Đằng sau tấm băng rôn kêu cứu ở cổng Bộ Công Thương
Kiến nghị bãi bỏ Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô đang chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng, nhưng đằng sau đó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của cả cộng đồng DN tư nhân trước một nhóm nhỏ nhưng có lợi ích lớn…
- 03-08-2016Thủ tướng: "Muốn xóa bỏ con đường ngắn nhất từ dạ dày đến nghĩa trang, phải xóa bỏ con đường dài nhất từ lời nói đến việc làm"
- 01-08-2016Thủ tướng muốn các Bộ trưởng nói đi đôi với làm, đừng "đánh bóng cá nhân"
- 28-07-2016Ông Vũ Tiến Lộc: "Làm thế nào để hàng triệu công chức hành động như Thủ tướng là thách thức lớn"
Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô do Bộ Công Thương ban hành là một trong những văn bản quy định nằm trong danh mục các điều kiện về đầu tư, kinh doanh được yêu cầu phải rà soát lại theo yêu cầu của Chính phủ.
Bởi với quy định về việc nhập khẩu xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống cần có giấy ủy quyền chính hãng của hãng sản xuất, có xưởng bảo hành xe… thì những nhà nhập khẩu xe tư nhân Việt Nam đã bị loại khỏi cuộc chơi, một số ít thì sống lay lắt và thị trường xe Việt Nam chỉ dành cho các ông lớn nước ngoài, cùng một số rất ít ông lớn trong nước như Trường Hải.
Chờ chỉ đạo của Thủ tướng
Thông tin trao đổi bên lề tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay Thủ tướng sẽ có ý kiến chỉ đạo về Thông tư 20 sau nhiều tranh cãi liên quan đến điều kiện kinh doanh nhập ôtô.
“Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp và đề xuất của Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan, hiệp hội, DN liên quan, Thủ tướng sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên quan điểm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thực tế hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô tại Việt Nam” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Chỉ vài ngày trước khi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin về định hướng chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến Thông tư 20, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việc Nam (VCCI) đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng trong việc bãi bỏ văn bản này.
Theo VCCI, Thông tư 20 đang như một điều kiện kinh doanh, khiến cho các DN sẽ khó gia nhập thị trường và toàn bộ thị trường chỉ nằm trong tay một vài DN lớn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Như vậy, quy định này không phù hợp với Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ, và việc bãi bỏ Thông tư 20 có ý nghĩa lớn trong việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Để có được văn bản kiến nghị này, cộng đồng DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu xe ô tô đã trải qua một cuộc đấu mà chính những người trong cuộc phải nhận xét: Cuộc đấu không cân sức theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.
Cuộc họp do chính Bộ Công Thương tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, có sự tham gia của hàng chục các DN lớn thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA); Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), khi mà những nhà nhập khẩu ô tô trong nước chỉ vỏn vẹn có… 3 người.
Không ít DN không được tham dự, đã phải đứng hàng dài ngoài cổng trụ sở Bộ Công Thương, căng thêm tấm băng rôn với hàng chữ: “Vì lợi ích người tiêu dùng, ủng hộ Thủ tướng Chính phủ bỏ Thông tư 20, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh”.
Cuộc đấu căng thẳng
Tấm băng rôn căng ngay cổng trụ sở chính của Bộ Công Thương, như lời kêu cứu, bày tỏ những tâm tư, đề xuất của cộng đồng DN tư nhân trong cuộc đấu tranh giành lại sự bình đẳng trên thị trường nhập khẩu xe ô tô. Thế nhưng, hình ảnh băng rôn ấy lại gây nên nỗi ám ảnh không ít người, trong đó có vị Trưởng ban pháp chế VCCI.
Là người trực tiếp theo dõi sát câu chuyện về Thông tư 20, cũng như lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho việc bãi bỏ Thông tư này và bảo vệ cho DN tư nhân, ông Anh Tuấn cho rằng đa phần các DN Việt Nam đều là DN nhỏ và vừa. Nhưng chính những quy định như của Thông tư 20, đã khiến cho các DN tư nhân ngày càng nhỏ lại, và có nguy cơ phải rời bỏ cuộc chơi.
Như với Thông tư 20, quan điểm và lập luận được cơ quan quản lý cũng như các DN đưa ra là nếu như mở rộng việc nhập khẩu ô tô, có thể khiến cho việc kiểm soát các mặt hàng xa xỉ khó khăn và làm cho nhập siêu tăng cao.. Thế nhưng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI – người đã trực tiếp ký văn bản kiến nghị lên Thủ tướng gỡ bỏ Thông tư này, cho rằng đó chỉ là “tưởng tượng” của cơ quan quản lý mà thôi.
Bởi để kiểm soát nhập khẩu hàng xa xỉ và nhập siêu, có nhiều cách quản lý chứ không phải cứ quản lý bằng cách hạn chế sự gia nhập thị trường. “Vấn đề là nhà nước phải nghĩ, không chỉ nước ta mà các nước khác cũng gặp trường hợp tương tự nhưng tôi tin các nước khác họ không thực hiện những biện pháp như chúng ta” – ông Lộc nói.
Trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nỗ lực kêu gọi xây dựng một Chính phủ liêm chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN trong làm ăn kinh doanh, khởi nghiệp; cũng như quyết liệt trong loại bỏ các giấy phép con, thì hành động các DN căng băng rôn với khẩu hiệu trên, như một hình ảnh đối lập.
Những lợi ích nhóm liên quan đến quyền lợi của không ít bộ ngành và một nhóm nhỏ DN đang khiến cho cuộc chiến loại bỏ giấy phép con gặp không ít thách thức. Thế nhưng, TS. Lộc cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là Chính phủ cần phải tạo lập môi trường kinh doanh, bình đẳng và minh bạch, tạo điều kiện cho tất cả mọi chủ thể, DN và thành phần kinh tế gia nhập thị trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
“Bất cứ biện pháp gì của cơ quan Chính phủ mà duy trì sự độc quyền, mang lại lợi ích cho một nhóm DN thì điều đó đều không đúng với yêu cầu xây dựng thể chế đường lối của Đảng. Do đó, những chính sách trong đó có chính sách nhập khẩu, kinh doanh ô tô cũng nên theo tinh thần như vậy, đảm bảo một cơ chế cạnh tranh bình đẳng, giúp DN vừa và nhỏ tham gia vào thị trường” – Chủ tịch VCCI kiến nghị.