Dầu cọ trở nên đắt giá nhất vì muốn không có để mua
Ảnh minh họa.
Giá dầu cọ lần đầu tiên trong lịch sử trở thành loại dầu đắt nhất trong số 4 loại dầu ăn chủ chốt, sau khi người mua đổ xô tìm kiếm các loại dầu thay thế cho dầu hướng dương bởi xuất khẩu từ khu vực Biển Đen bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Giá dầu cọ đã tăng hơn 40% trong năm nay sau ba năm tăng mạnh liên tiếp.
- 16-05-2021Nguy cơ ‘sốt’ giá sôcôla và mỹ phẩm do giá dầu cọ đã vượt 1.000 USD/tấn
- 07-01-2021Lo ngại về nguồn cung đẩy giá dầu cọ lên mức cao nhất 10 năm
- 03-12-2020Giá dầu cọ được dự báo tăng tiếp trong nửa đầu năm 2021 do thiếu cung
Biển Đen chiếm 60% sản lượng dầu hướng dương thế giới và 76% xuất khẩu loại dầu này. Dầu cọ được kỳ vọng sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt đó, nhưng nguồn cung dầu cọ cũng trở nên rất khan hiếm và sẽ còn nhiều tháng nữa mới đến giai đoạn sản lượng cao điểm.
Giá diễn biến bất thường
Giá dầu cọ thô Malaysia hôm 9/3 tăng kịch trần, 13,2%, lên 7.268 ringgit/tấn, kết thúc phiên vẫn tăng 10% lên 7.060 ringgit (1.686,98 USD)/tấn, sau khi Indonesia – nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới – quyết định tiếp tục hạn chế xuất khẩu dầu cọ, giữa bối cảnh thị trường dầu thực vật thế giới đang sục sôi bởi thiếu vắng nguồn cung dầu hướng dương từ Biển Đen. Sàn giao dịch Bursa (Malaysia) ngày 9/3 đã phải điều chỉnh biên độ giao dịch, lần 1 từ 10% lên 15%, và tạm dừng giao dịch trong một khoảng thời gian. Như vậy, trong một tuần nay, giá dầu cọ đã tăng hơn 6%, trong một tháng qua tăng gần 30%, và hiện cao hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu cọ trên Sàn Đại Liên (Trung Quốc) phiên này cũng theo đó tăng mạnh, thêm 8%, trong xu hướng tăng chung của các loại dầu thực vật khác.
Với đà tăng mạnh như vậy, giá dầu cọ lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt giá 4 loại dầu thực vật chủ chốt, với dầu cọ thô (CPO) kỳ hạn giao tháng 3 hôm 1/3 được chào bán ở mức khoảng 1.925 USD/tấn, CIF tại Ấn Độ, so với giá 1.865 USD của dầu đậu nành thô. Dầu hạt cải dầu thô cùng thời điểm được chào bán ở mức khoảng 1.900 USD, trong khi các thương nhân không chào bán dầu hướng dương thô do các cảng bị đóng cửa vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Một đại lý dầu ăn có trụ sở tại Kuala Lumpur cho biết, khách hàng châu Á vốn rất nhạy cảm với giá nên thường mua dầu cọ vì chi phí thấp và thời gian vận chuyển nhanh chóng, nhưng giờ đây họ đang phải trả cho loại dầu này mức giá cao hơn 50 USD/tấn so với dầu đậu tương và dầu hướng dương.
Dầu cọ và các loại dầu liên quan luôn ảnh hưởng lẫn nhau bởi sự cạnh tranh để giành thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Tập đoàn công nghiệp dầu thực vật FEDIOL cho biết khủng hoảng ở Ukraine đã khiến các chuyến dầu hướng dương của Ukraine sang EU bị đình trệ, thường là khoảng 200.000 tấn mỗi tháng, khiến EU đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu ăn nghiêm trọng.
Giá dầu cọ thô vọt lên cao hơn dầu đậu tương thô.
Indonesia thắt chặt xuất khẩu
Trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu đang khan hiếm đó, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Muhammad Lutfi, ngày 9/3 thông báo nước này sẽ hạn chế hơn nữa xuất khẩu dầu cọ kể từ thứ Năm (10/3) để tăng nguồn cung cho thị trường trong nước, khi các nhà chức trách đang nỗ lực kiềm chế giá dầu ăn tăng phi mã, khi mà tháng ăn chay của người Hồi Giáo sắp đến (vào tháng Tư).
Theo đó, nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới sẽ yêu cầu các công ty dầu cọ bán 30% dầu cọ thô trong kế hoạch xuất khẩu cho thị trường trong nước, tăng từ mức 20% trước đó.
Quy định mới này sẽ được áp dụng trong ít nhất sáu tháng. Indonesia lần đầu tiên hạn chế xuất khẩu vào cuối tháng 1 sau khi giá dầu ăn - làm từ dầu cọ thô tinh luyện - tăng hơn 40% vào đầu năm trong bối cảnh giá toàn cầu tăng vọt.
Việc thắt chặt các hạn chế khiến lượng cung dầu thực vật trên thị trường quốc tế bị sụt giảm nghiêm trọng, giữa lúc vốn đang eo hẹp sau khi căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát.
Cùng với việc hạn chế khối lượng xuất khẩu, Chính phủ cũng đặt giá tối đa cho CPO và olein bán cho các nhà máy lọc dầu địa phương và đưa ra mức giới hạn đối với giá bán lẻ.
Theo Anilkumar Bagani, trưởng nhóm nghiên cứu của Sunvin Group, nhà môi giới dầu thực vật có trụ sở tại Mumbai, những thay đổi chính sách mới nhất của Indonesia có thể khiến cho khoảng 100.000 tấn dầu cọ mỗi tháng bị cắt khỏi thị trường thế giới. Được biết, kể từ khi Indonesia bắt đầu hạn chế xuất khẩu cọ vào cuối tháng 1/2022, Bộ Thương mại đã cấp giấy phép cho phép xuất khẩu 2,77 triệu tấn, ước tính doanh số bán hàng trong nước vào khoảng 573.890 tấn.
Việc Indonesia hạn chế xuất khẩu dầu cọ có thể khiến nhu cầu đối với dầu cọ Malayia tăng vọt. Tuy nhiên, dự trữ dầu cọ của Malaysia – nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới – vào cuối tháng 2/2022 ước tính giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng do sản lượng giảm trong tháng thứ tư liên tiếp trong khi xuất khẩu tăng vọt.
Chuyên gia phân tích hàng đầu James Fry cho biết rằng sản lượng dầu cọ ở các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, Indonesia và Malaysia, có thể sẽ tăng khoảng 3% trong năm nay, nhưng sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu dầu ăn toàn cầu. Năm 2021, Indonesia sản xuất 46,89 triệu tấn dầu cọ, trong khi sản lượng của Malaysia là 18,1 triệu tấn.
Triển vọng cơn sốt giá chưa sớm hạ nhiệt
Theo các nhà phân tích, giá dầu cọ cao như hiện nay có vẻ sẽ còn duy trì khá lâu do tình trạng khan hiếm dầu ăn trên toàn cầu hiện nay. Trong khi nguồn cung dầu hướng dương bị cắt đứt, nguồn cung dầu cọ cũng hạn hẹp thì các nhà nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đang mua trực tiếp, vì dầu cọ đã trở thành mặt hàng đắt tiền nhất trong số bốn loại dầu ăn chính.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dầu thực vật Ấn Độ Sudhakar Desai mới đây cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ nhập khẩu 450.000 đến 500.000 tấn dầu cọ mỗi tháng so với 600.000 đến 700.000 tấn thông thường do giá cao. Có thông tin cho biết chính phủ và ngành công nghiệp ở Ấn Độ đã yêu cầu Indonesia tăng cường xuất khẩu dầu cho họ.
"Các nhà lọc dầu châu Á và châu Âu đã tăng cường mua dầu cọ kỳ hạn giao gần để thay thế dầu hướng dương. Động thái đó đã đẩy giá dầu cọ lên cao một cách phi lý", một đại lý một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai với cho biết.
Theo đại lý trên: "Họ (người mua) cũng có quyền chọn mua dầu đậu tương. Tuy nhiên, khả năng xuất khẩu dầu đậu tương một cách nhanh chóng bị hạn chế bởi mất nhiều thời gian hơn để cập cảng châu Á so với dầu cọ".
Các đại lý nhận định giá dầu cọ thô cao kỷ lục và cao hơn so với các loại dầu cạnh tranh có thể "bóp nghẹt" người tiêu dùng châu Á và châu Phi – vốn nhạy cảm về giá, và đang phải quay cuồng với chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng như lốc xoáy, đồng thời buộc họ phải cắt giảm tiêu thụ và chuyển sang phía "đối thủ" – dầu đậu tương.
Tuy nhiên, sản lượng đậu tương ở Argentina, Brazil và Paraguay dự kiến sẽ giảm do thời tiết khô hạn, sản lượng hạt cải ở Canada dự báo cũng bị hạn chế. Cuộc chiến ở Ukraine thậm chí có thể khiến cho việc gieo trồng vụ hướng dương này không được thuận lợi và đúng thời điểm. Đó là chưa kể giá phân bón tăng cao, có thể hạn chế sản lượng các loại dầu thực vật trong vụ mùa tới.
Tham khảo: Refinitiv