MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người chết sớm vì ô nhiễm

08-10-2019 - 09:05 AM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh các thành phố ở Đông Nam Á, trong đó có Hà Nội, liên tiếp chiếm giữ kỷ lục buồn "ô nhiễm không khí nhất hành tinh", thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc nổi lên như một điểm sáng nhờ cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, cái giá mà Trung Quốc phải trả để có được chút thành tựu đó không hề rẻ.

Khủng hoảng môi trường là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc, quốc gia công nghiệp hóa nhanh chóng. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh, trong đó GDP tăng trung bình 10% mỗi năm trong hơn một thập kỷ, đã khiến Trung Quốc phải trả giá bằng môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trung Quốc là nguồn phát thải carbon lớn nhất thế giới. Chất lượng không khí tại nhiều đô thị Bắc Kinh không đáp ứng được các đòi hỏi về an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí, chúng còn bị coi là nguy hại. Tuổi thọ của người dân ở khu vực phía bắc sông Hoài thấp hơn 5,5 năm so với phía nam vì ô nhiễm không khí. Đây là con số rất nghiêm trọng bởi theo Liên Hợp Quốc, năm 2013, tuổi thọ bình quân của người Trung Quốc là 75,3 năm.

Ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và tình trạng thiếu nước làm đất đai suy thoái. Suy thoái về môi trường có nguy cơ làm suy yếu đà tăng trưởng của Trung Quốc cũng như lấy đi toàn bộ sự kiên nhẫn của người dân. Ô nhiễm cũng khiến vị thế quốc tế của Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng bất chấp đây là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trước bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh dường như đang rất quyết tâm để tạo ra những sự thay đổi về môi trường, điều họ đã chấp nhận hy sinh trong nhiều năm qua nhằm đổi lại tăng trưởng kinh tế.

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người  chết sớm vì ô nhiễm - Ảnh 1.

Trong khi sự bùng nổ kinh tế thúc đẩy đáng kể các hoạt động tàn phá môi trường và tài nguyên ở Trung Quốc, gốc rễ của vấn đề bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước. Trong quá khứ, các triều đại phong kiến Trung Quốc từng đẩy mạnh các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, điều gây ra nạn đói và thiên tai. Tình hình môi trường hiện tại ở Trung Quốc không chỉ là hệ quả của các chính sách được đưa ra ngày hôm nay mà còn là thái độ, các tiếp cận và thể chế đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ.

Mãi đến Hội nghị Liên Hiệp Quốc về môi trường năm 1972, Trung Quốc mới bắt đầu phát triển các thể chế môi trường. Quốc gia này cử một đoàn đại biểu tới hội nghị ở Stockholm, Thụy Điển. Tuy nhiên, khi đó, vấn đề môi trường ở Trung Quốc đã là một bài toán hóc búa.Những cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970 đã khuyến khích công nghiệp phát triển ở nông thôn, điều làm cho vấn đề môi trường trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã tiến hành một loạt các cải cách nhằm phân bổ phát triển về các tỉnh, tạo ra sự bùng nổ các doanh nghiệp thị trấn và làng xã (TVEs). Đến năm 1997, TVE đã tạo ra gần 1/3 GĐP của Trung Quốc dù vai trò của những doanh nghiệp này đang ngày càng giảm dần.

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người  chết sớm vì ô nhiễm - Ảnh 2.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương thường gặp khó khăn và không mặn mà với các tiêu chuẩn môi trường. Ngày nay, với một nền kinh tế Trung Quốc đang được chuyển đổi và thúc đẩy bởi các doanh nghiệp quốc doanh lớn, các chính sách về môi trường vẫn tiếp tục khó được thực thi ở địa phương, nơi các nhà lãnh đạo thường ưu tiên cho các vấn đề kinh tế hơn là môi trường.

Sự hiện đại hóa ở Trung Quốc đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói và tạo ra một tầng lớp trung lưu đang bùng nổ. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, quỹ đạo công nghiệp hóa của Trung Quốc không giống các quốc gia phát triển khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh đầu thế kỷ 19. Các chuyên gia cũng nhận định rằng những phí tổn về môi trường mà Trung Quốc phải trả sẽ lớn chưa từng có.

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người  chết sớm vì ô nhiễm - Ảnh 3.

Trung Quốc là quốc gia thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới. Quốc gia này vượt Mỹ vào năm 2007. Tới năm 2014, nước này thải ra 27% lượng khí thải toàn cầu. Cùng với đó, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc cũng đã tăng lên và tiêu thụ than tăng mạnh. Tháng 1/2013, Bắc Kinh trải qua một đợt khói mù kéo dài, đến mức người dân phải gọi nó là thảm họa. Nồng độ các hạt có hại trong không khí cao gấp 40 lần tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cuối năm 2015, Trung Quốc phải ban hành cảnh báo đỏ về ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nhiều trường học bị đóng cửa, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông bị hạn chế, hoạt động xây dựng bị đình chỉ và các nhà máy bị buộc phải tạm ngừng sản xuất.

Theo báo cáo của Greenpeace East Asia, ít nhất 80% trong số 367 đô thị của Trung Quốc bị liệt vào diện ô nhiễm. Tháng 12/2015, Ngân hàng Phát triển châu Á đã phê duyệt khoản vay trị giá 300 triệu USD để giúp Trung Quốc giải quyết tình trạng khói mù bao phủ thủ đô.

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người  chết sớm vì ô nhiễm - Ảnh 4.

Than bị coi là nguyên nhân chính cho tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc. Đây là quốc gia sản xuất than lớn nhất thế giới và thiêu thụ một nửa tổng sản lượng than toàn cầu. Hầu hết chúng bị đốt cháy ở phía bắc đất nước phục vụ cho sản xuất điện và sưởi ấm. Than chiếm 2/3 trong tổng số nhiên liệu dùng cho sản xuất điện của Trung Quốc.

Cùng với đó, lượng phương tiện khổng lồ đang lưu thông trên đường phố khiến vấn đề trở nên nan giải hơn. Chính phủ Trung Quốc còn đặt mục tiêu hơn 60% dân số sống ở các thành thị vào năm 2020, tăng 36% so với năm 2000. Đô thị hóa làm tăng nhu cầu năng lượng để đáp ứng cho các trung tâm sản xuất và công nghiệp mới.

Các chuyên gia cũng đề cập tới vấn đề cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ở Trung Quốc. Chiếm 20% dân số thế giới nhưng nước ngọt ở Trung Quốc chỉ chiếm 7%. Việc lạm dụng nước đã gây nên ô nhiễm, tạo ra sự thiếu hụt trầm trọng. Hiện tại, 70% nguồn nước ở Trung Quốc được dành cho nông nghiệp và 20% liên quan đến ngành than. 2/3 trong số 660 thành phố của Trung Quốc có nguy cơ thiếu nước.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng nói rằng thiếu nước sẽ là "thách thức sống còn" của Trung Quốc.

Các khu công nghiệp của Trung Quốc mọc dọc theo nguồn nước và nó gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2014, nguồn cung nước ngầm ở hơn 60% các thành phố lớn của Trung Quốc bị đánh giá từ tệ đến rất tệ. ¼ số lượng các con sông chính của Trung Quốc có nguồn nước "không phù hợp với con người". Việc xả thải trực tiếp khiến vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng.

Thiếu nước kết hợp với các biện pháp canh tác nông nghiệp cẩu thả cùng với biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hoang mạc hóa nghiêm trọng ở Trung Quốc. Khoảng 1,05 triệu dặm vuông đất rộng của Trung Quốc đang trải qua sa mạc hoá, ảnh hưởng tới hơn 400 triệu người. Những yếu tố này làm giảm khả năng duy trì sản lượng công nghiệp, sản xuất thực phẩm và nước uống cho hơn 1 tỷ dân Trung Quốc.

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người  chết sớm vì ô nhiễm - Ảnh 5.

Theo các ước tính khác nhau, tàn phá môi trường là mối đe dọa lớn nhất với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nó khiến nước này phải trả một cái giá khổng lồ, lên tới từ 3 đến 10% GDP. Cơ quan bảo vệ môi trường Trung Quốc ước tính chi phí mà ô nhiễm gây ra lên tới 227 tỷ USD, tương đương với 2,5% GDP năm 2010. Tuy nhiên, do sự nhạy cảm của vấn đề, những con số về chi phí môi trường chính thức của Trung Quốc được công bố vô cùng nhỏ giọt.

Trong khi đó, dữ liệu y tế vẽ lên một bức tranh tàn khốc hơn thế rất nhiều. Ô nhiễm không khí góp phần gây ra khoảng 1,2 triệu ca tử vong sớm mỗi năm tại Trung Quốc. Các nghiên cứu dịch tệ học được thực hiện ở miền nam đất nước từ những năm 1980 cho thấy chất lượng không khí kém ở các thành phố Trung Quốc gây ra biến chứng lớn cho sức khỏe, bao gồm các bệnh về hô hấp, tim mạch và mạch máu não. Ô nhiễm cũng liên quan đến sự giă tăng các bệnh cấp và mãn tính. Ước tính cho thấy 11% bệnh ung thư ở hệ thống tiêu hóa Trung Quốc bắt nguồn từ nước uống không an toàn.

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người  chết sớm vì ô nhiễm - Ảnh 6.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khí thải từ ngành công nghiệp Trung Quốc lan tới tận miền tây nước Mỹ. Các nước láng giềng Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng bày tỏ lo ngại về mưa axit và khói bụi ảnh hưởng tới cuộc sống người dân của họ.

Thiệt hại từ môi trường cũng ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và vị thế quốc tế của Trung Quốc khi họ theo đuổi các nguồn tài nguyên khai thác ở nước ngoài như dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch khác. Các đối tác kinh tế của nó, đặc biệt là các nước đang phát triển, phải đối mặt với gánh nặng môi trường to lớn khi làm ăn với Trung Quốc.

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người  chết sớm vì ô nhiễm - Ảnh 7.

Trước những phí tổn khổng lồ về môi trường, Trung Quốc đang theo đuổi những sáng kiến đầy tham vọng nhằm cải thiện tình hình. Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu 15.000 nhà máy, bao gồm nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn, phải công khai số liệu theo thời gian thực về lượng khí thải và nước thải. Chính phủ cũng cam kết chi 275 tỷ USD trong 5 năm từ giai đoạn 2014-2019 để làm sạch không khí và 333 tỷ USD nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nước.

Trung Quốc cũng cam kết giảm phát thải carbon cũng như gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Những thành tựu mà Bắc Kinh đạt được trong vài năm qua đã cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không chỉ hô khẩu hiệu rồi bỏ đấy. Thủ đô Bắc Kinh là minh chứng của sự thay đổi

Nhằm xóa bỏ danh hiệu thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Bắc Kinh tập trung giải quyết 6 vấn đề nổi cộm bao gồm kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới, kiểm soát ô nhiễm do nguyên liệu hoá thạch như than đá, kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm khói bụi, phục hồi các hệ sinh thái bị ô nhiễm và ứng dụng các công nghệ mới vào bảo vệ môi trường.

Hàng trăm triệu người thoát nghèo, kinh tế tăng trưởng thần tốc nhưng cái giá mà Bắc Kinh phải trả quá đắt: 80% các thành phố ô nhiễm, 1,2 triệu người  chết sớm vì ô nhiễm - Ảnh 8.

Giảm phương tiện giao thông, tăng mật độ cây xanh, tịch thu lò sưởi than đá và thay thế bằng lò sưởi sử dụng khí tự nhiên, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện và loại bỏ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm là điều Bắc Kinh đã làm để lấy lại bầu không khí dễ thở. Các công trường cũng buộc phải che chắn cẩn thận nếu không muốn bị đình chỉ hoạt động.

Bắc Kinh đã đóng cửa gần 2.500 nhà máy, khước từ gần 20.000 đơn xin thành lập nhà máy mới. Tới năm 2020, Bắc Kinh đặt mục tiêu đóng cửa thêm 1.000 nhà máy để giảm ô nhiễm. Song song với đó, hệ thống giao thông công cộng được cải thiện, ô tô chạy xăng được thay thế bằng xe điện. Cấm xe lưu thông theo biển số cũng được áp dụng triệt để.

Chưa có số liệu thống kê chính thức cho thấy cái giá mà Trung Quốc phải trả sau những thập kỷ đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu giảm 25% ô nhiễm bụi mịn trong không khí, Bắc Kinh đã phải chi đến 120 tỷ USD. Hiện tại, ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh đã giảm nhưng nó vẫn cao gấp 4 lần so với khuyến nghị của WHO.

Linh Anh
Tổng hợp
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ8/10/2019

Linh Anh

tổng hợp

Trở lên trên