MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau sự trỗi dậy của điện mặt trời là cả núi than đá từ Trung Quốc, điện mặt trời có thật sự sạch?

02-08-2021 - 19:04 PM | Tài chính quốc tế

Đằng sau sự trỗi dậy của điện mặt trời là cả núi than đá từ Trung Quốc, điện mặt trời có thật sự sạch?

Cuối cùng thì rất có thể năng lượng mặt trời lại trở thành tác nhân gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, làm xói mòn những thành tích đạt được trong công cuộc giảm thiểu khí thải nếu áp dụng năng lượng mặt trời rộng rãi.

Trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tại Mỹ và nhiều nước châu Âu ngày càng xuất hiện nhiều bộ thu năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, phương Tây đang đối mặt với 1 câu hỏi hóc búa khi lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà hay các sa mạc: hầu hết các tấm pin đều được sản xuất bởi những nhà máy chạy bằng than đá ở Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ và châu Âu phải phụ thuộc vào than đá Trung Quốc – loại nhiên liệu "bẩn" tạo ra lượng khí thải carbon rất lớn. Hơn nữa trong vài năm tới lượng khí thải sẽ còn tăng lên do các nhà sản xuất tấm pin ở Trung Quốc mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của phương Tây.

Cuối cùng thì rất có thể năng lượng mặt trời lại trở thành tác nhân gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, làm xói mòn những thành tích đạt được trong công cuộc giảm thiểu khí thải nếu áp dụng năng lượng mặt trời rộng rãi.

Từ nhiều năm nay, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã tận dụng lợi thế nguồn điện giá rẻ (mà chủ yếu là nhiệt điện chạy bằng than đá) để thống trị thị trường toàn cầu. Hiện các nhà máy Trung Quốc cung cấp hơn 3/4 lượng polysilicon tiêu thụ trên toàn thế giới, theo Johannes Bernreuter, 1 chuyên gia phân tích trong ngành.

Polysilicon là nguyên liệu quan trọng để làm nên các tấm pin năng lượng mặt trời. Các nhà máy sản xuất polysilicon tiêu tốn rất nhiều điện năng, do đó tiếp cận được với nguồn điện giá rẻ sẽ là 1 lợi thế cạnh tranh lớn. Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện than ở những vùng như Tân Cương và Nội Mông để hỗ trợ các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng điển hình như các nhà máy sản xuất polysilicon.

Theo Fengqi You, giáo sư ĐH Cornell, quy trình sản xuất 1 tấm pin ở Trung Quốc tạo ra lượng carbon dioxide lớn gấp đôi so với ở châu Âu. Ở một số quốc gia hoặc khu vực không bị phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện như Na Uy và Pháp, lắp đặt tấm pin của Trung Quốc sẽ không thể giúp giảm lượng khí thải.

Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn cho rằng những tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc vẫn sẽ làm giảm lượng khí thải carbon ròng về dài hạn. Lượng khí thải giảm thiểu sau vài năm đầu sử dụng (1 tấm pin có tuổi thọ khoảng 30 năm) có thể bù đắp lượng khí thải tạo ra trong quá trình sản xuất nó.

Đằng sau sự trỗi dậy của điện mặt trời là cả núi than đá từ Trung Quốc, điện mặt trời có thật sự sạch? - Ảnh 1.

Không có than đá Trung Quốc thì điện mặt trời không rẻ đến vậy!

Chính phủ và các doanh nghiệp ở một số nước phương Tây đang nỗ lực tách ngành năng lượng mặt trời khỏi than đá. Các công ty mua năng lượng tái tạo sẽ ưu tiên cho các tấm pin "sạch" khi tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời. Tại Mỹ, chính quyền liên bang đang nghiên cứu dự luật tương tự.

Các chính sách này cũng giúp xây dựng lại ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của phương Tây vốn đang bị thui chột trước sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.

Trong 2 năm qua, sản lượng điện mặt trời tại Mỹ đã tăng 48%. Tại châu Âu tăng 34%. "Những khách hàng lớn nhất có tầm ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng. Hy vọng là năng lượng mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và chúng tôi muốn đảm bảo đó là tăng trưởng bền vững", Jen Snook, chuyên gia đến từ Renewable Energy Buyers Alliance, liên minh đại diện cho Amazon, Salesforce và hơn 200 doanh nghiệp khác nói.

Tháng 11 tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ họp tại Scotland để thúc đẩy nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính. Một phần của nỗ lực đó bao gồm thuyết phục Trung Quốc, nước tạo ra nhiều khí thải nhất, giảm mạnh lượng điện tạo ra từ than đá để giảm khí thải. Tại cuộc họp các Bộ trưởng Môi trường nhóm G20 hồi tháng trước, Trung Quốc và Ấn Độ đã từ chối thỏa thuận cắt giảm sản lượng điện từ các nhà máy chạy bằng than.

Tìm ra lựa chọn thay thế không phải là chuyện đơn giản. Sự cạnh tranh từ Trung Quốc đã buộc nhiều nhà máy của Mỹ phải đóng cửa. Tại nhà máy ở Đức, Wacker Chemie, nhà sản xuất polysilicon lớn nhất của châu Âu, phải chịu chi phí điện năng cao gấp 4 lần so với các nhà sản xuất tại Tân Cương.

Trung Quốc đã đẩy giá tấm pin xuống thấp tới mức điện mặt trời giờ còn rẻ hơn cả điện tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch tại rất nhiều thị trường trên toàn thế giới. Mỹ và châu Âu tràn ngập các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc từ nước khác nhưng sử dụng các vật liệu quan trọng được làm ra tại Trung Quốc.

"Nếu Trung Quốc không sử dụng than đá thì năng lượng mặt trời không rẻ đến vậy", chuyên gia nghiên cứu Robbie Andrew đang công tác tại 1 viện nghiên cứu ở Oslo nhận xét.

Một số nhà máy sản xuất polysilicon của Trung Quốc có thể dễ dàng đáp ứng yêu cầu của phương Tây. Ví dụ Tongwei, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, có một vài nhà máy chạy bằng thủy điện. Tuy nhiên các đối thủ chính của Tongwei đều sử dụng nhiệt điện.

Pháp là một trong số ít nước yêu cầu các dự án lớn phải sử dụng các tấm pin có lượng khí thải carbon thấp trong quá trình sản xuất. Điều đó khuyến khích một số nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng năng lượng tái tạo trong một số khâu để có thể bán tại thị trường Pháp. Hàn Quốc mới áp dụng quy định tương tự.

Mức thuế cao mà Mỹ áp dụng với tấm pin nhập khẩu từ Trung Quốc cũng thúc đẩy các công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy ở nước ngoài. Ví dụ JinkoSolar đã xây dựng 1 nhà máy ở Florida để cung ứng cho NextEra Energy, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên polysilicon mà nhà máy này sử dụng vẫn được nhập từ Trung Quốc.  

Tham khảo Wall Street Journal

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên