Đất công cộng, nhà máy tiếp tục thành cao ốc
Bộ Tư pháp vừa có báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô. Báo cáo cho thấy, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời chưa được thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng.
Cụ thể, tiến độ di dời rất chậm, quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho TP Hà Nội để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô. "Thực tế có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời", báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Chung cư 90 Nguyễn Tuân mọc trên "đất vàng" sau di dời của Xí nghiệp vận tải Transerco
Cụ thể như trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Dệt Mùa đông, Xe đạp Thống nhất, Xe buýt Hà Nội… nhưng nay là những tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ với quy mô và mật độ lớn.
Báo cáo cũng nêu rõ, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ cư trú. Cùng đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.
Tuy nhiên, thời gian qua, ở những khu vực nội đô lịch sử, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng. Điều này đã tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Trước thực trạng trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và TP Hà Nội thực hiện nghiêm Quyết định 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành.
Thực tế, hơn một thập kỷ từ ngày có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành, Hà Nội vẫn chưa thể "dọn dẹp" hết các nhà máy ngự trị gây ô nhiễm đất vàng. Và hơn thế nữa, thay vì với mục đích ban đầu được đặt ra là ưu tiên không gian xanh, tạo quỹ đất xây dựng công trình an sinh xã hội, thì hàng loạt chung cư, cao ốc mọc lên khiến đô thị càng thêm ngột ngạt.
Người dân mong muốn đẩy nhanh tiến độ di dời nhà máy xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoại thành.
Trong một báo cáo công bố năm 2020, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, TP.HCM triển khai chậm.
Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, dù bản quy hoạch hoàn hảo đến đâu thì khi đi vào thực tiễn cũng sẽ phát sinh vấn đề. Đó là nguyên nhân căn bản khiến các khu đất vàng của nhà máy, trụ sở bộ ngành dù đã được quy hoạch mục đích sử dụng ban đầu rất rõ ràng nhưng thực tế khi triển khai lại biến tướng theo hướng ngược lại.
KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.
Bên cạnh đó, cần phải có văn bản dưới luật để khẳng định sau khi di dời, doanh nghiệp cần giao lại khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố. Ngoài ra, tại Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn.
Quỹ đất sau khi di dời phải được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật và không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Công tác giám sát quá trình khai thác sử dụng tại các nhà máy phải được quán triệt chặt chẽ hơn nữa.
Diễn đàn doanh nghiệp