MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh bắt xa bờ hay "đánh bạc" xa bờ?

20-12-2020 - 10:52 AM | Tài chính - ngân hàng

Đóng được tàu không phải đã xong, đừng dồn hết trách nhiệm cho các ngân hàng, nếu không "đánh bắt cá xa bờ sẽ thành đánh bạc xa bờ".


Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản mang tính đột phá, tạo động lực phát triển ngành thủy sản góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển. Các địa phương trên cả nước đã phát triển được hơn 1.000 tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới, phần lớn có công suất từ 800CV trở lên. Cho tới thời điểm hiện nay tổng dư nợ cho vay thực hiện Nghị định 67 hiện khoảng 10.500 tỷ đồng, hiện nợ xấu chiếm trên 33%.

Đánh bắt xa bờ hay đánh bạc xa bờ? - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Tuyên, chủ một tàu cá ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Ông Trần Ngọc Tuyên, ở xóm 9, xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Nam Định cho vay vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ theo Nghị định 67/2014. Từ khi làm chủ khối tài sản là con tàu có giá trị hơn 20 tỷ đồng, để vận hành ra khơi, ông Tuyên thuê 10 người giúp việc, với mức lương trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

Hai năm đầu làm ăn thuận lợi, ông trả đủ lãi suất vay ngân hàng, nhưng hơn một năm nay do nhiều nguyên nhân, trong đó cũng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên lỗ gần 1 tỷ đồng, không có tiền trả lãi ngân hàng. Ông Trần Ngọc Tuyên cho biết: Tàu đóng theo Nghị định 67 được vay vốn 15 năm, có công suất trên 800 CV, đánh lưới chụp, chỉ hoạt động ở vùng nước sâu dưới 30m. Chi phí một chuyến ra khơi khoảng 350 triệu đồng, dù đã được Nhà nước hỗ trợ nhưng dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đủ tiêu chuẩn, nên chất lượng hải sản không tươi, bán không được giá.

"Chính sách này bà con ngư dân rất cám ơn Nhà nước đã tạo công ăn việc làm cho người dân. Xong xuôi mới tính toán chi phí một chuyến đi với tình hình thực tế thì khó khăn, không ổn lắm. Thôi thì cứ đi làm chứ trong tương lai phía trước cũng không có đường ra nhiều", ông Tuyên chia sẻ.

Đánh bắt xa bờ hay đánh bạc xa bờ? - Ảnh 2.

Nghề cá đang gặp nhiều khó khăn.

Nghị định 67/2014 là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ tạo điều kiện cho ngư dân phát triển nghề cá. Theo đó, ngân hàng hỗ trợ ngư dân vốn vay tới 95% giá trị con tàu, nhưng không buộc ngư dân thế chấp tài sản, mà chỉ thế chấp chính con tàu được đóng từ vốn vay. Cùng với đó, Nhà nước còn có các chính sách hỗ trợ xăng dầu, bảo hiểm năm đầu tiên...

Việc hỗ trợ quá nhiều đã tạo cho ngư dân tâm lý ỷ lại vào chính sách, không thiện chí trả nợ. Hiện nay, có nhiều trường hợp cố tình không liên lạc, thậm chí còn tắt định vị của tàu đi đâu không biết, không làm việc với ngân hàng, bán nhà chuyển đi địa phương khác. Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, cho biết: Hoạt động của tàu cá được giám sát qua nhật ký tàu do biên phòng quản lý, nhưng ngư dân không cung cấp chứng từ, hóa đơn bán hàng. Tàu ở địa phương này quản lý, nhưng lại sang tỉnh khác bán hải sản đánh bắt được, nên không thể biết thực sự thua lỗ như thế nào.

"Bảo họ khai thác không hiệu quả thua lỗ thì tôi thấy có tàu nào nằm bờ đâu, họ vẫn đi khai thác. Việc họ không trả nợ cho ngân hàng thì cũng phải xem xét trên nhiều khía cạnh, nếu mà lỗ tràn lan như vậy thì tại sao họ vẫn đi biển và lấy tiền ở đâu mà bù", bà Nga cho biết.

Hiện nay, tỉnh Nam Định có 36 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014, được các ngân hàng cho vay gần 580 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, trong số 30 tàu làm nghề lưới chụp và lưới rê từ khi hạ thủy đi vào hoạt động đến nay thì 29 tàu bị thua lỗ, 1 tàu hòa vốn. Từ năm 2018, do ngư dân khai thác hải sản kém hiệu quả, nên các ngân hàng mới chỉ thu được nợ gốc và lãi khoảng 67 tỷ đồng. Hiện áp lực nợ xấu tại các ngân hàng về vốn vay theo Nghị định 67/2014 là rất lớn.

Ông Triệu Đình Vị, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Nam Định, cho biết: Ngân hàng đã cho 5 khách hàng vay hơn 84 tỷ đồng để đóng tàu đánh bắt cá xa bờ. Sau 5 năm khách hàng mới trả nợ được 6,8 tỷ đồng. Cho đến thời điểm hiện tại nợ xấu khoảng 49 tỷ đồng. Hiện nay, Bảo hiểm Bảo Việt đã từ chối không bảo hiểm cho các tàu cá theo Nghị định 67/2014, có tàu cá hiện tắt định vị không biết đi đâu, đây là nguy cơ cao mất tài sản của ngân hàng và Nhà nước.

Ông Triệu Đình Vị nói: "Hiện các ngân hàng đang phải gánh trách nhiệm quá nặng đối với các tàu cá theo Nghị định 67.  Nhà nước phải có chủ trương tháo gỡ cho ngân hàng phải khoanh nợ này lại, với ngư dân phải tháo gỡ dần dần, sau 5-10 năm khi khảo sát rõ tàu nào hoạt động được thì cho cơ cấu, không hoạt động thì cho thanh lý để chuyển đổi cho ngư dân khác quản lý. Còn để như thế này sẽ không giải quyết được vấn đề và câu chuyện này sẽ giống như Chương trình đánh bắt cá xa bờ Nhà nước cũng không thu được nợ hệ thống ngân hàng cũng không thu được nợ".

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là chính sách mang tính đột phá, tạo động lực phát triển cho ngành thủy sản, góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển. Để chính sách đem lại hiệu quả khi tàu đã được ra khơi, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý. Đóng được tàu không phải đã là xong, đừng dồn hết trách nhiệm cho các ngân hàng, nếu không "đánh bắt cá xa bờ sẽ thành đánh bạc xa bờ".

Theo Mạnh Phương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên