MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất nước chìm trong khủng hoảng "tái sinh" nhờ lô hàng lớn từ Nga: Thủ tướng cảm kích vì "lời hứa thành hiện thực"

13-06-2023 - 14:15 PM | Tài chính quốc tế

Lô hàng dầu thô với giá rẻ của Nga được cho là sẽ giúp Pakistan thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Đất nước chìm trong khủng hoảng "tái sinh" nhờ lô hàng lớn từ Nga: Thủ tướng cảm kích vì "lời hứa thành hiện thực" - Ảnh 1.

Lô hàng mới cập bến

Theo Al Jazeera, Pakistan đã nhận được lô hàng dầu thô đầu tiên của Nga theo một thỏa thuận được ký kết giữa hai nước vào tháng 4, nhưng các chuyên gia tin rằng sẽ còn quá sớm để nói liệu thỏa thuận này có mang lại lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng trong nước hay không.

Lô hàng chở 45.000 tấn dầu thô đã đến thành phố phía nam Karachi vào ngày 11/6 trong khi hơn 50.000 tấn khác dự kiến sẽ đến vào cuối tuần này - theo Nhà máy Lọc dầu Pakistan (PRL), nơi dầu thô sẽ được xử lý.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gọi sự xuất hiện của lô hàng dầu thô Nga là "ngày tái sinh" đối với đất nước đang chìm trong khủng hoảng.

Ông viết trên Twitter cá nhân:

"Tôi đã hoàn thành thêm một lời hứa với đất nước. Tôi rất vui mừng thông báo rằng chuyến hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga đã đến Karachi và sẽ bắt đầu xả dầu vào ngày mai.

Hôm nay là một ngày tái sinh. Chúng ta đang tiến từng bước một hướng tới sự thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và khả năng chi trả.

Đây là chuyến hàng dầu đầu tiên của Nga đến Pakistan và là khởi đầu của mối quan hệ mới giữa Pakistan và Liên bang Nga.

Tôi ca ngợi tất cả những người vẫn là một phần của nỗ lực quốc gia này & đã góp phần biến lời hứa nhập khẩu dầu của Nga thành hiện thực".

Nga đã chịu nhiều lệnh trừng phạt từ các quốc gia phương Tây, bị cắt giảm xuất khẩu dầu khí sang Liên minh châu Âu và Mỹ. Thỏa thuận Pakistan mang lại cho Moscow một thị trường dầu mỏ mới sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Musadik Malik, Bộ trưởng phụ trách xăng dầu của Pakistan, khẳng định giá xăng dầu ở nước này sẽ giảm khi nguồn cung từ Nga bắt đầu được cung cấp thường xuyên.

Ông nói: "Nếu chúng tôi bắt đầu nhận 1/3 lượng dầu thô từ Nga, thì sẽ có sự chênh lệch lớn về giá và tác động của nó sẽ đến túi tiền người dân".

Pakistan, quốc gia đông dân thứ năm thế giới, đang vật lộn trong cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, dẫn đến tình trạng thiếu ngoại tệ để trả cho việc nhập khẩu nhiên liệu.

Thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ

Lô hàng dầu đến vào thời điểm Pakistan chỉ còn ít hơn 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối, đủ để trang trải cho việc nhập khẩu trong vòng chưa đầy 4 tuần. Islamabad cũng đang chờ nhận gói cứu trợ trị giá 1,1 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như một phần của chương trình cho vay 6,5 tỷ USD sẽ hết hạn trong tháng này.

Farhan Mahmood, một nhà phân tích ngành năng lượng, nói với Al Jazeera rằng Pakistan nhập khẩu gần 80% nhu cầu xăng dầu trong nước, tạo ra hóa đơn nhập khẩu trị giá 13 tỷ USD trong năm 2022-23. Nhưng ông dự báo nhu cầu sẽ giảm trong năm tài chính tới.

Ông nói: "Nhìn vào sự sụt giảm trong việc sử dụng xăng dầu, chúng tôi dự đoán rằng đơn hàng nhập khẩu có thể giảm xuống còn 10 tỷ USD. Việc nhập khẩu này là một phần của dự án thí điểm nhưng khó có thể kỳ vọng nó sẽ tạo ra sự khác biệt ngay lập tức".

Đất nước chìm trong khủng hoảng "tái sinh" nhờ lô hàng lớn từ Nga: Thủ tướng cảm kích vì "lời hứa thành hiện thực" - Ảnh 2.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng dầu mỏ Pakistan Musadik Malik tiết lộ rằng nước này đã thanh toán cho lần nhập khẩu dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Theo ông Malik, giao dịch mua, thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G) đầu tiên giữa Pakistan và Nga, bao gồm 100.000 tấn, trong đó 45.000 tấn đã cập cảng Karachi.

Quyết định thanh toán bằng NDT thay vì đồng USD truyền thống được đưa ra sau khi Nga cho biết họ sẽ không còn chấp nhận đồng tiền Mỹ để thanh toán cho các mặt hàng năng lượng của mình mà thay vào đó sẽ chuyển sang tiền tệ của Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Hơn nữa, Nga đã bị cắt khỏi các hệ thống thanh toán toàn cầu do đồng USD thống trị.

Về phần mình, thỏa thuận mới tạo điều kiện thuận lợi cho Pakistan khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu dự trữ ngoại hối nghiêm trọng và có nguy cơ vỡ nợ đối với các nghĩa vụ nợ của mình.

Theo Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên