MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Danh tính người mang 300 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho cháu gái bà Trương Mỹ Lan

21-03-2024 - 20:18 PM | Xã hội

Tòa án cho biết, bà Trương Mỹ Lan có đơn gửi tòa, qua đó muốn dùng số tiền mà ông Tạ Hùng Quốc Việt tự nguyện nộp lại 300 tỷ đồng, để khắc phục hậu quả cho bị cáo Trương Huệ Vân.

Tối nay (21/3), trong thông cáo phát đi từ TAND TPHCM, đơn vị này cho biết, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, luật sư Lê Hồng Nguyên thay mặt Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam trình bày với HĐXX rằng: Do tính chất quan trọng của phiên tòa, LĐLS Việt Nam đã cử người giám sát các luật sư đang tham gia phiên tòa, để đảm bảo việc các luật sư tham gia phiên tòa, có tác phong, trang phục theo đúng quy định, để bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Duy Anh.

Về diễn biến phiên tòa trong ngày, HĐXX cho biết, ngay sau khi bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có đơn gửi HĐXX đề nghị dùng toàn bộ số tiền mà bị cáo Nguyễn Cao Trí (1000 tỷ đồng) và số tiền mà ông Tạ Hùng Quốc Việt tự nguyện nộp lại (300 tỷ đồng), để khắc phục hậu quả cho bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) thì luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân trình bày bổ sung, đề nghị HĐXX xem xét đơn của bị cáo Trương Mỹ Lan, vì theo đó bị cáo Trương Huệ Vân xem như đã khắc phục được 100% hậu quả do hành vi mà bị cáo gây ra.

Luật sư Phan Minh Hoàng (Đoàn Luật sư TPHCM) là một trong năm luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Duy Anh.

HĐXX cũng cho biết, các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo đang bị truy nã cũng tham gia bào chữa trong ngày hôm nay.

Cụ thể, luật sư bào chữa cho bị cáo Chiêm Minh Dũng (phó Tổng giám đốc SCB, bị đề nghị 16-17 năm tù, về tội “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”) nêu rằng, các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi của bị cáo đã được thu thập theo trình tự thủ tục. Tuy nhiên, do Chiêm Minh Dũng không có mặt trong quá trình khởi tố điều tra, truy tố và xét xử do bị cáo hiện đã bỏ trốn.

Luật sư cũng trình bày rằng, đề nghị của Viện Kiểm sát mức án 16-17 năm đối với bị cáo Dũng là có phần nặng. Bị cáo có hành vi vi phạm, nhưng vai trò chỉ là đồng phạm giúp sức nên tính chất mức độ phạm tội có phần hạn chế.

Luật sư đã đề nghị HĐXX đánh giá vai trò của bị cáo cho phù hợp, cho bị cáo Dũng hưởng mức án thấp hơn lời đề nghị của Viện Kiểm sát, để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Một góc phòng xử án vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Duy Anh.

Luật sư Nguyễn Tri Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB, bị đề nghị 12 đến 13 năm tù, về tội “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”) trình bày rằng, bị cáo Vũ hiện đã xuất cảnh từ trước khi khởi tố vụ án, hiện chưa thể làm việc lấy lời khai, ý kiến của bị cáo Vũ, luật sư hiện chưa nắm được ý chí của bị cáo.

Luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc khi đánh giá vai trò của bị cáo Vũ trong vụ án khi lượng hình, đề nghị HĐXX đánh giá vai trò của bị cáo cho phù hợp, xem xét mức án cho bị cáo phù hợp để thể hiện sự nghiêm minh nhưng khoan hồng của pháp luật.

Cũng theo HĐXX, trong ngày xét xử, các luật sư và chính các bị cáo Chu Lập Cơ, Dương Tấn Trước, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn và bị cáo Trần Thị Mỹ Dung tự bào chữa.

Ngày mai 22/3, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các bị cáo.

Theo Tân Châu - Hữu Huy

Tiến Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên