MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh thuế cao thép Trung Quốc, Hàn Quốc: Ai hưởng lợi?

29-10-2019 - 15:08 PM | Thị trường

Các sản phẩm tôn màu của Hàn Quốc và Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bị đánh thuế chống bán phá giá với tỉ lệ lên hơn 30%.

Bộ Công Thương vừa ban hành mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc 2,53%-34,27% và Hàn Quốc là 4,71%-19,25%, có hiệu lực từ ngày 24-10.

Kết luận điều tra đã khẳng định có đủ cơ sở ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Cụ thể: Có tồn tại hành vi bán phá giá đối với sản phẩm thép phủ màu của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc , hàng hóa nhập khẩu từ hai nước này đang được bán phá giá với biên độ khá cao, 2,53%-34,27%; ngành sản xuất thép phủ màu trong nước đang bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể và hành vi bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn tới đe dọa thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

"Hành vi và mức độ bán phá giá nói trên đã gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, đặc biệt trong giai đoạn bảy tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và nhiều lao động đã phải nghỉ việc" - Bộ Công Thương nhận định.

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, tôn màu là sản phẩm chính của Công ty Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Thép Nam Kim (NKG), chiếm lần luợt 26% và 34% tổng sản lượng chín tháng 2019.

Bản Việt cho rằng sản phẩm tôn màu nhập khẩu đang chịu hạn ngạch thuế quan và thuế ngoài hạn ngạch, do đó thuế chống bán phá giá (CBPG) sẽ giúp gia tăng biện pháp bảo hộ cho các sản phẩm tôn màu trong nước.

Theo Bộ Công Thương, lượng tôn màu nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan sẽ được áp thuế CBPG trong khi lượng tôn màu nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan sẽ được áp mức thuế cao hơn giữa thuế CBPG và thuế ngoài hạn ngạch.

Thông tin này không chỉ trực tiếp tác động tích cực đến các nhà sản xuất tôn màu trong nước như HSG và NKG, mà còn cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo hộ ngành thép trong nước, đặc biệt trong bối cảnh các biện pháp bảo hộ thương mại hiện có cho thép xây dựng và các sản phẩm thép tấm sẽ dần giảm hiệu lực cho tới năm 2020-2022.

Theo Phương Minh

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên