MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang tính 10.000 tỉ chống ngập cho TP.HCM

03-10-2017 - 08:47 AM | Bất động sản

Vốn đầu tư công trung hạn đang tồn gần 200.000 tỉ đồng.

Trong số 2 triệu tỉ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội (QH) thông qua hiện đã được giao 89,2% (hơn 1,6 triệu tỉ đồng), dành 200.000 tỉ đồng để dự phòng chung, còn tồn gần 200.000 tỉ đồng của các dự án lớn phải xin ý kiến QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH khi giải ngân tiếp hoặc của các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thông tin như vậy tại phiên giải trình về việc triển khai Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban Kinh tế (UBKT) và Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) của QH đồng tổ chức chiều 2-10.

80.000 tỉ chưa giải ngân do đâu?

Theo đó, con số gần 200.000 tỉ đồng phải trình QH, UBTVQH cho ý kiến trước khi thực hiện sẽ tập trung vào các dự án quan trọng quốc gia: Đường cao tốc Bắc-Nam; dự án chống ngập TP.HCM; phần vốn bổ sung cho chương trình biển Đông-hải đảo; phần vốn bổ sung vốn điều lệ và cấp bù lãi suất tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; đầu tư tuyến đường ven biển từ Hải Phòng đến Nghệ An theo hình thức PPP; tiền thu từ bán đất và tài sản trên đất của các bộ, ngành trung ương...

ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực UBTCNS, đặt câu hỏi: “Sau hai năm triển khai, hiện đang còn 80.000 tỉ đồng của các dự án trọng điểm quốc gia chưa giải ngân được. Vướng mắc do đâu, tại sao không triển khai được và bao giờ giải ngân được?”.

Bộ trưởng Dũng giải trình: “80.000 tỉ đồng của các dự án trọng điểm quốc gia có khoảng 10.000 tỉ đồng chống ngập cho TP.HCM. Chúng tôi đã yêu cầu rất nhiều lần để TP.HCM thực hiện thủ tục triển khai nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa xong, vẫn chưa có báo cáo chính thức nên khó giao vốn”.

Cũng theo ông Dũng, 70.000 tỉ đồng còn lại, Bộ GTVT kiến nghị thực hiện 15.000 tỉ đồng cho bốn dự án của ngành đường sắt và các dự án bị đình, giãn, hoãn. Còn 55.000 tỉ đồng đưa vào các dự án cao tốc Bắc-Nam. Hiện Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ và sẽ trình ra QH tại kỳ họp tới.

Đoạn đường số 10- QL50, huyện Bình Chánh, TP.HCM luôn ngập khi có mưa. Ảnh: HTD
Đoạn đường số 10- QL50, huyện Bình Chánh, TP.HCM luôn ngập khi có mưa. Ảnh: HTD

72.000 tỉ đồng đầu tư kém hiệu quả, dàn trải

Ở một khía cạnh khác liên quan, đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng, nêu: “72 dự án đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải. Sau một thời gian đến bây giờ mới phát hiện ra thì trách nhiệm như thế nào trong quá trình thanh kiểm tra”.

Về việc này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông giải trình: “Luật Đầu tư công đã quy định phân cấp rõ trách nhiệm của ai, đến đâu. Trách nhiệm của Bộ là xem phân bổ vốn có đúng theo quy định hay không. Việc này Bộ đã đi giám sát, kiểm tra, những công trình đầu tư không đúng theo danh mục phê duyệt thì đều đã báo cáo Chính phủ. Còn hiệu quả của dự án là do chủ dự án, nếu dự án của bộ chủ quản thì trách nhiệm thuộc về bộ chủ quản, còn dự án của địa phương là trách nhiệm của địa phương”.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ nguyên nhân các bất cập, vướng mắc trên do luật hay do khâu tổ chức thực hiện. Đồng thời cũng phải làm rõ “Bộ chịu trách nhiệm đến đâu, trách nhiệm của địa phương đến đâu. Bây giờ còn 180.000 tỉ đồng chưa giao được trong khi nhiều công trình như chống ngập tại TP.HCM, đường ven biển từ Hải Phòng cho đến Nghệ An, hay cao tốc Bắc-Nam. Giải ngân chậm tức là sử dụng vốn ngân sách không đem lại hiệu quả cao nhất. Vì sao có luật, nghị quyết rồi mà vẫn có nhiều tỉnh, thành vi phạm? Tại sao đường cao tốc Bắc-Nam QH phê duyệt 70.000 tỉ đồng nhưng sao lại chỉ được 55.000 tỉ đồng?” - ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, có hiện trạng trên là do các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công nên mới có chuyện “dự án cũ chưa xong đã triển khai dự án mới”. “Chính phủ thống nhất quản lý đầu tư công, Bộ KH&ĐT giúp cho Chính phủ thì Bộ phải chịu trách nhiệm chính, cùng một số bộ, ngành có liên quan. Phải chỉ rõ trách nhiệm dự án nào, địa phương nào, bộ, ngành nào để công khai, minh bạch sai phạm” - ông Hiển chỉ rõ.

TP.HCM đã gửi hồ sơ thẩm định 10.000 tỉ chống ngập

Liên quan đến 10.000 tỉ đồng chống ngập cho TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết: “Dự án chống ngập tại TP.HCM gồm 36 tiểu dự án. Ngày 29-7, TP đã gửi hồ sơ lên Bộ KH&ĐT để thẩm định. Ngày 19-9, Bộ KH&ĐT đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.

Nội dung này cũng được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông xác nhận tại phiên giải trình.

Theo Trọng Phú

Pháp Luật TPHCM

Trở lên trên