Đánh thức hàng chục ngàn ha đất ngoại thành
Các huyện của Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển, kỳ vọng sẽ có nhiều "đại bàng" về "làm tổ"
- 17-06-2023Nhiều đất ngoại thành sắp đấu giá khởi điểm 11 triệu/m2, các huyện vẫn lo 'ế'
- 14-12-2021Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: 'Thổi giá' rồi bỏ cọc?
- 04-12-2021Môi giới liên kết 'kích sóng' đất vùng ven, đất ngoại thành Hà Nội
TP Hà Nội đã phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nâng tổng số nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14.
Phát huy tiềm năng có sẵn
Việc triển khai quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện tại 14 huyện, gồm: Gia Lâm, Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng.
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết quy hoạch xây dựng vùng huyện là một trong những phương án quy hoạch để tích hợp lập quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời là cơ sở để lập quy hoạch nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật huyện.
Tiềm năng của các huyện của Hà Nội rất lớn, đang chờ được khai phá Ảnh: HỮU HƯNG
Sau khi thành phố phê duyệt 14 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện, các huyện đang gấp rút triển khai các công việc liên quan, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, hoàn thiện nguồn tài liệu quan trọng phục vụ lập và điều chỉnh các đồ án quy hoạch.
Theo ông Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, quy hoạch vùng huyện sẽ là cơ hội để đưa ra những đề xuất xác đáng với thành phố cho định hướng phát triển. "Để việc lập quy hoạch xây dựng các vùng huyện trên địa bàn được bảo đảm tiến độ và chất lượng, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện để hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp thực hiện các quy hoạch vùng huyện đúng nội dung, đúng định hướng quy hoạch của thành phố" - ông Trực khẳng định.
Cơ hội bứt phá
Các chuyên gia đánh giá tiềm năng lớn nhất của các huyện ngoại thành là đất đai với hàng chục ngàn hécta đất chưa được khai phá. Ví dụ, huyện Mê Linh với 7.000 ha đất đô thị sẽ rất phù hợp cho không gian phát triển và được xác định sẽ lên quận hoặc thành phố trực thuộc thủ đô trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Huyện ủy Mê Linh, khẳng định: "Quy hoạch lần này là cơ hội để huyện Mê Linh nghiên cứu các lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng, lấy trục Vành đai 4, Sân bay quốc tế Nội Bài làm lợi thế để nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng, trung tâm tri thức và sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, logictics, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế tầm cỡ trong nước và khu vực. Huyện luôn tạo mọi điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư để nơi đây sẽ trở thành "đại bản doanh" của các nhà đầu tư".
Với huyện Thanh Oai, nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố có phần lớn diện tích đất nông nghiệp, dự kiến sẽ là vùng nông nghiệp sinh thái năng suất cao, có vị trí đầu mối giao thương cửa ngõ phía Tây Nam, đồng thời là địa bàn cung cấp những sản phẩm nông nghiệp cho đô thị trung tâm...
Vừa qua, huyện Sóc Sơn cũng đã giới thiệu một số ý tưởng về quy hoạch vùng huyện trong mục tiêu hướng tới từng bước hình thành đô thị trung tâm phía Bắc thủ đô. Trước mắt, đến năm 2030, huyện Sóc Sơn được định hướng ưu tiên phát triển các ngành thương mại - du lịch, công nghiệp, du lịch, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp sinh thái. Giai đoạn sau năm 2030, sẽ xác định các tính chất, chức năng phù hợp để phát triển cùng các huyện Đông Anh, Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc thủ đô…
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định quy hoạch vùng huyện ở Hà Nội là rất cần thiết và cấp bách. Đây là cơ hội rất lớn của các huyện nói riêng và cả TP Hà Nội nói chung. Khi quy hoạch vùng huyện được thông qua sẽ là cơ hội để khai phá hàng chục ngàn hécta đất, tiềm năng của các huyện cũng sẽ được tận dụng, giải phóng... Nếu tận dụng được lợi thế của các vùng huyện cũng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như phát triển các đô thị vệ tinh, giãn dân, việc làm…
Lo quy hoạch bị chồng chéo
Năm 2023, thành phố thực hiện đồng thời lập quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. TP Hà Nội kỳ vọng đây là nền tảng triển khai các quy hoạch cấp dưới và tác động mạnh tới các quy hoạch phân khu khu vực nội đô cũng như quy hoạch các vùng huyện. Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng việc triển khai quy hoạch các vùng huyện phải bảo đảm tiến độ và chất lượng để ngay khi các đồ án quy hoạch lớn của thủ đô được thông qua, thành phố sẽ có đầy đủ công cụ quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, việc TP Hà Nội đang đồng thời lập, điều chỉnh các quy hoạch, nếu không làm cẩn thận, không rà soát kỹ sẽ có sự chồng chéo giữa các quy hoạch, từ đó việc thực hiện các quy hoạch sẽ khó, hạn chế.
Người lao động