Đất ven biển Tam Thanh: Sốt thật hay sốt ảo?
Mảnh đất nào cũng được rao là ở “đất vàng Tam Thanh”, thậm chí có mảnh còn được mô tả là “ở ngay cạnh Khách sạn Sheraton”.
- 02-08-2017"Đột nhập" tâm chấn cơn sốt đất xung quanh sân bay Long Thành, chóng mặt với ma trận giá
- 28-07-2017Củ Chi, Cần Giờ: Xây không phép nóng như sốt đất nền
- 22-07-2017Cẩn trọng trước cơn sốt đất quanh Bình Hưng Hòa
Tăng giá liên tục
Theo khảo sát của chúng tôi, kể từ đầu năm 2017 giá đất khu vực ven biển Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) tăng khá mạnh, đặc biệt là từ sau tháng 6/2017, khi nơi đây trở thành một trong những địa điểm tổ chức Festival Di sản Quảng Nam.
Cơn sốt đất bùng phát mạnh theo tin đồn có một số đại gia bỏ hàng chục tỉ đồng mua gom đất ven biển Tam Thanh. Các đại gia “bí ẩn” này mua đất rất nhiều, từ đất hoang ven biển đến đất thổ cư của người dân. Có một chủ nhà hàng tại địa phương mua hàng chục ha đất biển đang bỏ hoang để kinh doanh, với giá 300 ngàn đồng/m2. Tính sơ sơ riêng đại gia này cũng bỏ ra 10 tỉ đồng .
Nghe vậy hàng chục hộ dân ở đây cũng rao bán đất “khai hoang’ của nhà mình với giá 500 ngàn đồng/m2 mặc dù hiện địa phương chưa có chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Các “đại gia tin đồn” từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An cứ thay nhau xuất hiện khiến vùng đất hoang ven biển này liên tục sốt giá, còn người dân địa phương thì “sốt ruột” trở thành tỉ phú.
Qua trao đổi với người dân địa phương ở thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh), nổi tiếng với tên gọi “Làng Bích họa Tam Thanh”, chúng tôi được biết giá đất ở khu vực này cách đây một năm chỉ từ 2-3 triệu đồng/m2 nhưng hiện nay đã lên tới 7-8 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Thậm chí có hộ dân còn rao bán giá đất tới 10-12 triệu đồng/m2. Giá đất tăng do tin đồn khu vực này sẽ trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh Quảng Nam với nhiều dự án khách sạn và resort được đầu tư.
Tuy vậy quan sát một vòng quanh vùng chúng tôi không thấy có khách sạn hay nhà hàng nào mới được xây dựng. Làng Bích Họa vẫn chỉ gồm chủ yếu là những nhà dân đơn sơ, người dân sinh sống bằng nghề chài lưới và gần đây có một số dịch vụ bán đồ ăn, nước uống phục vụ giới trẻ ghé qua “chụp hình” chứ không có khách lưu trú. Còn ở khu vực bãi biển Tam Thanh người đến tắm biển hầu hết là người dân địa phương, khách du lịch rất ít.
Các chiêu trò thổi giá
Anh T.A, làm nghề kinh doanh tự do tại Đà Nẵng, đang tìm mua đất đầu tư cho biết, anh đã chú ý đến khu vực biển Tam Thanh qua một chuyến du lịch với gia đình .
Phong cảnh đẹp và cơ sở hạ tầng đang phát triển, kết nối tốt với sân bay Chu Lai và các điểm du lịch quanh vùng như Hội An, Đà Nẵng là căn cứ để anh đánh giá một cơ hội đầu tư tốt.
Tuy nhiên, theo anh giá đất quá cao hiện nay ở đây chưa thuyết phục được những nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc những người mua có nhu cầu thực.
Khảo sát trên các trang mạng cho thấy, lượng tin rao bán đất ở xã Tam Thanh chỉ có rất ít, trong khi thông tin về các mảnh đất này đều ở “trên trời”. Mảnh đất nào cũng được rao là ở “đất vàng Tam Thanh”, thậm chí có mảnh còn được mô tả là “ở ngay cạnh Khách sạn Sheraton”.
Tìm đến địa chỉ của một mảnh đất 150m2 được rao bán với giá 1,5 tỉ đồng và hỏi thông tin của người dân xung quanh, chúng tôi được biết cách đây hai năm mảnh đất này có giá khoảng 250 triệu đồng. Khi gọi điện tới số điện thoại cho trên mạng của “cò”, chúng tôi mới biết giá đó là của một lô đất khác nhưng được đăng “nhầm”, còn lô đất đó “nếu anh chị có thiện chí mua luôn thì em sẽ nói chủ bán với giá 800 triệu đồng”.
Các lô đất trồng cây lâu năm ven biển Tam Thanh được căng dây là của một nữ đại gia đã mua. Ảnh: V.T
Trong vai khách hàng, chúng tôi gặp một “cò đất” tên L.A, tự giới thiệu là đầu mối nắm hết các lô đất đẹp trên địa bàn. Sau khi “nổ” vung trời về tiềm năng du lịch của Tam Thanh và số lượng nhà đầu tư từ Hà Nội và Sài Gòn về đây mua đất, L.A dẫn chúng tôi đi xem một vài lô đất “rất đẹp”, diện tích dao động từ 200m2 để xây khách sạn mini cho tới cả héc-ta đủ để xây resort.
Tỏ ra ưng một lô đất rộng 400m2 và được báo giá 10 triệu đồng/m2 , chúng tôi thắc mắc giá này căn cứ vào đâu thì L.A nói gần đây đã có khách từ Hà Nội vào trả giá 9 triệu đồng/m2 nhưng chủ nhà nhất định không bán, phải trả cao hơn mới chịu.
L.A. còn cho biết gần đây khách hàng từ Hà Nội và TP.HCM vào đây xem đất “nườm nượp”, giao dịch mạnh và khách “xuống tiền” rất nhanh. Riêng trong tháng vừa rồi L.A đã môi giới thành công cho gần chục nền đất thổ cư với giá trung bình 8 triệu đồng/m2.
Nhưng khi tới văn phòng đăng ký đất đai của TP. Tam Kỳ, chúng tôi được biết khu vực này chỉ lác đác có giao dịch được đăng ký sang tên. Như vậy việc giao dịch chỉ bằng giấy viết tay là chính và chưa được làm thủ tục theo qui định của pháp luật.
Thực tế có một số cá nhân ở địa phương đã bỏ tiền ra “đặt cọc” mua đất của người dân để chờ bán lại với giá cao, chứ giao dịch thực là rất ít. Hơn nữa, với khung giá đất do nhà nước quy định chỉ vài trăm ngàn đồng một m2 đất ở nông thôn tại khu vực này, người mua sẽ phải chịu rủi ro rất cao nếu bị “dính” quy hoạch.
Thận trọng khi đầu tư
Nói chuyện với chúng tôi, bà P.L, một chuyên gia bất động sản tại TP Tam Kỳ nhận định hiện tượng bất động sản sốt nóng tại khu ven biển Tam Thanh là chưa từng có ở địa phương từ trước tới nay. Không lâu trước đây đất ở khu vực này ở mức “rẻ như cho”.
Bà cũng cho biết khách hàng tới khu vực này chủ yếu là tìm hiểu và thăm dò cơ hội đầu tư là chính, ít thấy trường hợp nào đặt vấn đề mua ngay. Việc tăng giá sốt nóng gần đây có thể chủ yếu là do yếu tố cảm tính cộng với sự “sốt ruột” của người dân địa phương và các chiêu trò “thổi giá” của cò đất.
Không loại trừ khả năng các cò đất đã trót ôm đất ở địa phương nay tạo tin đồn sốt ảo để đẩy hàng đi. Khi giá đất sốt nóng thì cũng trở thành hòn than trong tay nhà đầu tư, phải tìm cách đẩy đi thật nhanh để tránh bị “bỏng tay”. Vì vậy người mua nhà và nhà đầu tư nên giữ tâm lý bình tĩnh, lựa chọn những khu vực có thông tin quy hoạch thật rõ ràng để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Trước đó, trả lời VietNamNet, chính quyền địa phương khẳng định chuyện một nữ đại gia mua gom đất của người dân tại địa bàn là có. Nhưng họ chỉ giao dịch với nhau bằng giấy viết tay chứ chưa được làm thủ tục theo qui định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ: “Do hạ tầng được kết nối, cùng với các dự án du lịch được đầu tư đồng bộ nên giá đất tại khu vực ven biển Tam Thanh tăng cao”.
Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ cho biết: “Tất cả các giao dịch về đất đai hiện tại ở địa phương đều đứng tên người Việt, chưa xuất hiện tình trạng mua bán trao đổi với người nước ngoài. Có một số trường hợp mua bán đất nhưng chưa thông qua chính quyền địa phương, lãnh đạo xã Tam Thanh đang cho xác minh để xử lý”.
Ông Đổ Xuân Diện, Trưởng Ban Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, hiện Khu kinh tế mở Chu Lai đang điều chỉnh địa giới hành chính vùng ven biển Quảng Nam qua 4 huyện thị Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình và Duy Xuyên.
“Tổng quĩ đất khu vực ven biển hiện có khoản 15.000 ha đang được qui hoạch chi tiết để phát triển kinh tế du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Quĩ đất khu vực ven biển đang quản lý và đã giao cho chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ , đồng thời đang tạm dừng xem xét cấp đất tại khu vực ven biển dưới mọi hình thức", ông Diện nói.
Vietnamnet