“Đắp chiếu” dự án xơ sợi 7.000 tỷ: “Người triển khai phải chịu trách nhiệm, không được đẩy lên Thủ tướng”
PVTex không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ dẫn đến chậm thanh toán đối với các nghĩa vụ theo phán quyết của Tòa án nên phương án khởi động lại Nhà máy hay bán, chuyển nhượng là khó khả thi.
- 20-06-2017Bắt 5 lãnh đạo liên quan dự án xơ sợi Đình Vũ thua lỗ 1.400 tỷ
- 14-11-2016Con tàu đắm PvTex thời hậu Vũ Đình Duy
- 04-11-2016PVTex – từ “con cưng” của Tập đoàn Dầu khí đến thua lỗ hơn 3.000 tỷ, Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm
Chiều 22/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty sở hữu những dự án nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả.
Liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ PVTex , ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại.
Ông Hưng cũng cho biết, theo chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN , các đơn vị thành viên của PVN (PVFCCo, PVCFC, BSR) đã cử nhân sự đến hỗ trợ PVTEX rà soát đánh giá thực trạng Nhà máy thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng Nhà máy.
Mặt khác, PVN đã thành lập Tổ hỗ trợ về Kỹ thuật, Tài chính, Thương mại, Pháp lý… từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ PVTex chuẩn bị khởi động lại Nhà máy.
Sở dĩ nhà máy chưa thể khởi động trở lại do tháng 4/2017 vừa qua PVTex đã bị Toà án Nhân dân quận Hải An, TP Hải Phòng xử và ra phán quyết thua kiện trong vụ tranh chấp với Khu công nghiệp Đình Vũ về việc PVTex chưa chi trả tiền điện, nước và hạ tầng cơ sở. Khi bản án có hiệu lực PVTex sẽ phải trả các khoản nợ gốc và lãi 72,9 tỷ đồng và án phí 180 triệu đồng.
Tuy nhiên, PVTex không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ nên dẫn đến chậm thanh toán đối với các nghĩa vụ theo phán quyết của Tòa án, do vậy PVTex sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, phong tỏa tài khoản, tạm thu giữ tài sản, tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN cho biết, PVN có phân công tổ công tác chuyên trách từng dự án một, với mỗi dự án đều đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, không chờ đợi cơ chế chính sách của nhà nước. “Vấn đề vốn cho dự án PVTex khởi động trở lại là trở ngại lớn của PVTex do quan điểm của Chính phủ là nhà nước không bơm thêm tiền cho các dự án thua lỗ”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nêu đề xuất hưởng mức thuế nhập khẩu 2% để dự án được thuận lợi về tiêu thụ khi đi vào vận hành sản xuất trở lại.
Chỉ đạo với riêng dự án PVTex, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị họp HĐQT ra nghị quyết có quyết định bỏ tiền thêm hay không, thậm chí cẩn thận hơn họp ban Thành viên HĐTV có nghị quyết riêng để làm.
“Những người trực tiếp triển khai dự án phải chịu trách nhiệm, không được đẩy lên Thủ tướng”, Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ PVTex do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.
Sau khi vận hành khoảng 7 tháng dự án đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ trên 3.000 tỷ đồng của nhà máy.