Đáng sợ với "đẳng cấp" làm hàng nhái Trung Quốc: Túi LV giả có chip NFC chống hàng giả, dù túi thật không hề có
Chiêu trò này đã khiến nhiều người mua "bối rối" và tin chắc rằng đây là sản phẩm LV chính hãng.
- 13-02-2021Đây là người tuổi Sửu giàu nhất thế giới: Ông trùm hàng hiệu Bernard Arnault
- 03-12-2020Xu hướng dùng hàng hiệu quốc tế đã lỗi thời, người Trung Quốc giờ đây trở thành tín đồ của các thương hiệu Made in China 'ngon-bổ-rẻ'
- 17-09-2020Hermes và cuộc chiến chống lại sức mạnh đế chế LVMH
Rất nhiều túi xách thời trang hàng hiệu nhái được sản xuất tại Trung Quốc, đây không phải là tin tức mới và là câu chuyện đã tồn tại nhiều năm. Nhưng càng ngày, các nhà sản xuất hàng nhái ở quốc gia này không chỉ nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất mà thậm chí còn tìm cách vượt qua cả thương hiệu gốc về mặt công nghệ.
Cách đây vài ngày, truyền thông Trung Quốc đưa tin một vụ buôn bán túi da giả nhãn hiệu Louis Vuitton (LV) thông qua nền tảng WeChat, với hơn 30 người có liên quan, đã bị khởi tố ở Thượng Hải.
Sự việc xảy ra vào tháng 12/2019, khi cơ quan an ninh phát hiện có người bán những chiếc túi thương hiệu LV bị nghi giả mạo thông qua nền tảng Wechat với số lượng rất lớn. Sau khi theo dấu điều tra, một mạng lưới sản xuất và bán hàng giả khổng lồ dần lộ diện. Những kẻ chủ mưu là 4 anh chị em trong một gia đình, đều là những người cung cấp da và phần cứng để làm túi LV giả. Họ đã hợp tác cùng thuê một quầy hàng tại một khu phố chuyên bán đồ da và đồ kim khí ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, để vận hành đường dây kinh doanh. Việc kinh doanh phát triển tới mức không ngờ, với những chiếc túi thậm chí đã được bán đến tận Trung Đông.
Bên trong xưởng cung ứng nguyên liệu làm túi LV giả.
Để tăng doanh thu, những người này thậm chí còn đến quầy hàng mua những chiếc túi thật về tháo rời ra, nhằm tìm hiểu về nguyên vật liệu cho chính xác.
Chưa hết, họ còn mua chuộc được một nhân viên bán hàng của hãng LV, sau khi đã mua hơn một chục chiếc túi từ người này, để từ đó có được các thông tin nội bộ như kiểu dáng sản phẩm và hình ảnh minh họa chi tiết của các sản phẩm chưa được bán. Sau khi có thông tin, nhóm này thậm chí có thể tung hàng nhái của mình ra thị trường sớm hơn hàng chính hãng.
Các sản phẩm nhái này thường được bán buôn và phân phối với giá chỉ từ 15 tới 30 USD, sau đó chúng được bán ra với mức giá từ 70 đến 100 USD. 310 chiếc túi LV giả đã bị thu giữ tại chỗ, với giá thị trường của những chiếc túi chính hãng lên tới 1,7 triệu USD.
Túi giả LV tích hợp chip NFC hiển thị thông tin sản phẩm khi kết nối smartphone.
Nhưng điều gây bất ngờ nhất là băng nhóm tội phạm cũng tự mày mò phát triển để đưa ra cái gọi là thẻ chống hàng giả dựa trên công nghệ NFC, từ trên mạng Internet. Trong mỗi chiếc túi LV giả có gắn chip NFC để khi người dùng quét bằng điện thoại di động, đường dẫn sẽ đưa tới trang trang web chính thức của hãng LV, thậm chí tới tận trang giới thiệu chính sản phẩm đó. Chiêu trò này đã khiến nhiều người mua "bối rối" và tin chắc rằng đây là sản phẩm chính hãng.
Sau khi nghiên cứu và phát triển thành công, nhóm này đã mua một số lượng lớn chip NFC với giá 0,15 USD một chục, cấy chip vào túi. Phần chip còn dư lại đem bán lại cho các xưởng sản xuất hàng giả khác với mức cao gấp đôi giá mua vào.
Theo đại diện thương hiệu của hãng LV, túi chính hãng không có chip cảm biến NFC như vậy và tất cả các túi có chức năng cảm biến NFC kết nối với điện thoại di động đều là hàng nhái.
Rất khó để phân biệt túi LV giả với công nghệ làm nhái cao cấp ngày nay.
Những chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra rằng, sản phẩm của các nhà sản xuất hàng giả ngày càng có "độ nhái" cao khiến người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Bởi vì các đơn vị này ngày nay cũng có quy trình làm nhái rất chuyên nghiệp. Bất cứ khi nào một chiếc túi mới được tung ra tại quầy, họ sẽ cử người đến quầy để xem trực tiếp hoặc mua sản phẩm chính hãng, từ đó tạo mẫu theo đúng chất liệu da, da lót, phần cứng, kích thước... sau đó tiếp tục cải tiến các chi tiết và thậm chí tối ưu hóa, để cuối cùng là sản xuất hàng loạt.
Những hàng giả này đang tràn ngập thị trường trực tuyến và thị trường đồ cũ, gây ra rất nhiều rắc rối cho cả thương gia lẫn người tiêu dùng.
Tham khảo Sohu
Pháp luật & Bạn đọc