MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặt tên cho các em bé Trung Quốc, doanh nhân tuổi "teen" người Anh kiếm được hơn 400 nghìn USD sau 4 năm khởi nghiệp, dùng hết tiền để đóng tiền học, đầu tư và trả nợ bố

22-03-2019 - 11:45 AM | Tài chính quốc tế

Beau Jessup có được cảm hứng để bắt tay vào kinh doanh từ năm 2015, khi chỉ mới 15 tuổi. 6 tháng sau đó, cô bé đã đặt tên cho 200 nghìn em bé và thu về hơn 60 nghìn USD, hiện tại doanh thu là khoảng hơn 400 nghìn USD.

Beau Jessup là một cô bé tuổi "teen" người Anh bình thường như những người bạn đồng trang lứa khác, nhưng chỉ ngoại trừ một điều. Đó là cô bé đã kiếm được hàng trăm nghìn USD và khoản tiền đó đã "sẵn sàng" để chi trả cho quãng đường đại học, nhờ công việc đặt tên cho các em bé Trung Quốc.

Jessup, 19 tuổi, hiện là nhà sáng lập và CEO của Special Name, một trang web được tạo ra với mục đích cung cấp dịch vụ đặt tên con cho các bậc phụ huynh người Trung Quốc, đây là những cái tên tiếng Anh nhưng vẫn phù hợp với văn hoá của đất nước họ. Cô bé có được cảm hứng để bắt tay vào kinh doanh từ năm 2015, khi chỉ mới 15 tuổi. 6 tháng sau đó, cô bé đã đặt tên cho 200 nghìn em bé và thu về hơn 60 nghìn USD. Kể từ đó đến nay, tổng cộng có tới 677.900 cái tên (thậm chí còn nhiều hơn nữa), doanh thu ước tính sẽ rơi vào khoảng hơn 400 nghìn USD.

Ý tưởng đến rất tình cờ

Vào thời điểm đó, Jessup đang du lịch tới Trung Quốc cùng bố, một trong những đối tác kinh doanh của ông - Wang, nhờ hai cha con giúp đặt tên cho cô con gái 3 tuổi của cô. Jessup chia sẻ: "Em cảm thấy rất vinh dự và bất ngờ. Đó có vẻ là một việc thực sự quan trọng."

Mong muốn chọn một cái tên "phù hợp", nên Jessup đã nói Wang chia sẻ thêm về những kỳ vọng đối với cô con gái. Wang cho biết, cô muốn mọi người bất ngờ bởi những gì bé gái có thể gặt hái. Vì vậy, sau khi suy nghĩ rất cẩn thận, Jessup đã gợi ý cái tên "Eliza", lấy cảm hứng từ một nữ anh hùng trong truyện "My Fair Lady" - Eliza Doolittle. Sau đó, Wang rất vui mừng và tiếp tục giải thích về sự đặc biệt khi một người Trung Quốc lại có tên tiếng Anh.

Ở Trung Quốc, tất cả các em bé được đặt tên với hai đến ba ký tự, ý nghĩa được chọn lựa và suy nghĩ cực kỳ cẩn thận. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc nhận thấy việc có một cái tên như phương Tây sẽ dễ dàng giao tiếp với những người nói tiếng Anh hơn.

Đặt tên cho các em bé Trung Quốc, doanh nhân tuổi teen người Anh kiếm được hơn 400 nghìn USD sau 4 năm khởi nghiệp, dùng hết tiền để đóng tiền học, đầu tư và trả nợ bố - Ảnh 1.

Doanh nhân trẻ Beau Jessup.

Theo truyền thống, những cái tên như vậy sẽ được giáo viên đặt cho các bé. Tuy nhiên, do rào cản ngôn ngữ và sự kiểm duyệt internet gắt gao ở Trung Quốc, việc tìm kiếm về tên tiếng Anh lại khá hạn chế, vậy nên đôi khi có những cái tên "dở khóc dở cười", Jessup nói. Trong chương trình Ted Talk hồi năm 2017, cô bé còn chỉ ra một số ví dụ hài hước như: Rolex Wang hay Gandalf Wu.

2015 là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc. Đến năm 2016, tỷ lệ sinh của quốc gia này đã tăng lên 7,9% lên 17,86 triệu người, theo Uỷ ban Sức khoẻ và Kế hoạch hoá Gia đình Quốc gia.

Doanh nhân 19 tuổi cho biết: "Em nhận ra rằng nếu cô Wang cần đến dịch vụ này, thì có thể các bậc phụ huynh khác cũng vậy. Em nghĩ việc này có thể đem lại lợi nhuận khi giúp họ."

Và thế là, Special Name đã ra đời.

Vay tiền bố để khởi nghiệp và kiếm bộn tiền

Để đưa ý tưởng của mình phát triển rộng rãi, Jessup quyết định ra mắt một trang web bằng tiếng Trung có thể hiển thị quy trình lựa chọn của cô bé cho nhiều người cũng một lúc. Vì vậy, khi trở về Anh để bắt đầu khoá học A-levels, cô bé đã vay 1.500 bảng Anh (khoảng 1980 USD) của bố để thuê một người phát triển web với mục đích xây dựng trang web của mình. Trong khi đó, khi có thời gian rảnh, cô bé nhập vào cơ sở dữ liệu với hơn 4000 tên nam và nữ cho mỗi 5 đặc điểm mà mình cảm thấy phù hợp nhất cho cái tên đó, ví dụ như trung thực và lạc quan.

Đặt tên cho các em bé Trung Quốc, doanh nhân tuổi teen người Anh kiếm được hơn 400 nghìn USD sau 4 năm khởi nghiệp, dùng hết tiền để đóng tiền học, đầu tư và trả nợ bố - Ảnh 2.

Giao diện tiếng Anh của Special Name.

Jessup cho biết quá trình này ban đầu "rất nặng về tay chân", nhưng sau đó các thuật toán đã giúp ích rất nhiều cho việc đặt tên cho các em bé. Cô bé nói thêm: "Nhiều người hỏi rằng làm thế nào mà em có thời gian để đặt tên cho tất cả những em bé này. Cũng giống như Google có thể tìm mọi thứ về một cá nhân chỉ trong một tích tắc, em sử dụng thuật toán."

Trang web này hoạt động bằng cách yêu cầu người dùng chọn 5 trong số 12 đặc điểm mà họ mong muốn nhất ở con mình. Sau đó một thuật toán sẽ chọn 3 cái tên theo giới tính đã được chọn, phù hợp với 5 đặc điểm đó nhất. Người dùng còn được khuyến khích chia sẻ 3 gợi ý này với bạn bè và gia đình, trong đó đính kèm một liên kết trực tiếp đến WeChat, để giúp họ đưa ra cái tên phù hợp nhất và có thể tránh được những sai lệch về văn hoá. Tưởng chừng phức tạp nhưng quá trình trên chỉ mất khoảng 3 phút.

Jessup chia sẻ: "Em đưa ra 3 cái tên phù hợp với các tiêu chí mà phụ huynh đã lựa chọn và em khuyến khích họ tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân để đưa ra quyết định."

Lúc đầu, dịch vụ này là hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, sau khi đặt tên cho 162 nghìn em bé, thì Jessup bắt đầu tính phí với 60 pence (79 xu). Ở thời điểm này, trang web đã đặt tên cho 677.929 em bé. Theo ước tính của CNBC, thì con số trên đã mang về mức doanh thu là 309.557,40 bảng Anh (khoảng 407.443 USD).

Đặt tên cho các em bé Trung Quốc, doanh nhân tuổi teen người Anh kiếm được hơn 400 nghìn USD sau 4 năm khởi nghiệp, dùng hết tiền để đóng tiền học, đầu tư và trả nợ bố - Ảnh 3.

Special Name còn có đường link trực tiếp đến WeChat, rất tiện lợi cho các khách hàng Trung Quốc.

Trong một buổi phỏng vấn với trang tin news.com.au, cô bé 19 tuổi cho biết khoản tiền kiếm được từ dịch vụ này đều được dùng để chi trả cho các chi phí học đại học của cô, đầu tư và trả khoản nợ có lãi suất đã từng vay bố.

Trang web phần lớn là hoạt động độc lập, chỉ có một nhóm nhỏ ở Trung Quốc đóng vai trò quản lý các hoạt động kỹ thuật. Jessup nói: "Em vẫn cập nhật cơ sở dữ liệu mỗi tháng, nhưng hoạt động kinh doanh là hoàn toàn tự động nên em có thể tập trung vào việc học", cô bé hiện đang là sinh viên ngành Nhân chủng học của Trường Kinh tế London.

Chia sẻ thêm, cô bé cho biết mình đang thảo luận với một công ty "có cùng tầm nhìn về Special Name" và mong muốn sẽ mua lại trang web. Trong khi đó, Jessup dự định sẽ sử dụng những kinh nghiệm này cho nhiều kế hoạch kinh doanh trong tương lai: "Em hy vọng sẽ áp dụng những gì mình đã học được từ Special Name để có thể tăng giá trị cho những hoạt động kinh doanh khác."

Hương Giang

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên