Đau đầu, khởi nguồn của nhiều bệnh
Đau đầu là một dấu hiệu thường gặp với biểu hiện là đau nhức ở phần đầu do nhiều bệnh khác nhau gây ra.
- 09-09-2017Đau đầu đừng vội uống thuốc, hãy thử massage 6 huyệt này trong 5 phút là đủ
- 21-05-2017Đau đầu, chóng mặt cũng có thể là dấu hiệu đột quỵ não: Hãy xem để đề phòng!
- 16-05-2017Ghi nhớ 6 huyệt trên cơ thể để thoát khỏi chứng bệnh đau đầu, đau nửa đầu
- 11-05-2017Thời tiết thất thường dễ gây đau đầu, khó chịu, nhưng nếu có các dấu hiệu này thì bạn nhất định phải đi khám ngay
Đau đầu hay nhức đầu làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.
Tuy nhiên, nhiều người bệnh cho rằng đau rồi hết vì nó không gây nguy hiểm tức thì, nhưng thực tế nó tiềm ẩn những bệnh lý nguy hiểm.
Dễ nhầm lẫn
Đau đầu đi kèm với sổ mũi, ho khan, ho có đàm, thường gặp trong viêm xoang hoặc cảm cúm và cũng có thể là báo hiệu có khối u trong não nhưng ít khi được nghĩ tới mà chỉ tập trung chữa viêm xoang, cảm cúm cho nên đã làm lu mờ các dấu hiệu khác, vì vậy khi tìm ra được bệnh thường đã muộn. Do đó, khi có biểu hiện đau đầu thì người bệnh nên cẩn thận xem các dấu hiệu đi kèm, nếu đau đầu đi kèm buồn nôn, chóng mặt, nói khó khăn, các chi cử động yếu ớt, mắt nhìn không rõ… thì nên báo rõ để bác sĩ xem xét và tìm ra bệnh cho chính xác để được điều trị đúng hướng và kịp thời.
Bên cạnh đó, do chủ quan nên khi bị đau đầu thì hầu hết người bệnh tự xác định bệnh cho là mình bị viêm xoang, máu huyết không lên đến não…đã tự tiện mua thuốc giảm đau về trị. Đây là điều hết sức sai lầm vì đối với các khối u, việc chậm trễ trong điều trị dễ đưa đến việc khó trị và hiệu quả không cao, vì thế, khi bị đau đầu. Người bệnh nên đến ngay bác sĩ để được khám tổng quát tìm bệnh trước khi điều trị.
Một chứng đau đầu khác cũng dễ gây nhầm lẫn là thoát vị đĩa đệm vùng cổ, đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây đau dai dẳng rất dễ nhầm lẫn với các loại đau đầu do công việc căng thẳng, do mỏi mắt...với dấu hiệu để nhận biết là các cơn đau đầu kèm theo đau vùng cổ-gáy, tê và giảm cảm giác các ngón tay và khi bệnh trở nên nặng thì đau đầu xuất hiện thường xuyên hơn, hạn chế các hoạt động hàng ngày. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng phẫu thuật và tập vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh không bị tàn phế.
Có 2 loại đau đầu là cấp tính và mãn tính
Đau đầu cấp tính là đau trong vài ngày, đau dữ dội, có thể đau âm ỉ liên tục hoặc từng cơn. Khi đó, người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu đi kèm như: đau đầu có kèm sốt thường gặp trong bệnh viêm màng não, đau đầu kèm ói mửa sau khi bị chấn thương, tức là do máu tụ nội sọ, thường gặp trong chấn thương sọ não.
Với người bị cao huyết áp, đái tháo đường nếu bị nhức đầu thì cần phải nhập viện để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm và tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc giảm đau
Đau đầu mãn tính là đau kéo dài hàng tuần, hàng tháng, nếu thấy đau ngày càng tăng dần và uống thuốc giảm đau không bớt thì cần phải nhập viện để tìm nguyên nhân. Trong trường hợp đau đầu kéo dài nhưng không liên tục, khi ẩn khi hiện, đau vài ngày thì hết, sau đó một vài tháng đau trở lại, là những cơn đau thường do nguyên nhân không nguy hiểm nhưng làm giảm chất lượng sống. Chứng đau đầu này thường dễ bị nhầm với đau đầu do căng thẳng, do viêm xoang, do mỏi mắt... và vì thế cho nên trị hoài theo hướng viêm xoang nhưng không hết bệnh. Ngoài ra, trường hợp bị dị dạng mạch máu não cũng gây ra đầu kéo dài.
Với mỗi chứng đau đầu luôn đi kèm một nguyên nhân, có thể do bệnh lý do sinh hoạt, do làm việc như gập cổ trong đánh máy vi tính, khuân vác nặng trên vai một bên, nhìn sát màn hình, thiếu ngủ, áp lực công việc…Với những cơn đau đầu không do bệnh lý đều có thể điều trị dễ dàng bằng cách ngồi thẳng, mắt nhìn màn hình đúng khoảng cách, hạn chế khiêng đồ vật nặng trên vai, nếu do căng thẳng, mỏi mệt, nên nghỉ ngơi. Còn lại các trường hợp đau đầu do bệnh lý thì nhất thiết phải tìm cho đúng nguyên nhân để điều trị mới có hiệu quả. Việc tự dùng thuốc sẽ làm mờ các dấu hiệu riêng biệt nên rất khó để tìm ra được bệnh.
Vì sao bị đau đầu?
Đau đầu nguyên phát là chứng đau đầu có nguyên nhân thường liên quan tới sự giãn nở của các mạch máu trong sọ vì khi cơn đau xuất hiện thì động mạch thái dương là một nhánh động mạch nằm ngoài hộp sọ, ngay bên dưới da vùng thái dương bị giãn rộng ra, nó làm căng các sợi thần kinh nằm gần đó và các sợi thần kinh này sẽ tiết ra các hóa chất gây đau, viêm, và làm mạch máu thêm giãn nở, càng làm cơn đau nặng thêm. Chứng đau đầu này thường không được chẩn đoán, hay chẩn đoán nhầm với đau đầu do căng thẳng, đau đầu do viêm xoang, cho nên phần lớn người bệnh bị đau đầu không được điều trị đúng.
Đau đầu thứ phát thường bao gồm các dấu hiệu khác của các bệnh như: viêm xoang, tăng huyết áp. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khác như nặng thì có các bệnh u não, chấn thương sọ não, viêm màng não, xuất huyết não và nhẹ hơn thường gặp do đau đầu vì ngưng uống cà phê, đau đầu do tăng huyết áp, viêm xoang, viêm tai, viêm nướu răng, thiếu máu cơ tim ngoài gây đau thắt ngực còn có thể gây đau đầu. Các nguyên nhân của đau đầu thứ phát còn có thể do ung thư não, kể cả u nguyên phát ở não lẫn u di căn từ nơi khác đến, máu tụ dưới màng cứng.
Làm sao để phòng ngừa?
Với đau đầu có thể chữa bằng cách không dùng thuốc như bấm mạnh vào điểm giữa hai cung lông mày và day thành những vòng tròn nhỏ, rồi đặt hai ngón tay trỏ vào góc ngoài của hai đuôi mắt và xoa vuốt ngược lên phía trên. Sau đó, đặt 2 ngón tay trỏ lên huyệt thái dương và xoa thành những vòng tròn nhỏ. Việc cử động và xoa bóp cổ gáy cũng có hiệu quả vì chúng làm giảm sự căng thẳng và co rút gây đau của các cơ ở vùng vai, gáy. Đồng thời, cần tránh mất ngủ, giảm căng thẳng, tránh hút thuốc lá, nên ngủ điều độ và tập thể dục hằng ngày cũng có tác dụng rõ rệt trong việc điều trị chứng đau đầu. Ngoài ra, trước khi đi ngủ và sáng sớm lúc thức dậy, nên dùng bàn tay xoa bóp vùng trán, hai bên thái dương và quanh hai hố mắt, đỉnh đầu... để hạn chế sự phát sinh của các cơn đau đầu.
Để phòng ngừa chứng đau đầu, cần phải hạn chế dùng rượu, cà phê, đồ ăn nhiều mỡ, bột ngọt, dùng ít các gia vị cay nóng... Tránh ăn, uống các món dễ gây đau đầu như: xúc xích, đồ nguội, thịt chế biến sẵn, chocolate. Nên uống đủ nước và bổ sung chất đường bột và chất đạm để duy trì mức đường trong máu, giúp giảm các cơn đau đầu. Hàng ngày bổ sung đủ lượng calcium qua thực phẩm giàu canxi hoặc uống viên đa sinh tố có bổ sung ma-nhê, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc giảm đau khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.
Sức khỏe đời sống