Đằng sau thông tin Vingroup đàm phán huy động 1 tỷ USD cho VinFast, có thể hoàn tất vào tháng tới
Mặc dù chỉ đang ở giai đoạn đàm phán, song động thái này cho thấy sức nóng của thị trường đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) tại Việt Nam.
- 01-12-2021PMI tháng 11 tăng nhẹ lên 52,2 điểm
- 01-12-2021Trỗi dậy sau khủng khoảng 3: Việt Nam - Ngôi sao mới của thị trường vốn cổ phần tư nhân
- 23-11-2021Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt
Vừa qua, Reuters đưa tin, Tập đoàn Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia Qatar và BlackRock, nhằm huy động 1 tỷ USD cho VinFast. Vingroup chưa có bình luận gì về thông tin trên.
Hồi giữa tháng 11, hai mẫu SUV điện ra mắt công chúng tại Los Angeles Auto Show 2021, đánh dấu sự có mặt của VinFast tại thị trường xe điện hàng đầu thế giới.
Trước đó, cũng theo truyền thông quốc tế, VinFast có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, có thể thông qua một công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC). Theo Reuters, VinFast vẫn đang theo đuổi kế hoạch này. Dự kiến, VinFast có thể huy động vốn thành công ngay đầu năm 2022.
Mặc dù chỉ đang ở giai đoạn đàm phán, song động thái này cho thấy sức nóng của thị trường đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) tại Việt Nam. Đáng chú ý, năm ngoái, hoạt động của thị trường PE toàn cầu và khu vực có xu hướng giảm. Trong khi đó, thị trường PE của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng, cả về số lượng giao dịch và giá trị.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, ngành PE toàn cầu sụt giảm 13,1% về số lượng giao dịch, và giảm 33,8% về tổng giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong giai đoạn này, các hoạt động giao dịch trên thị trường PE trong ASEAN-5 và Việt Nam nhìn chung chậm lại sau một năm 2019 tương đối sôi động.
Số lượng thương vụ giảm từ 230 trong nửa đầu năm 2019, xuống còn 200 trong nửa đầu năm 2020. Giá trị thương vụ cũng giảm hơn một nửa, từ 9,1 tỷ USD xuống chỉ còn 4,3 tỷ USD.
Năm 2019, Việt Nam đứng sau Malaysia về giá trị thương vụ PE, nhưng sau đó đã vượt lên trong nửa đầu năm 2020, đồng thời trở thành quốc gia duy nhất ghi nhận tăng trưởng trong thị trường PE. Năm 2021, dự kiến xu hướng này còn tăng mạnh hơn nữa, vì hầu hết các nhà đầu tư tin rằng các giao dịch sẽ chỉ bị hoãn lại trong vòng chưa đầy một năm.
Khi Việt Nam nới lỏng hạn chế đi lại, dự kiến sẽ có bước "nhảy vọt" đáng kể về số lượng các giao dịch trên thị trường PE. Theo khảo sát của Grant Thornton, các lĩnh vực hấp dẫn nhất hiện nay là logistics, giáo dục, năng lượng tái tạo, công nghệ, fintech và chăm sóc sức khoẻ.
Trong đó, quy mô thị trường của lĩnh vực logistics dự kiến sẽ đạt 113 tỷ USD vào năm 2022. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi một số hiệp định thương mại tự do và lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ. Các nhà sản xuất lớn như Apple, LG và Panasonic coi Việt Nam là một trung tâm mới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối của họ.
Ngành giáo dục được dự báo sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, đi kèm với sự gia tăng chi tiêu cho giáo dục, không chỉ cho trẻ em mà còn cho người lao động từ 40 tuổi trở xuống, khi họ đang nỗ lực để có thêm kỹ năng và kiến thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chi tiêu chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người là 194 USD năm 2019, lên mức dự kiến 309 USD vào năm 2024. Báo cáo Grant Thornton cho hay, sự thiếu hụt nhân sự có trình độ và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe không đầy đủ dẫn đến chênh lệch nguồn cung lớn, và tốc độ già hóa ngày càng tăng của dân số Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe hơn nữa.
Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ đang thu hút rất nhiều vốn đầu tư mạo hiểm và quỹ PE, với tốc độ CAGR ấn tượng 26,1% trong giai đoạn 2015-2019. Nhiều động lực thúc đẩy đầu tư bao gồm ưu đãi thuế thuận lợi, hỗ trợ tín dụng của chính phủ và lao động chất lượng cao với chi phí thấp.
Về năng lượng tái tạo, Việt Nam đã trở thành nơi có công suất lắp đặt lớn thứ hai trong ASEAN với 54.880MW vào năm 2019. Ngành công nghiệp này nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ, bao gồm các chính sách thuế ưu tiên, biểu giá cấp nguồn trước đây cho năng lượng mặt trời và sự chấp thuận cho toàn quyền sở hữu nước ngoài trong các công ty năng lượng. Grant Thornton nhấn mạnh, trong khi điện mặt trời dự báo sẽ chững lại, thì điện gió sẽ được quan tâm nhiều trong thời gian tới.
Nhìn chung, những yếu tố kể trên có thể giúp thị trường PE Việt Nam trở thành "ngôi sao đang lên", và là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Trong số thứ 3 của chuỗi talk show "Trỗi dậy sau khủng hoảng", Trí thức trẻ sẽ có cuộc trò chuyện với ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, người có 15 năm kinh nghiệm đầu tư trên thị trường Việt Nam và có hiểu biết sâu sắc về thị trường vốn cổ phần tư nhân.
Chương trình lên sóng vào lúc 14h ngày 3/12/2021.