MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau âm ỉ vùng xương ức, bệnh nhân tưởng mắc ung thư, hoá ra thủ phạm là "sự cố" trong bữa ăn

06-04-2021 - 13:26 PM | Sống

Do gia đình bệnh nhân có mẹ bị ung thư thực quản, bố lại đang điều trị ung thư dạ dày nên bệnh nhân đã rất lo lắng sợ mắc ung thư.

Bệnh nhân N.T.X, 53 tuổi, ở Hưng Yên, xuất hiện đau vùng dưới xương ức ngày thứ 2, đi khám vì lo lắng mắc bệnh ung thư.

Theo bệnh nhân X, 2 ngày gần đây anh bị đau vùng mũi ức, đau âm ỉ liên tục, đau đâm xuyên ra sau lưng, đau tăng khi thay đổi tư thế, nhưng không xuất hiện bất thường khác như khó thở, sốt, nôn. Ngoài ra, X cũng đại tiểu tiện bình thường.

Khi đến khám, bệnh nhân khỏe, tỉnh, huyết áp, nhiệt độ và tim phổi bình thường. Kết quả siêu âm tim cho thấy không có bất thường, chụp X-quang tim phổi có gai xương thoái hóa đốt sống ngực.

Khi nội soi thực quản - dạ dày, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm dạ dày. Đặc biệt, tại thực quản của bệnh nhân (đoạn 1/3 ở giữa) có xương cá sắc nhọn mắc ngang, chiều dài xương khoảng 3 cm. Ngay lúc đó, bác sĩ nội soi đã nhanh chóng lấy dị vật thực quản (xương cá) ra ngoài.

Đau âm ỉ vùng xương ức, bệnh nhân tưởng mắc ung thư, hoá ra thủ phạm là sự cố trong bữa ăn - Ảnh 1.

Xương cá được gắp ra từ trong thực quản bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

BS Lê Văn Khoa, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 2, người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân, cho biết trong quá trình nội soi, khi đưa máy đến 1/3 giữa thực quản, bác sĩ đã thấy dị vật mắc ngang. Lúc đó, bác sĩ đã dùng kìm chuyên dụng để gắp dị vật. Ngay sau đó, bệnh nhân được kê đơn điều trị nội khoa.

Sau 3 ngày gắp dị vật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không còn tình trạng đau tức, ăn uống và sinh hoạt bình thường.

Theo BS Khoa, trong trường hợp bệnh nhân X, dị vật là xương cá sắc và nhọn. Trong quá trình gắp nếu không đúng kỹ thuật sẽ gây rách, chảy máu vết thương, đồng thời xương cá không thể ra được. Dị vật đường tiêu hoá nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây u hạt, áp xe, gây tắc môn vị và hành tá tràng.

Để tránh biến chứng nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân, chuyên khoa tiêu hóa khuyến cáo người dân cần đi khám ngay nếu xuất xuất hiện một số những dấu hiệu bất thường như sau:

- Có cảm giác nuốt vướng, đau khi nuốt.

-  Không ăn, uống được.

- Xuất hiện triệu chứng nôn hoặc buồn nôn khi ăn uống.

- Khó thở, tức ngực, đau rát sau xương ức.

BS Khoa cho biết, khoảng 80-90% các dị vật vào dạ dày, đại tràng tự thoát ra khỏi đường tiêu hóa, tuy nhiên, có 10-20% cần can thiệp qua phẫu thuật hoặc lấy dị vật.

Dị vật thực quản là một cấp cứu rất thường gặp khi ăn uống. Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi, trẻ lớn. Nếu không được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, bệnh có thể gây đau xương ức, đau xuyên ra sau lưng, lan lên bả vai, nghiêm trọng hơn là gây áp xe thực quản, thủng thành thực quản, thủng mạch máu lớn...

Dị vật đường tiêu hóa xảy ra do các nguyên nhân như:

- Người bệnh nuốt vội khối thức ăn có lẫn dị vật, xương bên trong.

- Vừa ăn vừa nói chuyện, không nhai kỹ.

- Bệnh nhân già yếu không có khả năng hoặc mất răng để cắn, xé thức ăn dẫn đến cố nuốt khối thức ăn dai, gân, da, xương... 

- Do vội vàng khi uống thuốc không bỏ vỏ có cạnh sắc nhọn.

- Do thói quen ngậm tăm sau khi ăn, khi đi ngủ, sau đó nuốt vào.

- Các bệnh lý vùng thực quản như hẹp thực quản, co thắt thực quản, các viêm nhiễm tạo thành sẹo loét thực quản, hẹp tâm vị, hẹp môn vị, hẹp hành tá tràng tạo nguy cơ cản trở thức ăn.

- Một số bệnh lý lân cận chèn ép gây hẹp thực quản, như u trung thất.

Vì vậy, để phòng ngừa hóc dị vật, người dân mọi lứa tuổi nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa mắc bệnh như sau:

-  Ăn: Nhai kỹ, uống từ từ, không cười đùa khi ăn.

- Thức ăn: Nếu gia đình có người già và trẻ em, cần loại bỏ xương trước khi ăn.

- Thói quen: Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, nếu là trẻ nhỏ, cần bỏ thói quen ngậm hột, hạt, đồ chơi.

- Bệnh nhân già yếu không có khả năng cắn xé thức ăn nên dùng răng giả.

Lưu ý, nếu không may bị hóc dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

Theo Ngọc Minh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên