Dấu ấn cựu Thủ tướng Anh David Cameron
Kết thúc 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, dù Brexit là sự kiện rất đáng quên, ông David Cameron đã để lại nhiều dấu ấn trên chính trường.
- 13-07-2016Rời dinh thủ tướng, ông Cameron trở lại làm dân thường
- 26-06-2016Tác động của ông David Cameron tới Brexit
- 24-06-2016Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Anh David Cameron
Là con trai của một nhà môi giới chứng khoán, cựu Thủ tướng Anh David Cameron sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu. Những ngôi trường mà ông từng theo học như Eton hay sau đó là Oxford (nơi ông học chính trị và kinh tế) đều là những trường top đầu và trang bị cho ông đầy đủ kiến thức để vững bước trên con đường chính trị.
Sau khi tốt nghiệp, ông đến Ban nghiên cứu của đảng Bảo thủ, làm việc cho John Major từ năm 1988 đến năm 1993 và sau đó trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của đảng này.
Cameron lần đầu chạy đua vào Nghị viện năm 1997 nhưng phải đến năm 2001 ông mới thành công. Dù khởi đầu ở vị trí thấp, ông đã nhanh chóng thăng tiến và đến năm 2004 đã gia nhập vào nhóm nội các bóng tối (shadow cabinet – chỉ những thành viên lãnh đạo hay những người ngồi ghế hàng đầu trong nghị viện).
Chiến dịch tranh cử của Cameron khởi đầu khá chậm chạp khi ông chỉ xếp thứ 4 trong danh sách đặt cược của nhà cái. Tuy nhiên, đến năm 2005, Cameron nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ sau bài phát biểu gây ấn tượng mạnh mẽ vì ông không cần đến cầm giấy khi phát biểu. Ông được các cử tri của đảng Bảo thủ coi là “người kế nhiệm Blair”.
Người ta thường nhìn thấy Cameron đạp xe hay chạy bộ tới chỗ làm. Hình ảnh của ông càng được đánh bóng khi ông sử dụng xe trượt tuyết được kéo bởi những con chó husky ở Bắc cực để nhấn mạnh vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Trong nhiệm kỳ của mình, Cameron đã đưa ra đạo luật về kết hôn đồng giới và giành được sự ủng hộ cho các hành động quân sự chống lại chế độ độc tài Gaddafi ở Libya. Tuy nhiên, ông là vị Thủ tướng đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ thua cuộc trong một cuộc bỏ phiếu về chính sách ngoại giao khi ông kêu gọi tấn công Syria.
Ông gặp nhiều khó khăn khi tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên cuối cùng thì ông đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm ngoái và thành lập được Chính phủ toàn đảng Bảo thủ đầu tiên kể từ năm 1992.
Lời hứa về một cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU là một canh bạc mà ông đã thua mặc dù Cameron nhận được sự hậu thuẫn của nhiều lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Chỉ vài giờ sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Cameron tuyên bố từ chức. Đáng lẽ chiếc ghế Thủ tướng còn bỏ trống cho đến tháng 9 nhưng chiến thắng bất ngờ chóng vánh của Theresa May đã khiến Cameron và gia đình ông phải đóng gói đồ đạc và rời khỏi số 10 Downing chỉ trong 48 giờ đồng hồ.
Hôm qua David Cameron vừa tham dự cuộc họp nội các cuối cùng.