MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đập tận móng nhà 8B Lê Trực để giữ kỷ cương...'

19-06-2019 - 08:41 AM | Bất động sản

Ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết đã chuyển hồ sơ nhà 8B Lê Trực sang công an.

Chiều 18/6, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã cung cấp một thông tin đáng chú ý, đó là hồ sơ vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực hiện đã được chuyển sang công an để điều tra hình sự.

"Công trình này không phải vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè", ông Chung nói. Ông cho hay thành phố đã cưỡng chế xong tầng 19. Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng nếu cắt tầng 17, 18 sẽ không an toàn nên thành phố đang chỉ đạo đơn vị liên quan trưng cầu giám định.

"Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì cả tòa nhà này cũng phải đập vì sai từ móng, còn chủ đầu tư rất cùn", ông Chung khẳng định.

Tòa nhà 8B Lê Trực nổi tiếng và tốn nhiều giấy mực vì có quá nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng như xây vượt tầng, không tuân thủ những quy định trong giấy phép. Cụ thể từ tầng 8 trở lên (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi 3,36 m so với khối đế, phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp mà xây thẳng đến mái để tăng diện tích sàn.

Suốt 3 năm qua, việc tháo dỡ những phần diện tích sai phạm của tòa nhà này vẫn làm trầy trật nhưng mãi không xong, rất nhiều cán bộ bị kỷ luật và tòa nhà chính là một nỗi bức xúc của người dân Hà Nội vì sự khinh nhờn pháp luật, coi thường phép nước.

Còn nhớ những vụ "kỳ án" đã từng xảy ra trước đây như vụ cưỡng chế chòi vịt và phê chuẩn quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Bỉ về tội "Vi phạm quy định về quản lý nhà ở vì dựng chòi vịt trên đất nông nghiệp" ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) hay vụ hàng loạt sở ban ngành họp để yêu cầu nhà văn Hoàng Quảng Uyên ở Cao Bằng làm chuồng gà cũng phải có bản vẽ thiết kế, nếu không thì dứt khoát không cấp phép.

Những vụ "kỳ án" này gây xôn xao dư luận và khiến rất nhiều người bức xúc bởi vì chỉ là những chòi vịt, chuồng gà của người dân nhưng vụ thì bị "hình sự hóa", bị hành lên hành xuống bởi các thủ tục kỳ quái. Ấy thế nhưng những công trình có quy mô lớn, trị giá hàng trăm tỷ có sai phạm trắng trợn thì vẫn ngang nhiên tồn tại và rất khó bị xử lý vi phạm.

Điều đó phải chăng là có sự "nhất bên trọng, nhất bên khinh"? Nếu là công trình của người dân thân cô thế cô thì rất dễ bị hình sự hóa, thậm chí khởi tố hình sự như vụ chòi vịt của ông Nguyễn Văn Bỉ, còn những vị "đại gia" lắm tiền nhiều của khác, công trình sai phạm thì cứ xử lý nhẩn nha, nửa chừng nửa vời cho đến lúc "để lâu hóa bùn"?

Ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã khẳng định rất đanh thép trước cử tri Hoàn Kiếm, rằng: "Có những cuộc họp trên UBND TP, tôi có nói là thực ra để đảm bảo kỷ cương phép nước, kể cả phải đập toà nhà này cũng phải đập, bởi vì xây dựng sai từ móng, từ tầng 1. Nhưng chủ đầu tư rất cùn".

Vậy có thể đập bỏ toàn bộ những phần sai phạm của tòa nhà này hay không, khi mà "chủ đầu tư rất cùn" như lời ông Chung nói? Nếu là người dân thì có dám "cùn" với các cơ quan chức năng của nhà nước như chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực hay không?

Rõ ràng, kỷ cương phép nước nếu muốn giữ nghiêm thì phải có được sự tôn trọng của toàn xã hội, từ trên xuống dưới, người giàu cũng như người nghèo. Ấy thế nhưng làm thế nào để giữ vững được sự tôn nghiêm của kỷ cương phép nước, ai cũng biết, chỉ có điều là chúng ta có quyết tâm làm hay không mà thôi.

Theo Mi An

Báo Đất Việt

Trở lên trên