Đầu cơ, tăng giá hàng hóa ở vùng lũ bị phạt 20 - 30 triệu đồng
Dù Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá ở vùng lũ, nhưng vẫn có tình trạng số mặt hàng thiết yếu hỗ trợ người dân bị “thổi giá”.
- 21-10-2020Vietjet đổi vé miễn phí không giới hạn số lần cho khách di chuyển tới miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão, lũ
- 20-10-2020Nhiều doanh nghiệp trữ hàng thiết yếu phòng lũ ở miền Trung
- 17-10-2020Vựa rau sạch lớn nhất Đà Nẵng tan hoang sau lũ, dân mất trắng
“Tổ chức hình thành các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và bán hàng bình ổn giá tại các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá hàng hóa đột biến” - đó là những yêu cầu hết sức cụ thể đối với ngành Công Thương.
Tuy nhiên, qua phản ánh, những ngày qua một số mặt hàng thiết yếu hỗ trợ người dân vùng lũ đã bị “thổi giá” lên rất cao. Qua trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT, Bộ Công Thương khẳng định luôn theo dõi sát nguồn cung – cầu đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm (như lương thực, thực phẩm, thuốc men), không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Hành vi găm hàng Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/10/2020 quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
PV: Thưa ông, có thông tin trên thực tế những ngày vừa qua có một số mặt hàng thiết yếu để phục vụ hỗ trợ cho người dân vùng lũ đã bị thổi giá lên khá cao. Bộ Công Thương có nắm được thực tế này không và đã có biện pháp cụ thể gì để chấm dứt tình trạng này?
Ông Trần Hữu Linh: Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại một số tỉnh miền Trung trong những ngày qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng nhu cầu tăng cao từ thị trường để kiếm lời bất chính, Tổng cục QLTT đã có công văn hỏa tốc gửi Cục QLTT các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhu yếu phẩm và bảo hộ dùng trong hoạt động phòng chống thiên tai.
Trong đó, Tổng cục yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trên chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt, cập nhật diễn biến thị trường, theo dõi sát nguồn cung – cầu đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc men, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Đặc biệt, Tổng cục QLTT cũng đã yêu cầu các Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai, tăng giá thu lời bất chính đối với các loại mặt hàng bảo hộ, cứu hộ như áo phao, xuồng cao su… để các lực lượng cứu nạn, cứu hộ và người dân có đủ phương tiện xử lý kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Qua kiểm tra, nắm bắt địa bàn một số tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng những ngày qua cho thấy, tình hình thị trường nhìn chung ổn định, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… không biến động lớn. Riêng các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt, cá... tăng giá nhẹ. Một số nơi mặt hàng mì ăn liền, đồ ăn đóng hộp khan hiếm cục bộ do nhu cầu tích trữ phòng chống lũ lụt dài ngày của người tiêu dùng và tình hình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn do mưa lũ.
PV: Rõ ràng những hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá rất đáng bị lên án. Cụ thể, những hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá... sẽ bị xử lý như thế nào?
Ông Trần Hữu Linh: Các hành vi như vậy đã được quy định rất cụ thể tại các văn bản pháp luật. Cụ thể như tại Điều 31, Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/10/2020 đã nêu rất rõ các mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng.
Theo đó, tại Điều 31, Nghị định này nêu rõ, đối với hành vi đầu cơ găm hàng sẽ phạt tiền tới 5-100 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu - 1 tỷ đồng trở lên.
Đối với hành vi găm hàng, sẽ phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi như cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng; quy định niêm yết bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với các hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó. Song song với đó là các hình thức xử phạt bổ sung đi cùng như tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 điều 31. Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 32 trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Tổng cục QLTT sẽ xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng sự khan hiếm từ thị trường để trục lợi bất chính.
PV: Xin cảm ơn ông./.
VOV