MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặt mục tiêu đạt 7.500 USD vào 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện tại đang xếp thứ bao nhiêu trong khu vực?

Một trong các mục tiêu thuộc Chương trình hành động được Chính phủ ban hành mới đây đó là đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Trong khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định, biểu thị kết quả sản xuất do các đơn vị thường trú tạo ra trong lãnh thổ kinh tế của một quốc gia, thì GDP bình quân đầu người là tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia trong năm chia cho dân số trung bình trong năm tương ứng.

GDP bình quân đầu người thường được sử dụng cùng với GDP để đo lường sức khỏe kinh tế và sự thịnh vượng chung của một quốc gia hoặc là thước đo cạnh tranh để so sánh nền kinh tế của các quốc gia.

Theo số liệu của IMF, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 4,32 nghìn USD, tăng hơn 200 USD so với năm 2022 (4,1 nghìn USD), xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN-6, sau các quốc gia Singapore (84,7 nghìn USD), Malaysia (12,5 nghìn USD), Thái Lan (7,3 nghìn USD), Indonesia (4,9 nghìn USD).

Sang năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 6,6 nghìn USD, tăng gần 300 USD so với 2023, xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN-6, sau các quốc gia như Singapore (88,44 nghìn USD) và Malaysia (13,31 nghìn USD), Thái Lan (7,81 nghìn USD) và Indonesia (5,27 nghìn USD). Nếu xét trên toàn thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 sẽ ở vị trí 124 trên thế giới.

photo-1721878003211

GDP bình quân đầu người của Việt Nam giai đoạn 2020-2024. Nguồn: IMF

 Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào 2030

Theo Nghị quyết 111/NQ-CP 2024 được Chính phủ công bố mới đây về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD. 

Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - 15% GDP.

Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp...

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. 

- Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng. 

- Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

- Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

- Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

- Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

- Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. 

- Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.


Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên