Đất người nghèo, làm nhà cho người giàu
Được cấp phép là nhà ở xã hội, nhưng doanh nghiệp lại biến dự án thành nhà ở thương mại mang tên khu dân cư Taka Garden Riverside Homes.
Mặc dù chủ trương đề ra là phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư cho người có thu nhập thấp, nhưng khi triển khai, nhiều dự án được doanh nghiệp gắn "mác ngoại" và khách hàng mua đất, nhà chủ yếu lại là người giàu chứ không phải người nghèo.
Dự án cho người nghèo, nhưng xây nhà cho nhà giàu
Dự án với tên gọi Taka Garden Riverside Homes tại xã Bình Tâm (TP. Tân An, tỉnh Long An) đang được quảng cáo là dự án đẳng cấp, quy hoạch trên tổng diện tích 13.620,2m2, trong đó diện tích dành cho công viên cây xanh 2.108m2. Dự án cung cấp ra thị trường tổng số 111 căn nhà phố có diện tích dao động từ 57,6 – 64 m2, được thiết kế cao 2 tầng với giá bán từ 1,7 tỷ đồng/căn theo tiêu chuẩn sống của Nhật Bản. Dự án do CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) là đơn vị phát triển dự án.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, nguồn gốc dự án Taka Garden Riverside Homes là từ quỹ đất thực hiện dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, dự án này được UBND tỉnh Long An cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Tài phát triển theo diện nhà ở xã hội. Thế nhưng, từng đó năm doanh nghiệp không triển khai phát triển dự án, tới năm 2019 doanh nghiệp này xin chuyển đổi dự án từ nhà ở xã hội thành nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp và ngày 19/2/2019, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định cho phép Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Tài chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nhà ở xã hội thành nhà ở thương mại.
Từ đây, doanh nghiệp Thành Tài đã nhượng lại quỹ đất trên cho Cát Tường Group và nhà ở cho người thu nhập thấp đã thành nhà ở cho người giàu, bởi với mức giá gần 2 tỷ/căn hộ thì khó có người thu nhập thấp nào có thể mua để ở.
Hay như dự án Khu đô thị Long Hưng tại tỉnh Đồng Nai, cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án trên địa bàn xã Long Hưng với diện tích 899,35ha, chia làm 3 dự án thành phần, trong đó có Khu dân cư Long Hưng quy mô 227,7ha với mục tiêu xây dựng khu dân cư mới đáp ứng nhu cầu về nhà ở tái định cư cho người dân bị giải tỏa thuộc các dự án khu đô thị. Tuy nhiên, hiện nay khu đô thị này không còn là dự án tái định cư mà là dự án nhà ở thương mại với giá bán lên tới hơn 2 tỷ đồng/nền.
Ngay cả TP.HCM, việc chuyển đổi nhà ở tái định cư cũng biến thành nhà ở thương mại. Đơn cử như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM được phê duyệt với quy mô 930ha; bao gồm 160ha tái định cư cho khoảng 45.000 người. Trong 4 dự án tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 3 dự án đã hoàn thành, bàn giao và thanh toán với UBND TP.
Dự án tái định cư còn lại gồm 1.330 căn hộ tái định cư (tên gọi thương mại hiện nay là New City Thủ Thiêm) do liên danh Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Việt, Công ty Sacomreal, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Thành Thành Công làm chủ đầu tư.
Trong khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng đối với 1.122 căn. Dự án 1.330 căn hộ tái định cư nói trên nằm trong khu dân cư 38,4ha ở phường Bình Khánh, quận 2 thuộc Chương trình 12.500 căn tái định cư Thủ Thiêm…
Ngoài ra, nhiều dự án chuyên gia, nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tại Long An cũng đang được doanh nghiệp biến thành đất bất động sản thương mại rồi bán cho nhà giàu xây nhà. Đơn cử như tại Khu công nghiệp Cầu Tràm, xã Long Trạch, huyện Cần Đước hiện xuất hiện dự án mang tên BNC Dragon. Dự án này được được giới thiệu là Công ty cổ phần bất động sản BNC (Công ty BNC) làm chủ đầu tư hiện bán giá thấp nhất 1 tỷ đồng/nền đất diện tích 4x20. Và cao nhất khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế khu đất này chỉ là dự án nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Cầu Tràm chứ không phải dự án nhà ở thương mại.
Nhà nghèo lấy đâu ra nhà để mua?
Anh Trần Công Tuấn, công nhân tại khu công nghiệp Đức Hòa 3 tỉnh Long An kể, năm 2009 anh vào đây làm công nhân, rồi lấy vợ và có con. Thế nhưng tới nay anh Tuấn vẫn sống cảnh thuê căn nhà trọ rộng chưa đầy 15m2 cho 4 người sinh sống.
"Tôi cũng nhiều lần có ý định mua đất làm nhà, thế nhưng giá đất khi dưới 1 tỷ thì mình chưa đủ, xong cố gắng làm ăn tích cóp đủ tiền mua đất thì giá đã lên hơn 1 tỷ đồng/nền đất. Vậy là mộng có nhà để ở lại bất thành", anh Tuấn nói.
Cũng theo anh Tuấn, được biết có rất nhiều thông tin của tỉnh nói rằng ở mỗi khu công nghiệp và các huyện luôn có quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng trong danh sách công bố mà anh Tuấn tìm tới thì lại là dự án nhà ở thương mại có giá hàng tỷ đồng/nền đất.
Câu chuyện của anh Tuấn cũng giống như câu chuyện của chị Lê Thị Tuyết, nhân viên văn phòng tại quận 2, TP.HCM. Chị kể sau hơn 10 năm ở TP.HCM, chị tích cóp được hơn 400 triệu đồng, và có ý định mua một căn nhà khoảng hơn 1 tỷ đồng để ở, số tiền thiếu thì vay ngân hàng. Thế nhưng, ý định đó từ năm 2020 tới nay chị vẫn không thể thực hiện bởi ở TP.HCM hiện tìm mỏi mắt cũng không kiếm được căn hộ chung cư có giá dưới 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn cho biết, mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động của dịch COVID-19, nhưng dòng sản phẩm nhà ở giá rẻ và nhà ở có diện tích nhỏ số lượng tìm kiếm vẫn tăng vọt. Chỉ cần gõ từ khóa "mua căn hộ giá rẻ" trên công cụ tìm kiếm google, ngay lập tức cho ra hơn 4,3 triệu kết quả. Nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh, tuy vậy, lượng tin đăng rao bán được thống kê, đặc biệt là dòng sản phẩm căn hộ chung cư dưới 45m2 chỉ tăng 14% trong quý vừa qua. Sản phẩm nhà ở giá rẻ ngày càng khan hiếm trên thị trường.
Theo các chuyên gia bất động sản, dù chiếm tới từ hơn 70% - 80% nhu cầu về nhà ở tại khu đô thị lớn như TP.HCM, nhưng nguồn cung nhà ở giá rẻ lại đang rất khan hiếm, thậm chí vắng bóng trên thị trường. Chính sách nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ làm tăng nguồn cung nhà giá rẻ cũng đang "mắc cạn", mới chỉ đạt hơn 40% so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, giá nhà liên tục tăng trong các năm qua.
Nói về nguyên nhân các doanh nghiệp không mặn mà phát triển dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở tái định cư dù trong tay có quỹ đất phát triển các dự án này nhưng vẫn quyết làm mọi cách để chuyển thành nhà ở thương mại bán, ông H.V.T - Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn phía Nam cho biết, việc phát triển nhà ở giá rẻ sẽ giúp doanh nghiệp bán rất nhanh, tuy nhiên lợi nhuận lại không có, thậm chí là lỗ nặng.
"Đơn cử như câu chuyện của Tập đoàn Trần Anh Group mới đây phát triển hơn 1.000 sản phẩm nhà ở giá rẻ dưới 200 triệu/căn cho người thu nhập thấp tại huyện Đức Hòa tỉnh Long An, sau khi bán hết và bàn giao nhà thì doanh nghiệp này đã lỗ nặng", ông H.V.T đưa ra ví dụ.
Cũng chính từ ví dụ này, ông H.V.T cho biết việc phát triển nhà ở giá rẻ mà không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thì làm sao doanh nghiệp phát triển, đây là lý do mà dù có thế nào họ cũng phải tìm cách chuyển từ quy hoạch nhà ở giá rẻ, nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở giá rẻ khan hiếm trên thị trường bất động sản là do thủ tục phê duyệt xây dựng dự án thường kéo dài. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước hiện đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng.
"Để tăng nguồn nhà ở, Nhà nước cần tiếp tục có các gói hỗ trợ về mặt tài chính để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như người mua. Đồng thời, các địa phương, trong đó có TP.HCM nên đưa ra các giải pháp củng cố, đẩy nhanh tốc độ phê duyệt dự án nhằm ổn định lại thị trường bất động sản, không để các dự án bị hoãn và ảnh hưởng đến việc phê duyệt dự án mới", ông Châu đề xuất.
Còn ông Ngô Văn Việt, giảng viên Khoa kinh tế Đại học Kinh tế TP.HCM thì cho rằng việc các tỉnh cấp phép nhà ở tái định cư, nhà ở giá rẻ cho doanh nghiệp để hướng phát triển thị trường đồng bộ là phù hợp với yêu cầu thực tế của tỉnh mình. Thế nhưng, thay vì giám sát và đôn đốc các doanh nghiệp được cấp chủ trương phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở giá rẻ sớm thực hiện dự án thì lại buông lỏng quản lý để các doanh nghiệp tự ý phát triển dự án, biến các dự án này thành nhà ở các giá thương mại.
"Bên cạnh đó là việc khi doanh nghiệp xin chuyển đổi từ nhà ở giá rẻ, nhà ở tái định cư… sang nhà ở thương mại thì lãnh đạo các tỉnh lại đồng ý cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Nhưng vậy thì lấy đâu ra dự án giá rẻ cho người thu nhập thấp mua?", ông Việt nói.
Nhà đầu tư