Đập Tam Hiệp "biến dạng", có nguy cơ "bị vỡ"? Công ty vận hành lên tiếng đập tan mọi đồn đoán
Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã thực hiện cuộc phỏng vấn với tập đoàn vận hành đập Tam Hiệp về những đồn đoán và thắc mắc xung quanh con đập gây tranh cãi này.
Khi mưa lũ dồn dập tấn công Trung Quốc vào đầu mùa mưa năm nay khiến hơn 20 triệu người ở miền Nam nước này bị ảnh hưởng, đập Tam Hiệp đã một lần nữa trở lại tâm điểm chú ý của dư luận.
Trong khi truyền thông Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp đã góp phần giảm thiểu sức mạnh của dòng nước lũ, thì có nhiều ý kiến lại cho rằng con đập này khiến cho tình hình lũ lụt thêm tồi tệ, thậm chí nhiều người còn nói rằng đập Tam Hiệp "biến dạng" hoặc có nguy cơ bị vỡ.
Trước những ý kiến trên, các phóng viên của Hoàn Cầu đã thực hiện cuộc phỏng vấn với đại diện của tập đoàn quốc doanh Tam Hiệp - đơn vị chủ quản của đập Tam Hiệp - để có được câu trả lời về những đồn đoán và thắc mắc nêu trên.
Đồ họa: Global Times
Hoàn Cầu (HQ): Trận lũ lụt năm nay khiến nhiều người nhớ đến trận lũ năm 1998. Chúng ta sẽ phải chịu những thiệt hại ra sao nếu như không có đập Tam Hiệp?
Tập đoàn Tam Hiệp (TH): Trong trận lũ lớn năm 1998 dọc theo toàn bộ lưu vực sông Dương Tử, mực nước đo được tại trạm thủy văn Sa Thị ở huyện Tĩnh Giang - khu vực nguy hiểm nhất của con sông - đã dâng lên mức 45,22m; cao hơn 0,22m so với mức an toàn. Tình hình kiểm soát lũ lụt tại Tĩnh Giang khi đó rất căng thẳng. Hơn 1 triệu binh sĩ PLA và người dân địa phương đã tham gia chống lũ vào thời điểm đó.
Theo các tính toán và mô phỏng, nếu đập Tam Hiệp đã hoàn thành trước trận lũ năm 1998, mực nước ở Sa Thị sẽ không vượt quá 44,5m, [...] áp lực của dòng nước lũ ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử cũng sẽ giảm đáng kể.
Trong trận mưa lũ năm nay, nếu không có đập Tam Hiệp, mực nước tại các khu vực Thành Lăng Ki và Hồ Khẩu, cống thoát nước của hồ Bà Dương, sẽ vượt qua ngưỡng an toàn. Trạm thủy văn Hàn Khẩu tại Vũ Hán cũng sẽ ghi nhận mực nước cao hơn. Trong trường hợp này, khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng hơn nhiều.
HC: Một số ý kiến cho rằng việc đập Tam Hiệp xả lũ ồ ạt đã khiến tình trạng lũ lụt trên vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử thêm trầm trọng. Điều này có đúng không?
TH: Xả lũ là một biện pháp giúp hồ chứa nước kiểm soát lượng nước chảy ra thông qua các phương tiện xả lũ. Thông thường hồ chứa nước sẽ xả bớt nước ra ngoài thông qua các tổ máy bơm. Khi khối lượng nước vượt quá khả năng của các tổ máy này, thì hồ chứa mới áp dụng các kênh xả lũ.
Tuy nhiên, xả lũ không có nghĩ là hồ chứa nước không có chức năng phòng chống lũ.
Đập Tam Hiệp xả lũ ngày 19/7/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ví dụ, vào ngày 2/7 vừa qua, hồ chứa của đập Tam Hiệp đã đón dòng nước có lưu lượng 53.000 mét khối/giây, và lượng nước chảy ra khi xả lũ là 35.000 mét khối/giây.
Như vậy, đập Tam Hiệp đã giúp giảm thiểu áp lực của dòng nước cho các vùng ở khu vực trung và hạ lưu sông, trong đó bao gồm hồ Bà Dương.
HC: Nếu tình trạng mưa lũ tiếp tục, liệu đập Tam Hiệp còn có thể tiếp tục điều chỉnh dòng nước lũ không?
TH: Nhiệm vụ phòng chống lũ của dự án Tam Hiệp chủ yếu dựa vào khu vực Tĩnh Giang, Thành Lăng Ki và cống xả lũ của hồ Động Đình. Với dung tích hồ chứa nước lũ là 22 tỉ mét khối, hệ thống này được thiết kế để ngăn lũ lớn ở thượng nguồn sông Dương Tử, và đập Tam Hiệp góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn tình trạng này vượt khỏi tầm kiểm soát.
Nếu lũ lụt xảy ra do mưa lớn ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử, các thành phố phụ cận sẽ phải chủ yếu dựa vào các công trình cầu cống thoát lũ của chính họ. Tuy nhiên, trong tình huống này, đập Tam Hiệp vẫn có thể đóng góp bằng cách trữ lại và ngăn bớt dòng nước lũ để giảm bớt áp lực cho các tỉnh, thành lân cận.
HC: Đã có một số tin đồn rằng đập Tam Hiệp bị "biến dạng", hoặc thậm chí là có nguy cơ "bị vỡ". Vậy tình trạng của đập Tam Hiệp hiện ra sao?
TH: Đập Tam Hiệp đang được vận hành một cách an toàn, và tình trạng của nó vẫn tốt. Trong vài năm qua, không hề có chuyện đập Tam Hiệp bị biến dạng hoặc gặp những vấn đề tương tự.
Kể từ năm 1994 đến tháng 6 năm nay, đập Tam Hiệp đã được vận hành và giám sát chặt chẽ. Đã có 12.000 thiết bị được lắp đặt trong và ngoài con đập này nhằm giám sát các vấn đề biến dạng, vấn đề thấm nước, lực thấm, áp lực nước, các trận động đất, các yếu tố về thủy lực và động lực học. Ngoài các công nghệ và thiết bị giám sát tiên tiến, các nhân viên kỹ thuật cũng đích thân tiến hành kiểm tra tình trạng của con đập.
Các công trình và nền móng của đập Tam Hiệp đều bình thường, an toàn và chắc chắn.
HC: Một số ý kiến cho rằng dự án Tam Hiệp ảnh hưởng tới hệ sinh thái trên sông Dương Tử. Vậy tập đoàn Tam Hiệp và các cơ quan nhà nước đã làm những gì để bảo vệ môi trường sinh thái quanh đập Tam Hiệp và trên dòng sông Dương Tử?
TH: Ngoài chức năng kiểm soát lũ, sản xuất điện năng và điều hướng nước, một nhiệm vụ quan trọng khác của hồ chứa nước đập Tam Hiệp là trở thành nơi dự trữ chiến lược của các nguồn tài nguyên nước ngọt. Dự án đập Tam Hiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và hồi phục môi trường sinh thái trên sông Dương Tử.
Cụ thể, dự án đập Tam Hiệp có thể bổ sung nước cho vùng hạ lưu sông. Kể từ năm 2003, hồ chứa của đập Tam Hiệp đã bổ sung khoảng 29 tỉ mét khối nước cho vùng hạ lưu sông Dương Tử.
Cá tầm. Ảnh: IC
Dự án này cũng cung cấp điều kiện tốt nhất để các loài cá và động vật hoang dã sinh sống và sinh sản - bằng cách điều chỉnh và kiểm soát lượng nước được xả ra vào tháng 5 và tháng 6.
Dự án Tam Hiệp cũng có thể tiến hành kiểm soát khẩn cấp khi xảy ra những sự cố ảnh hưởng tới chất lượng nước và khủng hoảng hàng hải xảy ra. Ví dụ, vào tháng 2/2014, hồ chứa của đập Tam Hiệp đã mở thêm cửa xả để tăng lượng nước chảy xuống vùng hạ lưu sông, hạn chế tác động của tình trạng xâm nhập mặn tại cửa sông Dương Tử ở Thượng Hải.
Tổ Quốc