Đấu giá hàng loạt khu đất ở Thủ Thiêm
TP HCM đã và đang lên kế hoạch bán tổng cộng 61 lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo nguồn lực đầu tư, hoàn trả số tiền tạm ứng từ ngân sách
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), cho hay theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ở KĐTMTT có 55 lô đất còn lại phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, qua rà soát, TP thu 6 lô đất (diện tích 314.000 m2 đã giao cho một nhà đầu tư) ở khu chức năng 2C do không thực hiện dự án. Do vậy, KĐTMTT có tổng cộng 61 lô được đem bán đấu giá lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Nghiêm ngặt các điều kiện tham gia
Để thực hiện việc bán các lô đất trên, UBND TP HCM vừa chấp thuận cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) triển khai thực hiện đấu giá 9 lô đất có ký hiệu 1-1, 1-2, 1-3, 1-4, 1-5, 1-6, 1-8, 1-9, 1-10 thuộc khu chức năng số 1 trong KĐTMTT. Sở TN-MT cho biết hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất đang phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng KĐTMTT thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí các lô đất trên. Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng các công trình giao thông đang thi công xây dựng các tuyến đường nên Sở TN-MT đã có cuộc họp với Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng KĐTMTT để hướng dẫn Trung tâm Phát triển quỹ đất lập bản đồ phục vụ công tác đấu giá các lô đất.
Trước đó, vào tháng 5-2020, UBND TP cũng chấp thuận đề xuất của Sở TN-MT về phương án đấu giá tài sản tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất tại các lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4 ha (khu đất tái định cư nằm trong dự án KĐTMTT), phường Bình Khánh, quận 2. Theo Sở TN-MT, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước là 20% giá khởi điểm của giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất và nộp vào tài khoản ngân hàng theo quy định, không áp dụng thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Phương thức đấu giá là trả giá lên; đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá.
Về thời gian tổ chức thực hiện đấu giá, Sở TN-MT cho biết trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận quyết định phê duyệt phương án giá của UBND TP và thông báo giá khởi điểm, phương thức nộp tiền trúng đấu giá của Sở Tài chính, Trung tâm Phát triển quỹ đất ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá để triển khai thực hiện theo quy định. Đối tượng tham gia đấu giá phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải có đủ các điều kiện: có chức năng kinh doanh bất động sản; sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất; cam kết thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá theo phương thức thanh toán tiền trúng đấu giá được quy định trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo hướng dẫn của cơ quan cấp có thẩm quyền; cam kết thực hiện đúng theo quy định tại khoản 3 điều 58 Luật Đất đai 2013 và điều 14 Nghị định 43/2014; thực hiện các trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ liên quan theo quy định pháp luật.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM hiện vẫn còn nhiều khu đất trống chưa được đầu tư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chia nhỏ sẽ dễ bán?
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, khẳng định việc đấu giá sẽ diễn ra công khai. Nhà nước đưa ra giá khởi điểm và các đơn vị tham gia đấu giá sẽ ra giá trực tiếp nên không lo ngại việc không bảo đảm khách quan. Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hình thức sử dụng đất sẽ được nhà nước giao đất và thu tiền sử dụng đất với thời hạn không quá 50 năm. Riêng khu đất có chức năng làm nhà ở sẽ được cấp sổ đỏ cho người dân ở ổn định lâu dài.
Về việc sử dụng khoản tiền đấu giá, ông Nguyễn Thế Minh cho biết TP HCM đã xin ý kiến Chính phủ về việc mở tài khoản khi có các nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, quỹ nhà dôi dư và nguồn thu khác. TP cũng xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ được sử dụng quỹ tiền khai thác từ Thủ Thiêm để hoàn trả nợ vay (hiện còn 2.873 tỉ đồng), chi đầu tư (bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội) hoàn trả khoản tiền đã tạm ứng ngân sách và lãi vay là 26.316 tỉ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng việc TP tổ chức sắp xếp đấu giá lại các khu đất hiện nay là giải pháp tốt để tránh lãng phí, đồng thời tận dụng được nguồn lực có sẵn. Hiện toàn bộ khu đất ở Thủ Thiêm được đầu tư bài bản, quỹ đất sạch dễ dàng triển khai dự án, bảo đảm sẽ thu hút lượng lớn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản khó khăn về nguồn vốn. Trong khi đó, các khu đất mang ra đấu giá thường nằm ở vị trí đắc địa chắc chắn giá sẽ rất cao. Vì vậy, cần có thêm các chính sách hỗ trợ vay vốn hoặc phương pháp trả chậm dần hoặc có thể chia nhỏ ra đấu giá.
Tương tự, ThS Trần Vĩnh Kim, Giám đốc kinh doanh Công ty Công nghệ Bất động sản Review Việt Nam, cho rằng quy định để tham gia đấu giá là các doanh nghiệp phải bỏ ra khoản tiền "thế chân" 20% so với giá khởi điểm sẽ rất kén nhà đầu tư bởi các khu đất đem ra đấu giá ở KĐTMTT thường có giá trị rất lớn. Do đó, việc chia nhỏ các khu đất để đấu giá cũng là giải pháp TP cần lưu tâm.
Đấu thầu chọn nhà đầu tư
Theo ông Nguyễn Thế Minh, TP HCM cũng sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 lô đất xây dựng trung tâm hội nghị - triển lãm và khách sạn có ký hiệu 1.12 và 1.20. "Hiện TP giao Sở Công Thương làm đề xuất dự án để tổ chức đấu thầu. Sở dĩ dự án này phải tổ chức đấu thầu vì cần chọn nhà đầu tư có năng lực chuyên môn để vận hành công trình sau khi hoàn thành tổ chức sự kiện mang tính quốc tế" - ông Nguyễn Thế Minh nói.
Người Lao Động