MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Danh sách sách kinh điển: 4 cuốn sách phải đọc của những người thành đạt

21-05-2021 - 20:32 PM | Sống

Danh sách sách kinh điển: 4 cuốn sách phải đọc của những người thành đạt

Trong xã hội ngày nay, cho dù bạn là giám đốc điều hành công ty hay người mới đi làm, bạn cũng đều phải không ngừng nâng cao nhận thức và khả năng của mình thông qua việc đọc sách, vì nó có thể giúp bạn thành công trong mọi tình huống và bất kỳ giai đoạn phát triển nào. Bạn có muốn biết những cuốn sách yêu thích của những người thành công?

01

The Mckinsey Way: Using the techniques of the World’s top strategic consultants to help you and your bussiness

Tác giả: Ethan M.Rasiel

Nếu bạn muốn kiếm hàng chục triệu phí tư vấn, trước tiên bạn phải nắm vững thật nhiều những chi tiết mà khách hàng của bạn chưa khám phá ra.

McKinsey & Company là công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới, còn được gọi là "Học viện Quân sự West Point" trong giới kinh doanh. Trong số 500 công ty thuộc danh sách Fortune, có tới hơn 70 cựu CEO hoặc CEO hiện tại đã nhận được lời khuyên tư vấn từ McKinsey.

Nhà tiếp thị truyền thông mới, Wang Shuo từng nói rằng, kể từ khi được xuất bản tại Hoa Kỳ, cuốn "Phương pháp McKinsey" đã không ngừng được tái bản. Bởi lẽ có rất nhiều người muốn biết rốt cuộc là nhờ phương pháp nào mà những sinh viên đại học mới ra trường có thể tư vấn cho CEO của top 500 công ty trên thế giới và kiếm được hàng chục triệu phí tư vấn.

Điểm cốt lõi của phương pháp McKinsey thực ra không phức tạp. Tổng kết lại ở ba khía cạnh:

1. Làm bạn với thực tế

Điều thực sự quan trọng và có thể mang lại cho bạn sức mạnh là thực tế; điều thực sự có thể lay động khách hàng là bạn nắm bắt được những chi tiết mà ngay cả khách hàng cũng chưa khám phá ra, và những chi tiết này có thể cho thấy nhiều vấn đề ở quy mô vĩ mô hơn.

Đừng đặt ra một loạt các giả định, hãy liệt kê ra thực tế. Dựa trên thực tế là sức mạnh trong quan điểm của bạn.

2. Giả thuyết trước khi xác minh

Một nhà ngoại giao từng nói: "Mạnh dạn đưa ra giả thuyết, cẩn thận xác minh điều đó"

Phương pháp McKinsey nói: "Câu trả lời cho câu hỏi được hình thành trước khi công trình của chúng ta chính thức ra mắt". Điều này có nghĩa là khi chúng ta giải quyết một vấn đề, trước tiên chúng ta phải có một giả thuyết ban đầu. Trên cơ sở của giả thuyết này, chúng ta phải tìm kiếm các dữ kiện ủng hộ cho giả thuyết của chúng ta.

Quá trình xác định giả thuyết ban đầu này yêu cầu sử dụng Quy luật 80/20, nghĩa là tìm ra 20% các vấn đề có thể có 80% tác động đến kết quả, nghĩa là, để giải quyết các yếu tố thúc đẩy chính của vấn đề, và sau đó nhanh chóng tìm ra dữ kiện để xác minh giả thuyết này.

Trong quá trình xác định giả thuyết ban đầu, McKinsey còn có một quy tắc rất quan trọng - đó là quy tắc MECE, có nghĩa là "không trùng lặp, không bỏ sót".

3. Nguyên tắc kim tự tháp

Phương pháp McKinsey về bản chất là một phương pháp giải quyết vấn đề và tháo gỡ có cấu trúc, và cốt lõi của nó là nguyên tắc kim tự tháp.

Nói cách khác, chúng ta có thể tháo rời từng vấn đề phức tạp thành từng vấn đề nhỏ thông qua quy tắc MECE, sau đó giải quyết từng vấn đề nhỏ này và cuối cùng là giải quyết vấn đề lớn.

Nhà tư vấn nữ đầu tiên của McKinsey, Barbara Minto, đã đề xuất rằng giải pháp cho bất cứ điều gì có thể được tóm tắt thành một lập luận trung tâm và lập luận trung tâm này có thể được hỗ trợ bởi ba đến bảy lý thuyết phụ; mỗi luận điểm phụ có thể có từ ba đến bảy luận điểm phụ khác, cấu trúc kim tự tháp này được hình thành bằng cách kéo dài từng lớp từng lớp một.

02

Peter Drucker’s way to the top: Lessons for Reaching Your Life's Goals

Tác giả: William A. Cohen

Người không chính trực, không thích hợp làm lãnh đạo.

Cuốn sách này là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất về Peter Drucker, cha đẻ của quản lý hiện đại. Tác giả William Cohen là học trò của Drucker. Sau khi tốt nghiệp và làm việc trong nhiều năm, Cohen đã phân loại các tác phẩm đồ sộ của Drucker, và lồng ghép những suy nghĩ của mình trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về những suy nghĩ của Drucker.

"8 nguyên tắc cốt lõi để phát triển bản thân" là một nội dung trọng tâm của cuốn sách này, và nó còn được giới quản lý gọi là "8 nguyên tắc lãnh đạo".

8 nguyên tắc được mô tả trong cuốn sách này cũng là những hướng dẫn lãnh đạo phổ quát, thể hiện tinh hoa trong kỹ năng lãnh đạo.

8 nguyên tắc đó là:

1. Luôn chính trực

2. Tinh thông nghiệp vụ

3. Thể hiện kì vọng của bản thân

4. Cho thấy những hứa hẹn phi thường

5. Mong đợi những kết quả chính diện

6. Chăm sóc tốt nhóm của mình

7. Trách nhiệm được ưu tiên hơn lợi ích

8. Luôn đi đầu.

Cohen tin rằng trong hầu hết các trường hợp, khả năng tuân theo 8 nguyên tắc trên là yếu tố quyết định đến sự thành công của hầu hết các nhà lãnh đạo.

Ví dụ, quy tắc đầu tiên – luôn chính trực. Khi Cohen thảo luận về quy tắc này với Drucker, Drucker đã nói: "Hoàn toàn đúng đắn và hợp lý khi coi đây là quy tắc đầu tiên. Người lãnh đạo phải có khả năng được người khác yêu mến và chào đón, điều này đương nhiên là tốt, nhưng nếu anh ta không có những phẩm chất của một người chính trực, anh ta không thích hợp làm lãnh đạo".

Drucker nói: "Phẩm chất là thứ không thể lừa dối mọi người. Những người làm việc với anh ta, đặc biệt là cấp dưới của anh ta, sẽ biết anh ta có ngay thẳng hay không. Họ có thể tha thứ cho một người vì sự thiếu sót của anh ta về nhiều mặt, chẳng hạn như sự kém cỏi và thiếu hiểu biết hoặc thiếu lịch sự, nhưng họ sẽ không tha thứ nếu một người không ngay thẳng, chính trực."

Trên thực tế, những nhà lãnh đạo có thể xử lý các xung đột giữa phẩm chất đạo đức, đời sống cá nhân và hoạt động kinh doanh thường có nhiều khả năng thành công hơn những người nói giỏi hơn làm, khoa trương hay thường xuyên đưa ra những lời hứa không thực tế.

Danh sách sách kinh điển: 4 cuốn sách phải đọc của những người thành đạt - Ảnh 1.

03

Ghi chép bồi dưỡng nên nhà kinh doanh giỏi (tạm dịch)

Tác giả: Yanai Tadashi

Kẻ thù lớn nhất cản trở sự phát triển của bạn là "lẽ thường".

Những người đã đọc cuốn sách này nói rằng: Đây là một cuốn bí mật bán hàng, một kinh thánh về quản lý. Bên cạnh đó, nó cũng là một cẩm nang cuộc sống. Trong cuốn sách này, người sáng lập Uniqlo, Yanai, mô tả cách Uniqlo đã phát triển từ một cửa hàng quần áo nhỏ thành một gã khổng lồ về quần áo. Đây cũng là cách Yanai đã phát triển từ một "thanh niên không có phương hướng" thành một "bậc thần quản lý".

Đây là một ghi chú vô giá tiết lộ cách Uniqlo giành được doanh số 1,8 nghìn tỷ yên.

Chẳng hạn, cuốn sách mô tả cách Yanai đặt mục tiêu bán hàng. Thông thường, khi nhân viên bán hàng xây dựng mục tiêu bán hàng, họ thường đưa ra mục tiêu doanh số tăng theo tỷ lệ tương ứng dựa trên mức hoàn thành thực tế của năm ngoái, kết hợp với dự đoán về thị trường tổng thể trong năm nay.

Nhưng tập đoàn Fast Retailing của ông Yanai phải đặt mục tiêu gấp 3 đến 5 lần năm ngoái.

Logic đằng sau điều này là, bằng cách đặt ra những mục tiêu cao hơn trước, việc kích thích những thay đổi trong suy nghĩ có ý nghĩa hơn việc tự mình đạt được mục tiêu; quá trình tiến tới một mục tiêu cao cả và dường như không thể đạt này là một quá trình tự động viên và thúc đẩy người làm việc. Đó là một quá trình không ngừng nhảy ra khỏi hiện tại để nhìn về tương lai, phá bỏ thói quen suy nghĩ hiện có và lối mòn phụ thuộc, đồng thời không ngừng tạo ra một quá trình "từ con số 0 đến cái gì đó".

Trong cuốn sách này, Yanai cũng đưa ra một khái niệm quan trọng - "Hoài nghi lẽ thường, nhưng không chịu sự trói buộc của lẽ thường".

Khi chúng ta đã ở trong một ngành, một công ty hoặc một doanh nghiệp trong một thời gian dài, chúng ta vô tình coi trạng thái hiện tại là "lẽ thường", và điều này lại vô tình kẻ thù lớn nhất cản trở sự tăng trưởng và phát triển không chỉ của công ty mà còn cả của chính cá nhân người làm việc.

"Lẽ thường thì không cần giải thích", người ta nghĩ vậy, nhưng nó cũng chính sự "hiển nhiên" này đã làm tắt đi trí tưởng tượng quý giá, tinh thần phản biện và tinh thần đặt câu hỏi của chúng ta.

Danh sách sách kinh điển: 4 cuốn sách phải đọc của những người thành đạt - Ảnh 2.

04

What the CEO Wants You to Know: How Your Company Really Works

Tác giả: Ram Charan

Sự nhạy bén trong kinh doanh của một CEO đẳng cấp thế giới, cũng không khác sự thành công của một người bán hàng rong là bao.

Đây không phải là cuốn sách về cách đào tạo một CEO, mà là cuốn sách dành cho những nhân viên bình thường hay những người đang cố gắng thống nhất hệ thống tư duy trong nội bộ công ty.

Là một bậc thầy tư vấn quản lý nổi tiếng thế giới, Ram Charan đã nói với mọi người trong cuốn sách này rằng không có sự khác biệt cơ bản nào giữa những thách thức mà một CEO và một nhân viên bình thường phải đối mặt trong các công ty: bất kể IQ và EQ cao thấp ra sao, mọi người đều chỉ có 24 giờ mỗi ngày, làm sao để nắm bắt trọng tâm của công việc trong một khoảng thời gian hạn chế như vậy?

Xung quanh chúng ta đều tồn tại một tâm lý làm việc thường thấy: lãnh đạo muốn gì, ta đáp ứng, gặp cái gì thì làm cái đó. Nhưng kiểu siêng năng chiến thuật này không thể che giấu sự lười biếng chiến lược. Công ty càng lớn càng giống như một cỗ máy xử lý thông tin khổng lồ, mọi người đều phải lọc thông tin mà họ nhận được hàng ngày: Đâu là những vấn đề sẽ được giải quyết một cách tự nhiên theo thời gian? Điều gì cần sự hợp tác giữa các bộ phận? Đâu là những chi tiết không cần bận tâm chút nào? Đâu là điểm mấu chốt nhất đáng để cả công ty trên dưới đồng tâm hiệp lực?...

Ngoài ra, chúng ta thường nghe các doanh nhân yêu cầu cấp dưới của họ "đổi lập trường suy nghĩ, suy nghĩ về vấn đề theo quan điểm của tôi, có cái nhìn tổng thể và nhạy bén trong kinh doanh", trong khi trên thực tế, các nhà quản lý các cấp thường là "tư duy thẳng tắp" hay "cái mông quyết định cái đầu", mỗi người làm việc độc lập, khó có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp hiệu quả và tạo ra hiệu suất lớn.

Nguyên nhân then chốt nhất là nhiều nhà quản lý chuyên nghiệp thiếu thường thức về kinh doanh, thiếu khuôn khổ tư duy và ngôn ngữ kinh doanh chung. Sự thiếu ý thức này là nguyên nhân dẫn đến những "căn bệnh chung" của doanh nghiệp như thiếu khả năng chấp hành, yếu kém trong công tác trao đổi, kém hiệu quả…

Danh sách sách kinh điển: 4 cuốn sách phải đọc của những người thành đạt - Ảnh 3.

Chúng ta cũng thường nghe mọi người khen ngợi một CEO hoặc doanh nhân vì "người này rất có đầu óc kinh doanh". Nhưng bạn có bao giờ nhận thấy rằng sự nhạy bén trong kinh doanh của những CEO đẳng cấp thế giới đó lại chẳng có quá nhiều khác biệt so một người bán hàng rong thành công? Những CEO này có thể cảm nhận được các cơ hội và tận dụng chúng, và các công ty mà họ điều hành luôn có lãi năm này qua năm khác. Có gì khác biệt giữa điều hành một doanh nghiệp lớn và việc bán trái cây bằng xe đẩy hoặc mở một cửa hàng nhỏ?

Theo quan điểm của Ram Charan, không có quá nhiều khác biệt. Những CEO vĩ đại và những người bán hàng rong đó đều có chung một lối suy nghĩ. Họ luôn có thể nhìn thấy bản chất của kinh doanh thông qua những vẻ ngoài phức tạp, họ đơn giản hóa sự phức tạp đó và nắm bắt được yếu tố cơ bản của hoạt động kinh doanh - sự khôn ngoan trong kinh doanh. Nắm vững những kiến thức kinh doanh này có thể giúp các nhà lãnh đạo cải thiện hiệu quả tư duy và hành động của họ.

Theo Alexx

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên