MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đào Hương: Từ người con nghèo xứ Huế thành bà chủ tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất tại Lào

26-06-2021 - 07:30 AM | Doanh nghiệp

Đào Hương: Từ người con nghèo xứ Huế thành bà chủ tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất tại Lào

Có thể kể tên một loạt thương hiệu gắn với Đào Hương như nhà máy của Đào Hương, chợ của Đào Hương, nông trường của Đào Hương, nước đóng chai Đào, cà phê Đào,...

Nếu đặt chân tới Champasak (Lào), sẽ không lấy làm lạ nếu bạn được người dân giới thiệu đến cái tên “Đào Hương” (Dao Heuang) hoặc “Đào” (Dao): nào là nhà máy của Đào Hương, chợ của Đào Hương, nông trường của Đào Hương, nước đóng chai Đào, cà phê Đào,... Bà chủ của những thương hiệu này cũng được người dân Lào gọi là Đào Hương, dù tên thật gọi theo tiếng Lào của bà là Leuang Litdang và tên do cha mẹ đẻ đặt cho là Lê Thị Lượng.

"Theo cắt nghĩa của người Lào, Dao Heuang là ngôi sao sáng, nên đặt tên này cho công ty, tôi chỉ có ước mơ nho nhỏ là công ty của mình luôn phát triển, đi lên mỗi ngày. Tôi không nghĩ Đào Hương lại gắn với tôi thành tên gọi, và điều hạnh phúc là nó đã trở thành thương hiệu uy tín, được nhiều người yêu mến", bà Đào Hương, Chủ tịch Tập đoàn Đào Hương từng chia sẻ với báo giới.

Cha mẹ bà Đào Hương sinh ra ở Huế nhưng do cuộc sống khó khăn nên sang Lào lập nghiệp. Gia đình bà có tất cả chín anh chị em, đều được sinh ra tại Champasak. Là con cả trong nhà, bà Đào Hương sớm phải trải qua những ngày tháng kiếm sống nhọc nhằn.

Chật vật học hết lớp 6, tôi phải đi ở đợ, gánh nước thuê, rửa chén cho các quán ăn, rồi bán bắp, kem cây ở bến xe... Đến khi lập gia đình, tôi tiếp tục sống bằng nghề buôn bán, hết bán chè lại bán bún, bán cháo, rồi làm bánh gai, dịp Tết thì làm đủ loại bánh, mứt đem đi bỏ mối. Được cái tôi bán món gì cũng đắt khách, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó”.

Được nhiều người ủng hộ, bà còn bán bánh gai sang Campuchia, Thái Lan và dần tích lũy được chút vốn, cuộc sống cũng thoải mái hơn.

Thấy tôi bán hàng sang Campuchia, Thái Lan, chính quyền tỉnh Champasak khuyên tôi nên mở công ty mới được phép buôn bán với nước ngoài. Năm 1991, tôi thành lập Công ty Đào Hương rồi nhập mì chính, sữa, nước mắm, đường, dầu ăn... từ Thái Lan về bán.

Do buôn bán thật thà, làm ăn đàng hoàng, giá cả lại thấp hơn chỗ khác, thậm chí nhiều người không có tiền tôi cũng bán chịu, nên được tin cậy, quý mến, chỉ cần nhắc đến tên tôi là họ ủng hộ. Bằng chứng là lúc đầu mở công ty, nhiều người làm trong cơ quan nhà nước tận tình hướng dẫn tôi các thủ tục, giấy tờ.

Rồi khi không đủ tiền nhập hàng, tôi kêu gọi ứng tiền trước, khi hàng về sẽ bán rẻ cho họ, và ai cũng tin tưởng giúp đỡ”.

Bà chủ Đào Hương cũng là người đầu tiên xin chính quyền cho xây dựng chợ Đào Hương - nơi mà đến nay vẫn là khu chợ biểu tượng của cộng đồng người Việt tại Champasak.

Vào khoảng năm 1992, khi hai nước Việt - Lào mở cửa khẩu Lao Bảo, nữ doanh nhân xin mở cửa hàng miễn thuế ở đây, tiếp đến là mở ở cửa khẩu Lào - Thái, cửa khẩu đường 8 Việt - Lào.

Giữa lúc đang phát triển tốt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cửa hàng miễn thuế, năm 1997 bà bỗng dưng đi làm nông nghiệp, đến Paksong trồng cà phê. Vị doanh nhân thổ lộ, vào năm ấy gia đình bà gặp sự cố trong làm ăn nên muốn tạm nghỉ ngơi. Cùng thời gian đó nhà nước Lào khuyến khích làm nông nghiệp, nhất là trồng cà phê để xuất khẩu, bà nghĩ đi làm vườn cà phê để hưởng ứng chủ trương nhà nước, bản thân thư giãn, xa lánh những điều thị phi, biết thêm về nông nghiệp cũng hay.

Nói là làm cho vui, nhưng bà cũng muốn công sức bỏ ra phải thu lại được tương xứng. Bà về Việt Nam, lên vùng Tây Nguyên học cách người ta trồng cà phê, bỏ ra 3 triệu USD thuê nhân công có kinh nghiệm trồng cà phê từ Việt Nam sang cùng với người dân địa phương trồng 150ha cà phê.

Đào Hương: Từ người con nghèo xứ Huế thành bà chủ tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất tại Lào - Ảnh 1.

Trong nhà máy cà phê Dao.

Nhưng thành quả ban đầu không như mong đợi.

Năm 2000, lần đầu trồng cà phê bị sương muối, hơn trăm hecta cà phê chết khô, mất bao nhiêu tiền, như người khác là bỏ cuộc rồi, nhưng tôi thì không, lại trồng tiếp, sau đó mua máy về làm cà phê, nhìn dàn máy, ai cũng nói: "Máy lớn quá, cà phê cả xứ Lào cũng không đủ cung cấp”.

Vì vậy, vừa chủ động đầu tư trồng cà phê, tôi còn đưa giống, phân bón khuyến khích nông dân trồng, đầu tiên 250 cây, sau lên 500 cây, thu hoạch được hơn 1.000 - 2.000 tấn cà phê đã mừng, bây giờ tôi đã có 25.000 ha, một năm thu được 10.000 tấn cà phê nhân Arabica.

Cuối năm 2011, tôi đầu tư 3 nhà xưởng chà vỏ cà phê tươi với công suất 2.100 tấn/giờ, qua đó đảm bảo khép kín quy trình sản xuất, chế biến cà phê từ khâu đầu tiên đến khâu thành phẩm cuối cùng”, bà chủ Tập đoàn Dao Heuang nhớ lại.

Dù kinh doanh ở Lào nhưng bà Đào Hương thừa nhận “thành công là nhờ người Việt mình”.

"Người có kinh nghiệm và chuyên môn làm cà phê hòa tan trên đất Lào chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy, tôi phải về Việt Nam tìm kiếm và đã tìm được người có kinh nghiệm làm cà phê rất lâu năm. Anh ấy đã giúp tôi và tìm luôn một ê-kíp sản xuất, quản lý và huấn luyện nhân viên.

Phải nói thật là người ngoài không chịu khó như người Việt mình và họ cũng không thích làm thuê, không cần kiếm nhiều tiền, chỉ cần có một miếng đất nửa hecta là họ tự làm, làm ít để nghỉ sớm chứ không chịu "cày" như mình. Vì vậy, do tìm nhân công ở Lào rất khó nên tôi phải thuê hàng trăm công nhân Việt Nam qua Lào làm việc. Với lượng nhân viên đông và cũng để tạo cho họ cuộc sống ổn định để họ yên tâm làm việc lâu dài, tôi đã xây nhà ở, trường học, trạm xá để khi công nhân đau ốm sẽ được chữa trị miễn phí và kịp thời”.

Đào Hương: Từ người con nghèo xứ Huế thành bà chủ tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất tại Lào - Ảnh 2.

Tập đoàn Dao Heuang có 2 hệ thống cửa hàng miễn thuế là Dao Heuang Duty Free Shop...

Đào Hương: Từ người con nghèo xứ Huế thành bà chủ tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất tại Lào - Ảnh 3.

... và HAVEN duty-free centre

Sau 10 năm, Dao Heuang đã trở thành doanh nghiệp trồng, thu mua và xuất khẩu cà phê lớn nhất Lào. Cà phê Dao được xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản...

Không chỉ thành công trong lĩnh vực cà phê, tập đoàn Dao Heuang còn phát triển nhiều lĩnh vực khác như sản xuất nước tinh khiết đóng chai, trái cây sấy, trồng và chế biến trà xanh, nước trà đóng chai, kinh doanh khách sạn, xây dựng chợ…

Hiện, Tập đoàn này vẫn là nhà nhập khẩu và bán lẻ hàng miễn thuế lớn nhất tại Lào, cung cấp từ rượu, nước hoa đến mỹ phẩm, bánh kẹo. Đến năm 2018, Dao Heuang bắt đầu đẩy mạnh mảng du lịch nông nghiệp như một bước đi trong chiến lược nhằm tạo nguồn doanh thu mới. Tập đoàn này lên kế hoạch xây dựng khách sạn trên cao ở Nam Lào, nằm cạnh một trang trại cà phê của tập đoàn. Mảng kinh doanh khách sạn cũng là sáng kiến của thế hệ thứ hai của Tập đoàn Dao Heuang.

Năm 2020 vừa qua, bà Đào Hương đã ký kết chuyển nhượng với Giám đốc của Dao Coffee, đánh dấu việc bà sẽ rời bỏ lĩnh vực kinh doanh cà phê để tập trung vào các mảng còn lại. Thương hiệu cà phê Dao sau đó sẽ nằm dưới sự quản lý của một liên doanh mà Bộ tài chính Lào nắm giữ cổ phần.

Theo Hoàng Thùy

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên