Dấu ấn đặc biệt sau những chuyến xuất hàng ngoại đầu tiên của xi măng Tân Thắng
Những chuyến hàng đầu tiên của xi măng Tân Thắng xuất khẩu ra thế giới là một điểm sáng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài khiến nhu cầu xây dựng toàn thế giới chậm lại, kéo theo sự sa sút của ngành xi măng.
Điểm sáng xuất khẩu xi măng bối cảnh dịch Covid-19
Những ngày tháng 9 và tháng 10, bên trong nhà máy xi măng Tân Thắng tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, các dây chuyền vận hành ngày đêm, lô xi măng PC50 đáp ứng cao tiêu chuẩn CEM I 52.5N đã sẵn sàng cho chuyến "xuất ngoại" đầu tiên, với điểm đến là thị trường Trung Quốc.
Cách đó không xa, một lô hàng khác mang thương hiệu xi măng Tân Thắng đang chuẩn bị cập bến một thị trường khó tính hơn là Mỹ. Điểm đặc biệt của chuyến hàng này, đó là 25.000 tấn xi măng bền sulfate, đây là một trong những loại xi măng cao cấp nhất, khó sản xuất nhất, với chất lượng đầu ra đáp ứng cao tiêu chuẩn ASTM C150 (Type II, Type V).
So với xi măng thường, xi măng bền sulfate có ưu điểm hơn nhờ được phát triển cường độ cao, giúp rút ngắn thời gian thi công, đồng thời có khả năng chống lại sự ăn mòn. Đây là loại xi măng chuyên sử dụng trong các công trình công nghệ cao, chẳng hạn như công trình dưới biển, hải đảo... Vì yêu cầu kỹ thuật cao nên không phải nhà máy nào của Việt Nam cũng có thể sản xuất loại xi măng này.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Toàn bộ dây chuyền vận hành của nhà máy xi măng Tân Thắng đều được trang bị các công nghệ hàng đầu thế giới. Từ cào rải đá vôi của Bedeschi (Italia); Lò nung hai bệ của FLSmidth (Đan Mạch); Nghiền xi của Loesche (Đức), Đóng bao của Haver & Boecker (Đức); Hệ thống điện của ABB (Thụy Sỹ),…
Với 3 khu vực sản xuất bao gồm khu vực nguyên liệu, khu vực sản xuất bán thành phẩm clinker, khu vực sản xuất thành phẩm xi măng, các sản phẩm xi măng Tân Thắng đều đáp ứng tốt tiêu chuẩn kỹ thuật ASTM của Mỹ và tiêu chuẩn EN của châu Âu.
Từ phòng điều khiển trung tâm, nơi được coi là trái tim của nhà máy, anh Nguyễn Xuân Hùng, phó phòng công nghệ chỉ về phía ống khói nhà máy và nói "Nếu nhìn bằng mắt thường, sẽ chẳng thể thấy được có khói hay bụi bay ra".
Xi măng là ngành sản xuất tiêu hao năng lượng lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường. Trong hình dung của mọi người, nhà máy xi măng thường gắn liền với nồng độ bụi cao, khí thải chứa Carbon oxide (CO), Carbonic (CO2) ảnh hưởng tới môi trường...
Tại nhà máy xi măng Tân Thắng, toàn bộ các vấn đề lo ngại trên đã được xử lý thông qua một hệ thống kiểm soát môi trường nghiêm ngặt. Tất cả dây chuyền sản xuất đều được đặt trong một hệ thống khép kín, bụi phát sinh được xử lý qua hệ thống lọc bụi túi kết hợp với lọc bụi tĩnh điện, các thiết bị giám sát, quan trắc môi trường. Nồng độ bụi đầu ra luôn nhỏ hơn 30 mg/Nm3, với khu vực nghiền xi nhỏ hơn 20mg/Nm3. Chỉ tiêu này đáp ứng tốt quy định hiện hành của Nhà nước là 100mg/Nm3, đảm bảo khi nhà máy đi vào sản xuất với cường độ cao thì môi trường vẫn an toàn.
Không chỉ giảm khí thải phát ra môi trường, hệ thống lọc bụi túi cho hệ thống máy nghiền than, máy nghiền xi măng có khả năng thu hồi gần như toàn bộ than và bụi mịn quay trở lại sản xuất, qua đó vừa đảm bảo nồng độ khí thải đáp ứng tiêu chuẩn, vừa tăng năng suất cho dây chuyền.
Với hệ thống điện tự động hóa ở mức độ cao cấp, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, giúp chỉ tiêu tiêu hao điện khoảng 95 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker. Đây là các chỉ tiêu tiêu hao thấp nhất trong toàn ngành xi măng hiện nay.
"Hiện tổng điện năng tiêu thụ nhà máy khoảng từ 23-25MW/h, nếu sử dụng nhiệt điện khí thải công suất phát 7MW/h sẽ tiết kiệm khoảng 30% tổng điện năng tiêu thụ", kỹ sư Hùng ước tính.
"Ống khói không có khói" trở thành điểm nhận diện riêng và là niềm tự hào của dự án xi măng "đặc biệt" này tại mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Sẵn sàng cho cuộc chơi lớn
Cuộc đua trên thị trường xi măng ngày nay không chỉ giới hạn trong các vấn đề sản xuất như công suất nhà máy, chất lượng sản phẩm mà còn đặt ra các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Toàn cảnh khu sản xuất Nhà máy Xi măng Tân Thắng
Với xi măng Tân Thắng, công ty tự tin đáp ứng đủ những tiêu chuẩn cao trong ngành, cả về chất lượng sản phẩm lẫn đảm bảo yếu tố môi trường. Nhà máy Xi măng Tân Thắng thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý bao gồm Tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001:2015 áp dụng cho các vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chất thải và giảm tiêu hao năng lượng, tăng hiệu quả của các thiết bị, máy móc... giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Trong mắt Tổng giám đốc Hoàng Anh Tuấn, vượt lên các chỉ tiêu sản xuất thông thường như doanh thu hay lợi nhuận, Xi măng Tân Thắng còn đặt cho mình một mục tiêu xa hơn nữa, đó là trở thành một đại diện "mang thương hiệu xi măng Việt Nam vươn ra khắp thế giới".