MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau đầu với taxi trá hình 'chặt chém' khách

07-10-2022 - 06:30 AM | Thị trường

Nhiều hãng taxi chạy trong sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, mỗi hãng một màu xe, đồng phục riêng cho tài xế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều hãng taxi chạy trong sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, mỗi hãng một màu xe, đồng phục riêng cho tài xế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều người đặt taxi của các hãng xe có thương hiệu như Vinasun, Mai Linh... nhưng lại có xe khác tới rước mà không phải xe chính hãng với giá cước cao ngất trời. Khi gọi đến tổng đài của hãng để khiếu nại, khách hàng mới biết mình bị lừa.

Các hãng taxi cho biết cũng đang đau đầu xử lý các khiếu nại của nhiều khách hàng, dù các hãng cũng là nạn nhân. Trong khi đó, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc xử lý các đối tượng lập nhiều website, đưa số điện thoại hotline giả mạo để lừa khách hàng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.

Bị "chặt chém" bởi taxi giả mạo

Tháng 9-2022, anh Nguyễn Hải Phong (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã gọi vào số của tổng đài nhà xe Vinasun để đặt taxi nhưng anh đã bất ngờ khi xe đến đón lại là một xe không có biển hiệu, logo của hãng mà chỉ là biển số trắng bình thường. Do trời đang mưa, tài xế hạ kính thúc giục lên xe để tránh kẹt đường nên anh Phong bất đắc dĩ phải leo lên ngồi dù vẫn khá nghi ngại.

Khi nghe anh Phong bày tỏ nghi ngờ, tài xế trấn an là xe liên kết với hãng. "Trên xe không có đồng hồ báo cước và kilômet. Đi từ khu vực Bình Quới đến quận 9, xuống xe tài xế coi trên điện thoại lấy tôi 330.000 đồng, trong khi quãng đường này đi taxi chỉ khoảng 200.000 đồng. Tôi không đồng ý trả tiền và gọi lại tổng đài Vinasun rất nhiều nhưng không ai nghe máy" - anh Phong nói.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Quyết (TP.HCM) cho biết do có việc nên đã lên mạng gõ tìm số điện thoại hotline của Hãng taxi Vinasun rồi đặt xe. Sau khi tổng đài tiếp nhận, anh Quyết an tâm ngồi đợi xe nhưng rất bất ngờ khi một xe không có logo Vinasun đến đón anh. "Tài xế nói là của công ty nên tôi vẫn đi và đã bị "chém đẹp". Chúng tôi đi từ số 5 Thăng Long (Tân Bình) về đến Sadora Apartment (Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) nhưng bị "chém" gần 500.000 đồng", anh Quyết bức xúc.

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, nhiều nạn nhân của các xe taxi giả danh này bức xúc cho biết đều gọi taxi qua số tổng đài được tìm trên mạng. Thử gõ tìm từ khóa Vinasun, Mai Linh trên Google, chúng tôi nhận được hàng loạt thông tin hiển thị na ná chính hãng, kèm số điện thoại ngay trang đầu tiên. Các website hiển thị như taxitphcm, tổng đài taxi Sài Gòn - Xe taxi Mai Linh, Taxi Tân Sơn Nhất với các đầu số điện thoại như "0587 522 799, 0345 665 465...".

Thử gọi vào một đầu số nêu trên, chúng tôi được nghe một giọng nam nói "taxi xin chào", rồi chào mời "anh về đâu để điều xe". Khi hỏi có phải taxi Vinasun không, chúng tôi được nhân viên này trả lời xe liên kết với hãng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây, nhiều hãng taxi nhượng quyền thương hiệu để gia tăng số lượng xe, cách thức tính theo tỉ lệ ăn chia phần trăm. Tuy nhiên, xe liên kết đều dán logo thương hiệu, vẫn tính theo cước đồng hồ.

Đau đầu với taxi trá hình chặt chém khách - Ảnh 1.

Hành khách đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các hãng taxi... bó tay

Một lãnh đạo Hãng taxi Mai Linh cho biết cũng ghi nhận nhiều trường hợp mạo danh tương tự. Theo đó, các đối tượng tự lập các website và fanpage Facebook đăng tải các thông tin cho thuê xe, chở khách bằng taxi và niêm yết số điện thoại mạo danh tổng đài taxi Mai Linh để đánh lừa những khách hàng cả tin.

Một số đối tượng còn làm giả biên lai, dán logo và số hotline "nhái" của Tập đoàn Mai Linh trên xe cá nhân để kinh doanh phi pháp, lừa gạt khách hàng.

Đại diện Vinasun cho biết tình trạng mạo danh taxi truyền thống ngày càng nhiều với hình thức rất tinh vi. Khẳng định các số điện thoại và website nêu trên không phải của hãng, vị này cho hay hotline của hãng nhận khá nhiều phản ảnh về trường hợp khách tìm số điện thoại của hãng trên mạng, nhưng lại chỉ tìm thấy số điện thoại của những trang giả mạo. Tình trạng này khiến doanh nghiệp rất nhức đầu nhưng chưa có cách nào xử lý được.

"Chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng bị lừa, đã phản ánh đến cơ quan chức năng là Sở GTVT nhưng được hướng dẫn phải qua bên Sở TT&TT để xử lý vì liên quan đến việc giả mạo số hotline trên mạng. Có thể nói taxi giả mạo vẫn còn "đất sống", làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, gây mất niềm tin khách hàng... là do chưa có xử phạt nghiêm và quyết liệt", vị này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hãng taxi lớn tại TP.HCM khẳng định không có chuyện nhân viên tổng đài của hãng móc nối với đơn vị bên ngoài để "chuyển khách", bởi hệ thống tổng đài đều có thể kiểm soát, kiểm tra lại được. Chưa kể, khi khách gọi đến tổng đài, tin nhắn sẽ được gửi đến điện thoại khách hàng tên tài xế, biển số xe rõ ràng, quy trình rất chặt chẽ.

"Không có hãng nào lại đi làm những chuyện như vậy, thậm chí nhân viên hãng cũng chẳng đủ thời gian nghĩ đến chuyện móc nối ăn hai đầu" - lãnh đạo một hãng taxi nhấn mạnh. Tuy vậy, vẫn có khách hàng cho biết thường xuyên sử dụng dịch vụ của hãng, quen thuộc với số điện thoại của hãng nhưng sau khi gọi đặt xe lại có xe lạ tới đón, "chặt chém". Do đó, không ít ý kiến nghi ngờ tình trạng hacker chèn tổng đài giả lên trang web của các dịch vụ taxi.

Đau đầu với taxi trá hình chặt chém khách - Ảnh 2.

Nhiều hãng taxi bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh do các số điện thoại hotline bị giả mạo - Ảnh: T.T.D.

Cẩn trọng với số hotline giả mạo

Nhiều nạn nhân cũng bày tỏ nghi ngờ các dịch vụ taxi mạo danh đã "chèn sóng" điện thoại để kết nối dịch vụ taxi của mình thay thế dịch vụ người dùng đang mong chờ - giống tình trạng "chèn sóng" để phát tán tin nhắn mạo danh thương hiệu (brandname) các ngân hàng vài năm gần đây.

Tuy nhiên, đại diện phụ trách kỹ thuật một nhà mạng cho rằng việc kết nối do người dùng hoàn toàn chủ động, kết nối thành công với ai, ở đâu phải qua kỹ thuật và hạ tầng rộng lớn của nhà mạng.

"Điều này không thể làm được chỉ với một trạm phát sóng mạo danh được dựng lên như với tình trạng mạo danh SMS brandname ngân hàng. Nó cũng đồng nghĩa với việc không thể có chuyện "chèn sóng" để cướp dịch vụ taxi. Hơn nữa, giả sử nếu có thể "chèn sóng" về mặt kỹ thuật, chi phí cũng rất tốn kém nếu so sánh với số tiền lời có được do "chặt chém" cước taxi thu được", vị này nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, khẳng định rằng từ cách quảng cáo trên Google cho thấy đang có những xe biển số trắng mạo nhận taxi để phục vụ khách. "Các tài xế này sẽ trả một phần tiền cho tổng đài để điều khách cho xe của họ", ông Vũ nói và khuyến cáo người dùng nên để ý kỹ kết quả tìm kiếm, tìm đến đúng trang web của hãng taxi mình muốn sử dụng dịch vụ và gọi điện tới đúng tổng đài để được phục vụ đúng giá.

"Không nên gọi đến các tổng đài dịch vụ mờ ám để tránh bị bắt ép giá cước taxi. Người dùng cũng có thể chọn từ chối các taxi biển số trắng. Đây là dạng xe gia đình không được phép kinh doanh vận tải. Với các xe biển số màu vàng, chuyên dùng cho mục đích kinh doanh sẽ phục vụ tốt hơn và dễ phản ảnh chất lượng dịch vụ với các cơ quan chủ quản", ông Vũ khuyến cáo thêm.

Đại diện hãng Vinasun và Mai Linh cũng khuyến cáo rằng khi gặp xe nghi ngờ là giả mạo, khách hàng cần ghi nhớ thông tin cơ bản như biển số xe, tên lái xe, số tài… rồi báo về tổng đài để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, có những trường hợp cá biệt, khách hàng gọi taxi nhưng được một xe khác không thuộc hệ thống của Mai Linh hoặc Vinasun tới đón, khách hàng có quyền từ chối sử dụng dịch vụ và báo về tổng đài để có hình thức xử lý. Hotline chính thức của Mai Linh 1055, Vinasun 028 38272727.

Phương Trang muốn đưa 200 taxi vào Tân Sơn Nhất

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Viết Ánh - tổng giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang - cho biết đã gửi đầy đủ các giấy tờ cần thiết để doanh nghiệp bổ sung thêm 200 taxi vào sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt xe.

Theo đó, nhà xe này đang có 300 chiếc taxi, mong muốn đưa 200 taxi vào hoạt động ở sân bay, đặc biệt trong dịp Tết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng.

Tình trạng thiếu hụt taxi, "chặt chém" giá cả gây bức xúc khách hàng đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất. Theo thống kê của sân bay Tân Sơn Nhất, những dịp cao điểm các hãng xe vận tải thường xuyên thiếu xe vào khung giờ cao điểm, có hãng không đạt số lượng xe phục vụ như cam kết ban đầu. Được biết, có bốn hãng taxi, bảy hãng xe hợp đồng và hai hãng xe công nghệ đang hoạt động ở Tân Sơn Nhất.

C.TRUNG

Phạt cả tài xế, hãng nếu có vi phạm

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ về tình trạng mạo danh các hãng taxi, ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết sở sẽ lập tức cử các đơn vị kiểm tra, xử lý sau khi tiếp nhận thông tin.

Theo ông Hưng, riêng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng thanh tra giao thông túc trực mỗi ngày phối hợp chặt với an ninh sân bay kiểm tra taxi, xe công nghệ… ra vào sân bay rước khách.

Trong trường hợp phát hiện tài xế, tổng đài giả mạo, trá hình…, các đơn vị chức năng lập tức ghi nhận, xử phạt tài xế. Đối với các xe thuộc hãng taxi mà đón khách sai quy định, thu tiền phí quá cao vượt quy định sẽ xác minh lại. Nếu có vi phạm sẽ xử phạt tài xế, hãng xe.

"Người dân khi gặp các trường hợp giả mạo hãng xe uy tín hoặc trá hình phải lưu lại thông tin xe báo cho cơ quan chức năng. Đường dây nóng của Thanh tra giao thông Sở GTVT TP: 38.300.701 - 0913.880.906", ông Hưng cho biết.

THU DUNG


Theo Công Trung - Đức Thiện

Tuổi Trẻ

Trở lên trên