Đặt xe công nghệ ngày càng khó
Giá xăng leo thang không ngừng và quãng đường đón khách quá xa trong khi tỉ lệ chiết khấu giữa hãng xe với đối tác không cân xứng khiến nhiều tài xế bỏ nghề.
- 26-05-2022Tài xế xe công nghệ tính bỏ việc, hàng hóa tăng giá khi xăng dầu liên tiếp lập 'đỉnh'
- 22-05-2022Công ty công nghệ hé lộ giá thay pin xe điện: Cơn ác mộng với người dùng
- 27-04-2022Siêu xe điện Trung Quốc trang bị công nghệ tự lái lộ diện, "no" pin đi 1.100 km
Bà Trương Thúy Minh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) kể trước đây bà đặt xe công nghệ khá dễ dàng, chỉ chờ vài phút là có xe, nên rất hài lòng với dịch vụ này. Khoảng hơn 1 tháng nay, mỗi lần đặt xe, bà phải chờ 15-20 phút mới có tài xế tới đón, thậm chí, nhiều khi còn không thể đặt được xe. "Giá cước dịch vụ đặt xe tăng gần gấp đôi so với trước nhưng ngày càng khó đặt xe" - bà Minh than.
Chị Hoài Dương (ngụ quận 4, TP HCM) cũng phản ánh thời gian gần đây rất khó đặt xe công nghệ. "Có hôm cần ra sân bay gấp, tôi mở cả 3 ứng dụng gọi xe là Grab, Gojek rồi Be và đặt lệnh cùng lúc nhưng nửa giờ trôi qua vẫn không có tài xế nhận cuốc hoặc nhận rồi hủy" - chị Dương ngao ngán.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh H.T - tài xế chạy GrabBike - cho hay do giá xăng tăng cao trong khi hãng thường mặc định cho tài xế nhận những cuốc xe phải đón khách ở quá xa khiến tài xế rơi vào tình trạng phải "lấy công làm lời". "Sau khi trừ khoản chiết khấu cho hãng xe, chi phí đổ xăng và ăn uống hằng ngày, hầu như chúng tôi chẳng còn dư dả bao nhiêu để phụ giúp gia đình. Nhiều tài xế đã bỏ chạy xe để làm nghề khác" - anh H.T cho hay.
Ông Trương Văn Thanh, tài xế một hãng xe công nghệ, cũng nói do giá xăng tăng quá cao nên thu nhập giảm không phanh. "Mỗi ngày thu được khoảng 400.000 đồng thì đã ngốn cho tiền xăng 180.000 đồng - nhiều gấp đôi so với thời điểm giá xăng chưa tăng cao, ăn uống tiết kiệm nhất cũng mất khoảng 50.000 đồng, chưa kể xe hư hỏng, trời mưa gió không di chuyển thuận lợi được..." - ông Thanh buồn bã.
Trong khi đó, về phía hãng xe, dường như chưa có động thái hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với tài xế cũng như khách hàng. "Hãng vẫn giữ mức chiết khấu quá cao, tới 30%, tôi không thể nuôi sống gia đình được nếu vẫn bám trụ với công việc này" - một tài xế công nghệ nói.
Anh Trần Văn Toàn, tài xế BeCar, cho hay anh đang tính chuyện nghỉ chạy xe bởi giá xăng dầu tăng cao nhưng hãng xe không có bất cứ hỗ trợ nào với tài xế. Trong khi đó, tài xế GrabCar Bùi Thanh Duy cho hay với thu nhập hiện tại, anh không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng để mua xe. Cũng như anh, nhiều tài xế bị ngân hàng xiết nợ, lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.
Hãng xe nói có hỗ trợ?
Grab cho biết để hỗ trợ đối tác tài xế kịp thời khi giá xăng tăng cao, hãng đã và đang triển khai một số chương trình thưởng. Ngoài ra, Grab cũng triển khai các chương trình khuyến mãi để người dùng sử dụng dịch vụ tiện lợi và tiết kiệm hơn, từ đó giúp đối tác tài xế có thêm chuyến xe, đơn hàng.
Còn đại diện ứng dụng Be giải thích trong giai đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, có thời điểm số chuyến đi tăng cao nên khách sẽ gặp đôi chút khó khăn trong việc tìm tài xế. Để hỗ trợ bác tài, Be luôn bổ sung, nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập cũng như các chế độ phúc lợi khác, đồng thời mở rộng phát triển các dịch vụ khác như: giao hàng, giao đồ ăn để tài xế kiếm thêm thu nhập.
Theo đại diện Gojek, nhu cầu đi lại và đặt đồ ăn trực tuyến của người dùng từ sau Tết âm lịch đến nay liên tục tăng. Nhu cầu của khách hàng tăng cao đột biến vào một số khung giờ nhất định dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu cục bộ. Do vậy, hãng này khuyến cáo người dùng nếu thu xếp được thời gian, có thể gọi xe vào trước hoặc sau những khung giờ cao điểm để tránh trường hợp nguồn cung tài xế không đáp ứng kịp nhu cầu.
Người lao động