Đau đầu vì giá dầu
Sau một năm kinh doanh bết bát, việc tính toán chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2017 là một bài toán khó đối với các DN trong ngành dầu khí khi những nỗ lực trong việc ổn định giá dầu đang gặp phải những thách thức không nhỏ.
- 14-02-20173 lý do khiến giá dầu tăng gấp đôi trong vòng 1 năm
- 10-02-2017Nhu cầu tại Mỹ tăng, giá dầu quay trở lại
- 09-02-2017Ẩn số giá dầu
Giá dầu giảm mạnh đã khiến cho giá bán các sản phẩm của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) năm 2016 giảm theo tương ứng. Kết thúc năm 2016, doanh thu thuần của GAS chỉ đạt 59.209 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2015. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty còn lại 7.237 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2015. Với kết quả kinh doanh sụt giảm như trên, đầu tháng 1/2017, GAS đã công bố Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu hợp nhất giảm từ 54.751 tỷ đồng xuống mức 53.000 tỷ đồng, tương ứng giảm 1.751 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng điều chỉnh giảm từ 7.085 tỷ đồng, xuống còn 5.200 tỷ đồng, tương ứng giảm 1.885 tỷ đồng. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông được tổ chức hồi đầu năm 2016, lãnh đạo GAS đã chia sẻ, công ty đã tính đến phương án giá dầu rơi xuống mức 40 USD/thùng, khi đó lợi nhuận trước thuế của GAS ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng; trong trường hợp giá dầu xuống còn 30 USD/thùng, lợi nhuận sẽ đạt khoảng 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, với giá dầu bình quân năm 2016 ở mức 45 USD/thùng, GAS vẫn quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận xuống còn 5.200 tỷ đồng.
Sự sụt giảm của giá dầu còn ảnh hưởng nặng nề tới các DN cung ứng dịch vụ dầu khí. Cụ thể, doanh thu năm 2016 của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) giảm gần 63% so với năm 2015, chỉ đạt 5.360 tỷ đồng. Nhưng do giá vốn giảm ít hơn nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 822 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2015. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẻn 174 tỷ đồng, trong khi năm 2015 là hơn 1.747 tỷ đồng. Đây là kết quả thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua của PVD. Theo đó, giai đoạn từ 2011 đến 2015, lãi ròng PVD luôn ghi nhận trên 1.000 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2016, PVD ghi nhận 811 tỷ đồng doanh thu và 34 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 65% và 55% so với cùng kỳ. Theo giải trình của công ty, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này. Trong đó, số lượng giàn khoan hoạt động trung bình trong quý IV/2016 chỉ là 2,3 giàn so với 4,2 giàn của cùng kỳ năm 2015; hiệu suất sử dụng giàn chỉ đạt 46%; khối lượng công việc và đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan trong quý IV/2016 cũng giảm từ 40-60% so với cùng kỳ năm 2015. Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng tài sản của PVD là 23.125 tỷ đồng, tuy nhiên các khoản nợ chiếm gần 42% tổng tài sản với 9.658 tỷ đồng.
Tại Tổng Công ty CP Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (PVC), doanh thu thuần quý IV/2016 đạt 737 tỷ đồng, giảm chỉ 1,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Nhưng giá vốn lại tăng 20% nên lãi gộp chỉ còn lại 59 tỷ đồng, giảm 41%. Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế trong kỳ âm gần 3,9 tỷ đồng, trong khi quý IV/2015 có lãi gần 32 tỷ đồng. Theo ông Tạ Đình Khang, Phó trưởng ban Tài chính kế toán của PVC, do tác động của giá dầu, các nhà thầu dầu khí đã giãn, hủy kế hoạch khoan làm hoạt động cung cấp dịch vụ dung dịch khoan – hoạt động mang lại lợi nhuận chủ yếu của công ty sụt giảm. Bên cạnh đó, công ty cũng đã phải giảm mạnh giá bán để giảm hàng tồn kho làm lợi nhuận gộp giảm, dẫn tới không đủ bù đắp chi phí của công ty. Lũy kế cả năm 2016, lợi nhuận sau thuế của PVC âm 34 tỷ đồng, trong khi năm 2015 công ty lãi 199 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế quý IV/2016 của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng chỉ đạt 109 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2015. Theo ông Nguyễn Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc PVS, sự sụt giảm này là do lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh như dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí, dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển, dịch vụ khảo sát địa chất công trình và khảo sát, sửa chữa công trình ngầm bằng ROV đều giảm so với cùng kỳ do giá dầu thô tiếp tục duy trì ở mức thấp và thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí giảm mạnh toàn diện. Ngoài ra hoạt động đầu tư liên doanh, liên kết trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa giàn khoan không có lãi. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế của PVS đạt 858 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2015. Nhiều DN khác cũng giảm mạnh lợi nhuận như Công ty CP Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí giảm 20%, đạt gần 88 tỷ đồng giảm 20%; Công ty CP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (PXI) lãi sau thuế gần 550 triệu đồng, giảm mạnh so với mức lãi gần 36 tỷ đồng của năm 2015.
Trong phiên giao dịch ngày 14/2, giá dầu thế giới tăng khi số liệu báo cáo cho thấy các nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới tuân thủ thỏa thuận cùng giảm bớt nguồn cung dư thừa mà đã đạt được trước đó. Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/2017 tăng 0,27 USD lên 53,20 USD/thùng. Trong khi tại London, giá dầu Brent giao tháng 4/2017 tăng 0,38 USD lên 55,97 USD/thùng vào lúc khép phiên. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng xu hướng giá dầu năm 2017 hiện vẫn là một ẩn số do những lo ngại về hoạt động khoan dầu đá phiến tại Mỹ sẽ làm tăng sản lượng dầu tại nước này và tác động xấu đến nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Cuối năm vừa qua, các nước trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng dầu mỏ mỗi ngày trong nửa đầu năm 2017. Đây là nỗ lực chung của các nước nhằm hỗ trợ giá dầu và giảm tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu. Trong tháng 1/2017, OPEC cho biết đã cắt giảm sản lượng xuống mức bình quân 32,14 triệu thùng/ngày, giảm hơn 890.000 thùng/ngày so với mức bình quân trong tháng 12/2016. Hiện OPEC chiếm khoảng 33,5% tổng sản lượng dầu mỏ của thế giới.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp hiện khá thận trọng trong việc đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2017. Cụ thể, Hội đồng quản trị PVC đã thông qua chỉ tiêu tài chính 2017, với tổng doanh thu hợp nhất 2.660 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng công ty mẹ, tổng doanh thu dự kiến 1.889 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa đưa ra được con số cụ thể về kế hoạch năm 2017.
Báo hải quan