. Trong chiến lược hợp tác với đối tác, Mytel cũng chọn các nhóm hàng hoá, dịch vụ cung cấp tới được các khách hàng Arpu cao như đài truyền hình Skynet, Cookie TV, và khoảng 8.000 cửa hàng phân phối smartphone trên toàn quốc... Hay việc tài trợ độc quyền cho hầu hết các đội game mạnh nhất và bình luận viên game (streamer) nổi tiếng nhất Myanmar… cũng nhắm vào nhóm khách hàng tiêu dùng data lớn.
Tại Haiti, Natcom có chiến lược riêng cho nhóm khách hàng trung lưu và giàu với gói cước có giá bình quân từ 5 USD trở lên. Với Tanzania, trong 5 tháng đầu năm, số lượng thuê bao Data với mức doanh thu bình quân trên đầu người (ARPU) cao tăng liên tục trong 8 tháng gần đây (gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái). Tại Mozambique, Movitel dồn lực cho thị trường cho thành phố với gói cước không giới hạn thoại và data dành cho khách hàng tiêu dùng từ 10 USD/tháng…
Cùng với các giải pháp này, lực lượng bán hàng trực tiếp và tinh nhuệ nhất được ưu tiên cho thị trường thành thị.
Nhờ việc tập trung hơn vào các khách hàng có Arpu cao và tăng tỷ lệ trong tổng khách hàng của Viettel Global, hiệu quả kinh doanh của công ty được cải thiện lớn bởi đây là nhóm khách hàng đem lại lợi nhuận lớn nhất. Đây cũng là nhóm khách hàng giúp doanh thu Viettel Global tăng trưởng trong dịch Covid-19.