MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu ấn của Tân Thủ tướng sau 2 quyết định nhanh chóng

Chưa bao giờ người dân và doanh nghiệp lại cảm thấy môi trường kinh doanh bất ổn và thiếu an toàn như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ, niềm tin và kỳ vọng dành cho Tân Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ mới lại lớn đến như vậy.

Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ mới, gồm 2 Phó Thủ tướng và hơn 20 Tư lệnh ngành đã chính thức ra mắt trước Quốc hội, cử tri cả nước vào giữa tháng 4 vừa qua. Để các thành viên mới sớm bắt nhịp với công việc và đi vào hoạt động hiệu quả, sẽ không phải dễ dàng gì trong một sớm một chiều.

Còn nhớ, trong bài phát biểu của một vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đã như nói lên tâm sự, tiếng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, cử tri chán lắm rồi những câu nói hô hào, khẩu hiệu theo kiểu "tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao", mà cần hơn là những hành động thiết thực.

Mong chờ hành động thiết thực

Mong chờ những hành động thiết thực hơn, từ những lãnh đạo cấp cao nhất cho đến các cấp dưới, với những việc làm thể hiện sự gần gũi với người dân, doanh nghiệp, vừa giúp ích và tháo gỡ khó khăn hiện nay, như thèm một cơn mưa giữ nắng hạn khô cằn.

Và dường như, sự mong mỏi ấy đã được phần nào đền đáp bằng chính quyết định đầu tiên, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định sẽ có một cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, chỉ hơn hai tuần sau khi nhậm chức ngay tại Dinh Thống Nhất (TPHCM) vào trước ngày Lễ kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước 30/4.

Sự kiện gặp gỡ giữa người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, được bắt đầu từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - những năm mà Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh đổi mới 1991 - 1997. Những cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, được các Thủ tướng kế nhiệm là ông Phan Văn Khải và ông Nguyễn Tấn Dũng, tiếp tục duy trì.

Những cuộc đối thoại giữa người đứng đầu Chỉnh phủ với doanh nghiệp, luôn để lại những dấu ấn sâu sắc. Kể lại một kỷ niệm đáng nhớ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ trong một lần gặp gỡ với DN của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi nghe chuyện nộp nộp thuế khó khăn, nguyên Thủ tướng đã phải thốt lên rằng: Đến nộp thuế mà doanh nghiệp cũng vất vả như vậy, thì còn làm ăn gì được đây?

Đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, luôn cố gắng tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, trong quá trình thực thi ở các cấp, ngành thì vẫn còn nhiều hạn chế. khi đưa ra những điều kiện kinh doanh với hàng nghìn giấy phép con, nhũng nhiễu trong thủ tục hành chính, nạn bôi trơn, tham nhũng vặt... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh của doanh nghệp

Theo ông Vũ Tiến Lộc, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đã được các nhiệm kỳ Thủ tướng hiểu hơn từ chính những cuộc đối thoại, và cùng đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ những nút thắt ấy. Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh ra đời, như một kim chỉ nam cho mọi hành động để đẩy mạnh tháo gỡ những nút thắt trong môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Do đó, việc Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay khi nhậm chức đã đồng ý sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghệp, đã cho thấy quan điểm, tư tưởng của người đứng đầu Chính phủ, sẽ lắng nghe và cùng người dân, doanh nghiệp tháo gỡ mọi khó khăn. Theo ông Vũ Tiến Lộc, quyết định đầu tiên của Thủ tướng, đã nhận được sự hưởng ứng và quan tâm của doanh nghiệp. Cho đến nay, có rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp và hiệp hội gửi về VCCI để kiến nghị lên Thủ tướng.

Và giữa lúc người dân, đặc biệt là doanh nghiệp đang rất hồ hởi mong đợi được trực tiếp đối thoại với người đứng đầu Chính phủ, thì những tiếng kêu cứu từ một người kinh doanh dịch vụ thực phẩm - ông Lê Văn Tấn - Chủ quán Xin Chào vì chậm đăng ký kinh doanh tại TPHCM, đã đặt ra không ít câu hỏi.

Người dân doanh nghiệp sẽ được an toàn?

Tại sao một người bán phở bình thường có thể bị kết án tù chỉ vì chậm đăng ký kinh doanh? Liệu có phải, môi trường kinh doanh đang có quá nhiều bất ổn, rủi ro, khi những luật lệ của cấp dưới, những sách nhiễu, có thể giăng bẫy người dân và doanh nghiệp bất cứ lúc nào? Và giữa lúc vụ việc được đẩy lên căng thẳng nhất, khi một lãnh đạo của địa phương nói đây chỉ là chuyện "bé như móng tay", Thủ tướng đã có quyết định: Dừng xử lý hình sự vụ việc này.

Những việc của địa phương, câu chuyện đơn thuần của một người bán phở, không phải việc nào cũng cần đến Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo. Song có lẽ, chuyện người dân bị o ép, thậm chí gặp rủi ro khi kinh doanh, thì tiếng nói của Thủ tướng thực sự là cần thiết.

Quyết định dừng hình sự hóa, một vụ việc tưởng chừng nhỏ nhưng theo Chủ tịch VCCI là không nhỏ, được Thủ tướng đưa ra là quyết định rất lớn. Hành động thứ hai trên cương vị Tân Thủ tướng như "tháo" ngòi nổ cho vụ việc này, cũng như là một sự cảnh báo cho những cản trở phi lý hiện nay trong môi trường kinh doanh.

"Hành động của Thủ tướng đã phát đi thông điệp về sự an toàn của môi trường kinh doanh rằng, Chính phủ sẽ bảo vệ doanh nghiệp và người dân. Bởi hiện doanh nghiệp và người dân, không chỉ có sự trở ngại, mà đang phải sống trong môi trường kém an toàn" - Chủ tịch VCCI nói.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên