Đặng Văn Lâm bất ngờ chia sẻ về "hố đen" không thể nào quên trong sự nghiệp
Đã từng có một Đặng Văn Lâm thất bại, đứng giữa nhiều ngả đường mà không thể tìm cho mình một lối đi đúng hướng.
- 12-04-2019Biết 10 điều này, cuộc sống sẽ "dễ thở" hơn: Nếu cuộc đời cho bạn một quả chanh, hãy biến nó thành ly nước chanh tuyệt hảo!
- 12-04-2019Khát vọng vươn ra thế giới của bầu Đức và Đặng Lê Nguyên Vũ
Trận thua 0-13
Đặng Văn Lâm sinh ra ở Moscow. Bố anh là người Việt còn mẹ là người Nga. Văn Lâm bắt đầu biết đến bóng đá khi anh mới 5 tuổi. Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình đứng gôn, đội nhà đã thua đến… 0-13 trước đối thủ.
Nhưng có một điều ngạc nhiên là, những trinh sát viên không coi kết quả ấy để gạt bỏ Văn Lâm khỏi tầm ngắm. Trái lại, họ đánh giá rất cao ở khả năng phát triển chiều cao của chàng trai sinh năm 1993.
Văn Lâm được đào tạo ở các học viện của những gã khổng lồ tại Moscow. Đó là Spartak và Dynamo. Nhưng đến năm 18 tuổi, không ai trong số họ để xuất với Văn Lâm một bản hợp đồng chuyên nghiệp. Đứng giữa ngã ba đường, Văn Lâm nghĩ về Đông Nam Á. Anh trả lời trên tạp chí của AFC:
"Tôi quyết định sẽ trở thành thủ môn cho Việt Nam. Một nửa dòng máu của tôi là Việt Nam. Tôi đã có mặt ở Việt Nam khi là một cậu nhóc sơ sinh. Khi lên 9 tháng tuổi, tôi đã chập chững những bước đi đầu tiên ở Việt Nam. Tôi quay lại khi tôi 5 tuổi rồi khi 10 tuổi. Thật tuyệt khi thấy họ hàng, cô, dì, chú, bác, những người thân của bố".
Trước khi trở thành thủ môn số 1 của ĐT Việt Nam, Văn Lâm đã có những tháng ngày đen tối.
Nhưng Văn Lâm đã vấp phải một khởi đầu gian nan ở Việt Nam. Anh được HAGL cho sang Lào theo diện cho mượn. Từ việc ăn uống, cơ sở vật chấp tập luyện đều không như những gì Văn Lâm kỳ vọng. Một năm sau, anh trở về Việt Nam và nhận được yêu cầu trở lại Nga ngay lập tức của bố. Với Văn Lâm khi ấy, giấc mơ làm thủ môn ở Việt Nam ngày càng trở nên xa vời.
Có một điều phức tạp đối với Văn Lâm sau khi trở về Moscow. Đó là do anh đã thi đấu cho U19 Việt Nam trước đó khiến anh bị phân loại vào nhóm người nước ngoài tại Nga - nơi sinh ra anh. Điều đó khiến cho anh không nhận được sự quan tâm của các đội bóng địa phương nữa.
Không có thầy cũ, chưa chắc Văn Lâm về Việt Nam
Mọi chuyện phức tạp chưa dừng lại với Văn Lâm. Theo tạp chí AFC kể lại, vào tháng 5/2015, Văn Lâm có thể chuyển quốc tịch Nga. Nhưng theo luật FIFA, Văn Lâm chỉ có thể thực hiện một lần chuyển đổi duy nhất. Hoặc anh giữ lại việc thi đấu cho Việt Nam hoặc nếu như chuyển hẳn về quốc tịch Nga, Văn Lâm sẽ không được thi đấu cho Việt Nam nữa.
"Tôi đã không biết làm gì ở thời điểm ấy. Lúc đấy, tôi thật sự đứng giữa hai ngả đường mà không chắc cái gì đang chờ đợi mình sau đó. Vì vậy, tôi đã gọi cho HLV cũ của tôi để xin một lời khuyên. Và ông ấy đã nói với tôi rằng tốt nhất là đừng thay đổi. Bởi ở Việt Nam vẫn còn ít thủ môn xuất sắc. Tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn".
Văn Lâm quyết định nghe theo lời khuyên của thầy mình. Sau đó, anh nhắn tin trên facebook để hỏi xem ai có thể giúp đỡ anh về Việt Nam. "Nhiều phóng viên hồi âm bằng việc gửi tôi số của HLV Toshiya Miura. Thực sự Miura muốn có tôi. Nhưng cuối cùng, thời gian là không đủ để các thủ tục giấy tờ được hoàn tất".
Về chơi cho Hải Phòng là bước ngoặt lớn của Đặng Văn Lâm.
Văn Lâm sau đó rốt cuộc cũng đã về Việt Nam khi Hải Phòng trao cho anh cơ hội. Để rồi từ một thủ môn đóng vai dự bị, Văn Lâm được bắt chính khi thủ môn số 1 của Hải Phòng dính chấn thương. Năm 2016, anh lần đầu tiên được triệu tập lên ĐT Việt Nam. Đến giữa năm 2017, anh thi đấu trận đầu tiên của mình trong màu áo ĐT Việt Nam.
"Tôi nhớ rằng cả gia đình đã xem trận đấu đấy. Tôi tự hào khoác lên mình chiếc áo Việt Nam", Văn Lâm kể lại. Thật thú vị, đó là trận đấu mà Văn Lâm chơi xuất sắc và giúp Việt Nam hòa 0-0 trước Jordan với tỷ số hòa 0-0, tại vòng loại Asian Cup 2019.
Và cũng chính đối thủ này đã gặp Việt Nam ở vòng 1/8 VCK Asian Cup 2019. Chính Văn Lâm là người đã giúp Việt Nam đánh bại Jordan trên chấm phạt đền để lọt vào top 8 đội mạnh nhất giải. Với Văn Lâm, anh đã và đang là thủ môn số 1 của Việt Nam, sau khi vượt qua "hố đen" sự nghiệp thời niên thiếu.
Trí thức trẻ