MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất sống còn lại của thời bao cấp: Xóa bỏ độc quyền, để tư nhân làm

Dịch vụ công là nơi khu trú cuối cùng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Vì vậy, cần thị trường hóa khu vực này bằng cách cho tư nhân tham gia, giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả và đem lại lợi ích cho người dân.

Nhà nước không phải “hầu hạ” DN

Phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công”, ông Vũ Tiến lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, tuy đã có nhiều cởi mở nhưng dịch vụ công hiện còn khá khép kín và gắn với các cơ quan Nhà nước. Vì vậy, nó không tạo ra sự minh bạch. Nhà nước vừa giám sát, vừa cấp phép lại vừa thực hiện dịch vụ công đã làm biến dạng hoạt động này - không khác gì vừa là trọng tài vừa là cầu thủ trên sân bóng. Điều này không phù hợp với nền kinh tế hiện đại.

Cần xóa bỏ độc quyền về dịch vụ công, để tư nhân tham gia, qua đó thoái các nguồn lực của Nhà nước ra khỏi khu vực này. Nhà nước chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là xây dựng thể chế. Đây là nhiệm vụ chính, nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước, ông Lộc nhấn mạnh.

Đất sống còn lại của thời bao cấp: Xóa bỏ độc quyền, để tư nhân làm - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, nhiều dịch vụ công Nhà nước có thể giao cho tư nhân làm


Ông Lộc nêu ví dụ, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn chậm hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Lý do là bởi khâu kiểm tra chuyên ngành kéo dài, trong khi Nhà nước không đủ kinh phí và nguồn lực để đầu tư cho khâu này nhằm giảm thời gian. Nếu để tư nhân làm chắc chắn sẽ thông quan nhanh hơn, mà thực tế nhiều quốc gia đã triển khai.

Cũng theo ông Lộc, tại Việt Nam, nhiều dịch vụ công Nhà nước có thể giao cho tư nhân làm, đó là cách để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, có điều kiện tăng lương cho cán bộ, viên chức. Cụ thể như việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hiện vẫn do Bộ Công Thương đảm nhận. Nếu để tư nhân làm thì Nhà nước sẽ tiết kệm được quỹ lương đáng kể.

“Ngay cả các hoạt động hỗ trợ kinh doanh, Nhà nước vẫn nắm như việc tổ chức các chương trình cho DN đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài, phải lo cho DN từ phương tiện đi lại, báo cơm, chuẩn bị tài liệu,... nói đúng ra là Nhà nước đang ‘hầu hạ’ DN. Những công việc này không phải là của Nhà nước, nên để cho khu vực tư nhân làm, mà ở đây là vai trò của các Hiệp hội ngành nghề”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng, để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công là nhu cầu của thực tiễn. Câu chuyện bóng đá là một ví dụ. Trước đây bóng đá là “sân chơi” của các đơn vị Nhà nước. Nhưng từ khi tư nhân tham gia, tài trợ cho các câu lạc bộ, mở trung tâm đào tạo,... đã đạt nhiều thành công. “Hay lĩnh vực dịch vụ khách sạn. Đi công tác nhiều, khi bước vào khách sạn tư nhân tôi ngửi thấy mùi khác với mùi của khách sạn Nhà nước. Khách sạn tư nhân luôn thơm tho sạch sẽ, trong khi khách sạn Nhà nước không thể nào bằng”, ông Tuấn nhận xét.

Tạo cơ chế minh bạch

Nói về xã hội hóa hoạt động công chứng, bà Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho hay trước đây do Nhà nước thực hiện hoàn toàn. Thời gian qua, tư nhân được phép tham gia cung cấp dịch vụ này. Các Văn phòng công chứng tư được thành lập nhiều đã giảm tải cho các Phòng công chứng Nhà nước, tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy các tổ chức hành nghề công chứng đổi mới, xây dựng phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp.

Đất sống còn lại của thời bao cấp: Xóa bỏ độc quyền, để tư nhân làm - Ảnh 2.

Chủ trương xã hội hóa cao độ hoạt động công chứng đã mang lại những tác động mạnh mẽ trong xã hội.


Đến nay, hoạt động công chứng đã phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa, theo đúng tính chất của dịch vụ và hội nhập với thế giới. Hoạt động công chứng đã chuyển sang chế độ dịch vụ công, thay cho chế độ hành chính công trước đây, qua đó góp phần thúc đẩy các giao dịch trong nền kinh tế thị trường. Có thể lấy ví dụ, thị trường bất động sản vừa qua phát triển mạnh mẽ một phần là nhờ hoạt động công chứng, được xã hội hóa, bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, đến lĩnh vực công chứng còn xã hội hóa được, để tư nhân cung cấp dịch vụ, thì không lĩnh vực công nào tư nhân không thể không tham gia.

Theo ông Đoàn Tiến Giang, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam  (USAID), ưu điểm của việc để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công là giúp tiết kiệm chi phí, tăng trách nhiệm giải trình, quản lý tốt hơn, tiếp cận chuyên môn và kỹ thuật tốt hơn, sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn và linh hoạt hơn,...

Tuy nhiên, sẽ có nhược điểm là nguy cơ thông đồng trong đấu thầu và các thủ tục liên quan, cùng với đó là nguy cơ giảm trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, mất kiểm soát, tính bảo mật giảm và tác động tới việc làm của viên chức,... Tuy nhiên, nếu giám sát chặt chẽ, hợp đồng được cấu trúc tốt và cơ chế minh bạch sẽ gỡ bỏ các lo lắng của cơ quan nhà nước về việc tư nhân chạy theo lợi nhuận, không đảm bảo yêu cầu.

Để tư nhân làm dịch vụ công, cũng có những lo lắng như: thao túng giá, tham nhũng, lợi ích nhóm, chất lượng dịch vụ kém,... nhưng nếu tạo ra môi trường minh bạch, cho nhiều DN được tham gia làm cùng một dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh và người dân được hưởng lợi, ông Lộc nói.

Ông Micheal Greene, Giám đốc USAID Việt Nam, nhận định, tới năm 2022, Việt Nam cần 26 tỷ USD cho các dự án hạ tầng nên cần những cách thức đầu tư và triển khai hiệu quả. Nhà nước cũng không thể đảm nhận được hết bởi nguồn lực có hạn.

Vì vậy, Nhà nước chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho đất nước. “Chúng tôi rất kỳ vọng vào Luật về hợp tác công tư (Luật PPP) đang được soạn thảo. Luật sẽ lấy người dân làm trọng tâm và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng”, ông Micheal bày tỏ.

Trần Thuỷ

Theo Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên