MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Đất nước nào nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển thì đất nước đó giàu có’

"Hôm nay ngồi đây, các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp chúng ta giống như ngồi chung trên một con thuyền, làm sao để doanh nghiệp cũng hiểu chính quyền và chính quyền cũng hiểu doanh nghiệp”, đó là chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp sáng nay (27/6).

‘Đất nước nào nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển thì đất nước đó giàu có’ - Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Trương Định

Buổi đối thoại là dịp để lãnh đạo tỉnh trực tiếp lắng nghe các tâm tư, chia sẻ cũng như nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Từ đó có biện pháp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay của DN.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bình Định Ngô Văn Tổng, có 108 kiến nghị của các DN, gồm 54 nội dung, trong đó có 20 nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương. Đối với 34 nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương, các ngành đã tham mưu UBND tỉnh hoặc đã trực tiếp trả lời cho các DN.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, chính quyền luôn coi DN là tế bào của nền kinh tế, là nguồn lực, động lực cho sự tăng trưởng và phát triển.

“Đất nước nào mà nhiều DN, DN phát triển thì đất nước đó giàu có”, ông Tuấn nói.

Tại buổi đối thoại, bà Đồng Thị Ánh - Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân tỉnh Bình, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Pisico - cho hay, phần đông thành viên trong Hội là các ngành liên quan đến dịch vụ. Cùng với ảnh hưởng chung trong tất cả các ngành nghề, thì hiện nay các hội viên trong Hội cũng gặp rất nhiều khó khăn.

‘Đất nước nào nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển thì đất nước đó giàu có’ - Ảnh 2.

Bà Đồng Thị Ánh nêu kiến nghị. Ảnh: Trương Định.

Bà Ánh kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện, ban hành thủ tục pháp lý liên quan để cho chủ đầu tư các dự án Nhà ở xã hội trên địa bàn được tiếp cận chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ để đảm bảo hoàn thành 12.900 căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân đến năm 2025.

Theo bà Ánh, hiện nay các chi phí đầu tư như nguyên vật liệu, chi phí sản xuất logistics, lãi vay… đang giảm nhưng còn ở mức cao. Trong khi đó đầu ra đơn hàng giảm mạnh, đặc biệt là đối với các mặt hàng thế mạnh chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, đá, thủy sản… Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện kinh tế, bà Ánh kiến nghị các cơ quan Nhà nước xem xét giãn hoãn thuế, phí, các khoản vay của các DN trên địa bàn. Đồng thời, xem xét cho các DN xuất khẩu các mặt hàng chủ lực được tiếp cận vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp để khắc phục những khó khăn trong giai đoạn này.

Bà Ánh cũng kiến nghị cần xem xét, cân nhắc hỗ trợ các đơn vị về gói vay trả lương lao động (với lãi suất 0%) như đã thực hiện thời dịch COVID-19 nhằm giúp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh tại đơn vị trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, xem xét hỗ trợ các đơn vị sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, để các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Định triển khai các dự án đảm bảo kế hoạch đã đặt ra.

Tại buổi đối thoại, đại diện một số Hiệp hội, DN cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến lãi suất ngân hàng; việc cấp phép và thẩm định phòng cháy chữa cháy; giao đất và sử dụng đất, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đẩy nhanh triển khai dự án; các chính sách trong việc giãn thời gian đóng BHXH trong năm 2022; đề nghị cho DN được giữ lại phí công đoàn 2% để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong những lúc gặp nhiều khó khăn.

‘Đất nước nào nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển thì đất nước đó giàu có’ - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Trương Định.

Tại buổi đối thoại, theo thẩm quyền của từng đơn vị, sở ngành, đại diện lãnh đạo cũng có những giải đáp cho DN.

Chia sẻ với các DN, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nêu lại quan điểm rằng chính quyền sẽ đồng hành cũng DN, thành công của DN cũng là thành công của chính quyền. Theo ông Tuấn, tỉnh xác định chuyển từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ người dân và DN, tạo điều kiện hợp lý và hợp pháp cho DN. Tỉnh sẽ công khai minh bạch, công bằng và nhất quán, tránh kiểu tư duy nhiệm kỳ.

Đối với các DN hiện hữu, ông Tuấn đề nghị cố gắng mở rộng thị trường để cùng vượt qua khó khăn. Bình Định cũng sẽ tạo điều kiện để mở rộng ngành nghề theo 5 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị các DN tập trung đổi mới sản xuất kinh doanh, tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông yêu cầu các DN phải làm ăn bài bản, trung thực , bền vững, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học - công nghệ, tuân thủ các quy định pháp luật và phải có trách nhiệm với an sinh xã hội. Về chính quyền các cấp, yêu cầu thực hiện nghiêm các quan điểm định hướng của Trung ương, Chính phủ. Trong đó, tập trung giải quyết và tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho DN. Chủ tịch tỉnh Bình Định cho rằng cách giải quyết công việc đối với người dân và DN trong từng trường hợp cũng đừng máy móc, luật hóa quá.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng yêu cầu chính quyền tập trung cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục; các địa phương chịu trách nhiệm triển khai dự án trên địa bàn mình, cùng với nhà đầu tư để triển khai GPMB, các thủ tục liên quan. Cách giải quyết của chính quyền phải linh hoạt, tạo điều kiện cho DN...

Theo Trương Định

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên