MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau thương vụ 400 triệu USD của Alibaba và Baring vào Masan, hàng loạt thương vụ tăng vốn tiếp theo nhằm tăng cường sức khoẻ tài chính?

19-05-2021 - 09:31 AM | Doanh nghiệp

Đằng sau thương vụ 400 triệu USD của Alibaba và Baring vào Masan, hàng loạt thương vụ tăng vốn tiếp theo nhằm tăng cường sức khoẻ tài chính?

Bảng cân đối kế toán của Masan Group đã "kém lành mạnh" đi rất nhiều sau thương vụ mua lại VinCommerce từ Vingroup. Tập đoàn bán lẻ - tiêu dùng giờ đây đang thực hiện những bước đi tạo nền tảng vững chắc cho kế hoạch doanh thu 10 tỷ USD năm 2025.

CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group) vừa công bố thương vụ Alibaba và Baring Private Equity (BPEA) rót 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới của The CrownX (TCX), tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,5% sau phát hành. Khoản đầu tư đưa định giá công ty tích hợp Masan Consumer và VinCommerce lên gần 7,3 tỷ USD.

Đằng sau thương vụ 400 triệu USD của Alibaba và Baring vào Masan, hàng loạt thương vụ tăng vốn tiếp theo nhằm tăng cường sức khoẻ tài chính? - Ảnh 1.

Các giao dịch đầu tư vào The CrownX

Trong thỏa thuận, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada (nền tảng của Alibaba tại Đông Nam Á) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) tại Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, Masan cho biết đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với các nhà đầu tư khác trị giá từ 300 – 400 triệu USD vào The CrownX, dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

Ngoài ý nghĩa đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến, thương vụ đầu tư của Alibaba và Baring còn giúp cho The CrownX tăng vốn chủ sở hữu thêm một khoản đáng kể. Điều này đồng nghĩa báo cáo tài chính hợp nhất của Masan Group (công ty mẹ) cũng sẽ thay đổi tương ứng.

Trên thực tế, củng cố bảng cân đối kế toán là một trong những mục tiêu tối quan trọng của Masan trong năm nay đến giữa năm sau.

Kế hoạch mà Ban Tổng giám đốc đưa ra là tăng vốn chủ tại mỗi nền tảng của Masan với ưu tiên là dành cho các nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho hiệu quả hoạt động.

Năm 2020, sau khi tích hợp thêm VinCommerce từ Tập đoàn Vingroup, bảng cân đối kế toán của Masan Group thay đổi rất mạnh. Tổng nợ vay tăng thêm 32.000 tỷ đồng sau khi Masan mua thêm cổ phần trong các công ty con, đặc biệt là The CrownX và VCM. Cùng với đó, vốn chủ Tập đoàn giảm từ gần 51.900 tỷ đồng xuống còn hơn 25.000 tỷ đồng.

Đằng sau thương vụ 400 triệu USD của Alibaba và Baring vào Masan, hàng loạt thương vụ tăng vốn tiếp theo nhằm tăng cường sức khoẻ tài chính? - Ảnh 2.

Nợ phải trả của Masan Group tăng gấp đôi trong năm 2020

Đằng sau thương vụ 400 triệu USD của Alibaba và Baring vào Masan, hàng loạt thương vụ tăng vốn tiếp theo nhằm tăng cường sức khoẻ tài chính? - Ảnh 3.

Trong khi vốn chủ giảm một nửa

Đằng sau thương vụ 400 triệu USD của Alibaba và Baring vào Masan, hàng loạt thương vụ tăng vốn tiếp theo nhằm tăng cường sức khoẻ tài chính? - Ảnh 4.

Cơ cấu nợ vay - tài sản của Masan Group

Masan đã trả giá cao hơn giá trị sổ sách khi mua tăng sở hữu tại CrownX và VCM, theo chuẩn mực kế toán VAS, Tập đoàn phải ghi giảm vốn chủ sở hữu tương ứng phần chênh lệch.

Masan nói rằng, The CrownX và VCM là hai doanh nghiệp có giá trị sổ sách thấp, nhưng sở hữu giá trị chiến lược cao bởi niềm tin của Masan vào tăng trưởng thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam.

Chính việc đồng thời tăng tổng nợ vay và giảm mạnh vốn chủ sở hữu khiến cho hệ số nợ phải trả/vốn chủ (D/E) của Masan Group tăng từ 0,88 lên 3,62 lần. Đây chính là điều khiến cho giới đầu tư lo ngại đối với hoạt động kinh doanh của Masan Group.

Cũng tại thời điểm 31/12/2020, nợ ròng hợp nhất trên EBITDA của Masan khoảng 4,6 lần (không bao gồm việc hợp nhất VCM do đang trong giai đoạn tăng tốc).

Bất chấp những nghi ngại của nhà đầu tư về rủi ro sau khi sáp nhập VinCommerce, tại ĐHĐCĐ Masan 2021, ông Michael Hung Nguyen – Giám đốc tài chính cho biết "chúng tôi đang khá thoải mái với bảng cân đối kế toán này".

Nhưng mục tiêu của Masan Group trong vòng từ 1 – 1,5 năm là giảm hệ số Nợ ròng/EBITDA về ngưỡng 2,5 – 3 lần.

Đằng sau thương vụ 400 triệu USD của Alibaba và Baring vào Masan, hàng loạt thương vụ tăng vốn tiếp theo nhằm tăng cường sức khoẻ tài chính? - Ảnh 5.

Biên EBITDA của Masan Group giảm mạnh sau sự góp mặt của VinCommerce

Trong tài liệu quan trọng gửi cổ đông, Masan nói rằng kế hoạch là sẽ giảm nợ tại Masan High-Tech Materials (MHT) sau khi tăng vốn chủ sở hữu; sử dụng dòng tiền có sẵn trong quá trình hoạt động; và cải thiện chu kỳ chuyển đổi vốn lưu động để trả các khoản nợ lãi cao hơn.

Với EBITDA cũng đặt mục tiêu cao hơn trong tương lai gần thông qua tăng trưởng hai chữ số với Masan Consumer (MCH); mở rộng mảng kinh doanh thịt của Masan MEATLife (MML); và tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của HCS vào MHT.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất, Masan muốn đóng góp EBITDA dương từ VCM, điều Tập đoàn đã làm thành công trong hai quý gần nhất công bố.

Bản thân Masan Group cũng có kế hoạch chào bán cổ phần mới phục vụ hoạt động kinh doanh – đầu tư, phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua.

Masan cho biết sẽ chào bán không quá 10% số cổ phần đang lưu hành, thời gian thực hiện trong năm 2021 cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Như vậy, nhiều phương án đang được đội ngũ của Masan thực hiện cùng lúc từ tăng vốn, giảm nợ và gia tăng hiệu quả hoạt động. Mục tiêu trung - dài hạn là tạo nền tảng tài chính lành mạnh làm tiền đề cho tham vọng đột phá trong tương lai, mục tiêu 10 tỷ USD doanh thu năm 2025.

Bạch Mộc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên