Đấu giá rúng động 2,44 tỷ/m2 ở Thủ Thiêm bơm thêm liều "doping" cho dòng tiền nóng nổi loạn ở cổ phiếu bất động sản
Loạt cổ phiếu bất động sản trên cả nước tăng mạnh
Cổ phiếu doanh nghiệp đất tại TP HCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Thanh Hoá, Hà Nội, Quảng Ninh…đều rủ nhau tăng trần "ăn theo" sức nóng của cuộc đấu giá đất rúng động của Tân Hoàng Minh tại Thủ Thiêm vừa qua.
Thương vụ đấu giá rúng động của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. HCM) đã bơm thêm liều "doping" cho dòng tiền đầu cơ đổ xô vào cổ phiếu bất động sản, khiến loạt cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp, tăng giá kỷ lục. Đà tăng lan rộng ra loạt cổ phiếu bất động sản trên cả nước.
Cổ phiếu bất động sản nhỏ, vừa nổi loạn cổ phiếu lớn đứng im
Giữa thị trường đỏ lửa, dòng tiền đổ xô vào mua cổ phiếu bất động sản đẩy nhiều cổ phiếu bứt phá tăng mạnh, thậm chí trần bất chấp mọi kết quả kinh doanh tốt hay xấu.
Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng trần như VGC tăng dư mua trần lên 59.900 đồng/cổ phiếu, CEO tăng trần lên 49.800 đồng/cổ phiếu, DIG tăng trần lên 87.200 đồng/‘cổ phiếu, ITA tăng trần lên 17.300 đồng/cổ phiếu, CII tăng trần lên 33.850 đồng/cổ phiếu, HHS tăng trần lên 12,750 đồng/cổ phiếu, ROS cũng tăng trần lên 10.750 đồng/cổ phiếu, FLC cũng tăng trần lên mức 17.400 đồng/cổ phiếu. Một loạt cổ phiếu nhỏ khác cũng tăng trần như QCG, LDG,…
Nhiều cổ phiếu bất động sản khác không tăng trần cũng có mức tăng giá rất mạnh như DXG tăng 6,5%, DXS tăng hơn 4%, IJC tăng 3,3%, CKG tăng 3,3%, BCM tăng 6,7%, IDC tăng 3,9%, L14 tăng 5,7%, NLG tăng 6,7%...
Điều đáng nói là các cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dòng tiền đầu cơ nóng tìm đến và nhà đầu tư đua hưởng ứng theo với kỳ vọng quỹ đất và cơn sốt đất ngoài thực tế hiện nay, đặc biệt sau vụ đấu giá đất rúng động của Tân Hoàng Minh.
Trong khi những cổ phiếu bất động sản lớn nhất trên sàn như VHM hay NVL lại đỏ lửa, chốt phiên VHM giảm nhẹ về 82.300 đồng/cổ phiếu, NVL tham chiếu 115.000 đồng/cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu bất động sản lớn hầu như không tăng giá nhiều trong suốt cơn sóng vừa qua. Đây là những doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn bậc nhất trên sàn chứng khoán nhưng không được dòng tiền hưởng ứng.
Điều này cho thấy dòng tiền đầu cơ trong nhóm bất động sản có khẩu vị ở các cổ phiếu vừa và nhỏ với đà tăng giá nóng. Hiệu ứng đấu giá đất của Tân Hoàng Minh không chỉ phả hơi nóng vào các cổ phiếu đất có đất ở khu Thủ Thiêm nói riêng hay TP HCM nói chung mà còn tạo ra cơn sốt cho cổ phiếu bất động sản trên cả nước.
Triển vọng ngành bất động sản năm 2022
Theo báo cáo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) đánh giá năm 2022, bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực ngay cả trong dịch. Các cổ phiếu có mức P/E thấp hơn mức trung bình ngành là 26.59 lần và có quỹ đất sẳn sàng khai thác từ 3 năm trở lên được ưu tiên lựa chọn.
Về bất động sản dân cư, phân khúc chung cư dự báo phục hồi ở miền Bắc. MAS dự kiến xu hướng kích cầu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục với các chương trình khuyến mãi, giảm giá, hỗ trợ vay vốn ... cho người mua nhà. Giá nhà chung cư tại miền Bắc theo từng phân khúc kỳ vọng tăng 5- 10% trong 2022. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ ở miền Nam dự kiến thể hiện sức bật trong quý 4/2021 và đầu 2022 với gần 10,000 sản phẩm được chào bán (chủ yếu ở dự án Vinhomes Grand Park), bằng cả 3 quý trước đó cộng lại.
Nguồn MAS
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương (VCBS) vừa có báo cáo nhận định triển vọng thị trường bất động sản năm 2022.
Theo đó, VCBS nhận định các biện pháp hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ giúp hoạt động đi xem dự án và thực hiện giao dịch của người dân được nối lại. Nhu cầu mua nhà và đầu tư bị dồn nén của người dân trong giai đoạn giãn cách khiến hoạt động động giao dịch bất động sản hồi phục mạnh từ quý 4/2021.
VCBS kỳ vọng mặt bằng giá bất động sản dự báo sẽ ghi nhận xu hướng tăng tích cực trong năm 2022 do tình trạng thiếu cung kéo dài, đặc biệt tại các đô thị lớn. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản như một kênh đầu tư hấp dẫn. Xu hướng ưa thích bất động sản của người dân, đặc biệt trong giai đoạn lạm phát. Gói kích thích kinh tế quy mô lớn và các dự án hạ tầng được đẩy mạnh triển khai. Mặt bằng giá nguyên vật liệu và khung giá đất cao phản ánh một phần đến giá bất động sản trong năm 2022.
VCBS đánh giá nhu cầu nhà ở và thị trường bất động sản duy trì triển vọng tích cực và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong các năm tới. Môi trường nhân khẩu học thuận lợi với: (1) Quy mô dân số lớn với tỷ lệ tăng khá và cơ cấu dân số trẻ; (2) Một bộ phận lớn dân cư đang đi vào độ tuổi lập gia đình và mua nhà. Tỷ lệ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng qua các năm và còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng trong giai đoạn tới. Gia tăng quy mô nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.
"Thị trường bất động sản tại các tỉnh thành dự báo sẽ ghi nhận sự bùng nổ trong các năm tới do quá trình phát triển công nghiệp và thu hút nguồn vốn FDI thúc đẩy phát triển kinh tế và cơ hội việc làm tại các địa phương thay vì chỉ tập trung tại đô thị lớn. Tái phân bổ lực lượng lao động và mật độ dân cư (không còn tập trung quá nhiều tại Hà Nội và TP.HCM) được thúc đẩy do đại dịch Covid-19. Hệ thống hạ tầng giao thông và tiện ích được cải thiện mạnh tại nhiều tỉnh thành. Việc ban hành cơ chế đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế) tạo tiền đề cho xu hướng trao quyền nhiều hơn cho các chính quyền địa phương, giúp tăng cường sự linh hoạt trong quy hoạch hạ tầng và phát triển dự án trên địa bàn", báo cáo của VCBS nêu.
VCBS đánh giá tiềm năng lớn ở các bất động sản địa phương
VCBS đánh giá tiềm năng lớn ở các doanh nghiệp uy tín, sở hữu nguồn lực lớn tại các địa bàn nhờ am hiểu thị trường, được hỗ trợ từ chính quyền địa phương và nhiều khả năng tích lũy được quỹ đất tại các vị trí thuận lợi với giá vốn rẻ. Các doanh nghiệp đã đi trước về chiến lược phát triển tại các tỉnh thành và tích lũy được nguồn quỹ đất lớn tại địa phương.
Nhịp sống kinh tế