Dập tắt tin đồn bằng thông tin chính thống
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng khi xuất hiện tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng cần phản ứng nhanh, sớm có thông tin chính thức để phản bác
- 12-07-2022Tung tin giả về tỷ phú Phạm Nhật Vượng, phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán
* Phóng viên: Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn việc tung tin đồn thất thiệt, tin giả trên môi trường mạng nhưng vì sao tình trạng này vẫn tái diễn?
- Ông LÊ QUANG TỰ DO: Những ngày vừa qua, rộ lên thông tin thất thiệt về một lãnh đạo của Tập đoàn Vingroup. Bộ Công an đã kịp thời ngăn chặn, nhanh chóng xử lý đối tượng vi phạm.
Thực trạng về tin giả, tin đồn thất thiệt đã được cơ quan quản lý nhà nước nhận diện, phát hiện xử lý cũng như triển khai các biện pháp để ngăn chặn có hiệu quả. Với môi trường mạng như hiện nay, việc xuất hiện loại tin này có thể đến từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn từ các trang mạng phản động, chống phá ở nước ngoài. Khi các trang mạng này đăng tải, một số tài khoản trong nước lại chia sẻ những thông tin sai lệch đó, làm lan truyền thông tin một cách nhanh chóng.
Những thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, vu khống, tin giả được tung lên mạng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích để "câu like" nhưng lại gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế hoặc xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác.
* Theo ông, khi xuất hiện thông tin thất thiệt, tin giả, việc quan trọng mà cơ quan quản lý nhà nước cần làm trước tiên là gì?
- Các cơ quan có liên quan cần phản ứng rất nhanh, "dập tắt" tin đồn bằng các thông tin chính thống. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh cơ quan chức năng cần lên tiếng sớm để người dân tiếp cận nguồn tin chính thống. Khi xuất hiện tin đồn thất thiệt, các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành ngay việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ và công khai để nhân dân được biết. Các cơ quan báo chí cần vào cuộc để đăng tải các thông tin chính thống, tạo kênh tiếp cận thông tin tin cậy cho người dân.
Chúng ta cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm khi có hành vi tung tin đồn thất thiệt, tin giả. Việc xử lý không chỉ đối với người tung tin đồn thất thiệt mà phải xử lý cả những người tiếp tay cho việc lan truyền những tin đồn thất thiệt đó.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước tin đồn thất thiệtẢnh: Hà Minh
* Nhiều vụ việc tung tin giả đã bị xử phạt, thậm chí xử lý hình sự nhưng nhiều người vẫn vi phạm. Như vậy có phải chế tài của chúng ta hiện nay chưa đủ sức răn đe?
- Hiện nay, các quy định xử lý đã có đầy đủ, cả hành chính và hình sự. Với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, tùy theo mức độ vi phạm pháp luật có thể xử phạt hành chính theo điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội hoặc xử lý hình sự tội "Vu khống" theo điều 156 và tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ Luật Hình sự. Có thể khẳng định chúng ta không thiếu công cụ để xử lý, chế tài vi phạm.
* Bên cạnh việc phát hiện, xử lý các vi phạm, chúng ta cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân ứng xử như thế nào trước thông tin thất thiệt, tin giả, thưa ông?
- Khuyến cáo quan trọng nhất là phải kiểm chứng thông tin qua các kênh chính thống như báo chí. Khi đọc thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, với những thông tin có yếu tố nhạy cảm, giật gân thì người dân cần ứng xử một cách chủ động, kiểm chứng thông tin đó bằng các kênh chính thống.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được chia sẻ, phát tán những thông tin sai sự thật, bởi đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ vi phạm. Người dân cần lưu ý không phải chia sẻ ở các nhóm kín, hội kín trên mạng xã hội thì "vô can" hoặc "không ai biết". Khi nhận định được những thông tin là thất thiệt, giả mạo, người dân cần cảnh báo cho người thân, bạn bè. Đồng thời, phản ánh tới cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Nếu đông đảo người dân cùng chọn lọc thông tin, kiểm chứng thông tin thận trọng thì những thông tin xấu độc, tin giả, tin thất thiệt khó có "đất sống".
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM:
Tăng cường giám sát, xử lý vi phạm
Việc cung cấp, chia sẻ thông tin có nội dung sai sự thật, vu khống xâm hại đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Nhiều thông tin suy diễn chủ quan, tùy tiện công kích, gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân khác. Do vậy, công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý những hành vi này là một trong những nội dung mà Sở TT-TT rất quan tâm trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ tăng cường giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó có việc áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như đề nghị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tịch thu, thu hồi giấy phép, tên miền (đối với tên miền quốc gia .vn) hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn hoạt động tên miền quốc tế; chuyển hồ sơ để xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự.
Song song đó, Sở TT-TT đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát thông tin trên mạng internet nhằm kịp thời tổng hợp, phân tích các diễn biến dư luận xã hội quan tâm trên các lĩnh vực để có hướng xử lý kịp thời.
Người lao động