Chứng khoán Mỹ bùng nổ, Nasdaq tăng tới 3,6% trong khi thị trường hàng hóa đỏ lửa, dầu Brent chỉ còn 112 USD/thùng
Trái ngược với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, đã giảm mạnh trong phiên giao dịch 9/3 khi dầu Brent chỉ còn 112,59 USD/thùng trong khi dầu WTI còn 110 USD/thùng.
- 09-03-2022Mỹ và Anh chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga, giá dầu Brent vượt 131 USD/thùng
- 08-03-2022Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt qua Nord Stream 1, cảnh báo giá dầu lên 300 USD/thùng nếu phương Tây cấm vận năng lượng
- 08-03-2022Từ giá xăng dầu cho đến lương thực, kim loại đều tăng phi mã: 5 biểu đồ miêu tả 'cơn hỗn loạn' của thị trường hàng hoá
- 08-03-2022"Ông lớn" năng lượng của châu Âu phải đăng tâm thư xin lỗi sau khi mua dầu Nga đại hạ giá
- 07-03-2022Sức mạnh khủng khiếp của Elon Musk: Tesla là hãng xe điện 'xịn' duy nhất giữa lúc giá dầu tăng, loạt công ty mới nổi từ đông sang tây đều không xứng là đối thủ
Ngày 9/3 trở thành một ngày của những cảm xúc trái ngược trên thị trường nước Mỹ. Trong khi Dow Jones Tăng 654 điểm, tương đương 2%, S&p 500 tăng 107 điểm, tương đương 2,57% trong khi riêng Nasdaq tăng tới 460 điểm, tương đương 3,6%. Thị trường chứng khoán Mỹ đã chính thức thoát chuỗi 4 phiên giao dịch giảm điểm liên tiếp bằng một cú tăng ấn tượng.
Trái ngược lại, thị trường hàng hóa lại vừa có một phiên giao dịch sóng gió. Dầu Brent đã giảm mạnh so với đỉnh 140 USD/thùng được thiết lập hôm đầu tuần xuống còn 112,59 USD/thùng. Dầu WTI thì giảm xuống còn 110 USD/thùng. Vàng cũng đã thủng mốc 2.000 USD/ounce khi chỉ còn 1.988 USD/ounce. Giá phần lớn các kim loại khác cũng đồng loạt giảm.
Cú phục hồi của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh thị trường giảm điểm liên tiếp trong 4 phiên giao dịch trước đó. S&P 500 và Dow Jones rơi sâu hơn vào vùng điều chỉnh trong khi Nasdaq tiếp tục lút sâu vào "thị trường gấu". Việc giá tất cả các loại hàng hóa tăng vọt được xem là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây tạo ra sự bất ổn định trên quy mô toàn cầu.
Tối 9/3 theo giờ Việt Nam, một số cổ phiếu liên quan tới tiêu dùng đã tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 9/3 trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trước đó, chúng bị bán tháo khi các nhà đầu tư lo ngại giá khí đốt tăng cao sẽ làm giảm chi tiêu tiêu dùng. Nike tăng 6% trong khi Starbucks tăng 3,8%.
Cổ phiếu các hãng hàng không hay các doanh nghiệp du lịch cũng tăng cao hơn. Carnival Corp. tăng hơn 7% và United Air Lines tăng hơn 7,2%.
Giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng do các nhà đầu tư rút khỏi trái phiếu. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng 3,7 điểm cơ bản lên 1,91%. Một điểm cơ bản tương đương 0,01%.
Các cổ phiếu ngân hàng thì tăng cao hơn khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng. PNC Financial tăng 4% và Wells Fargo tăng hơn 5%. Goldman Sachs và JPMorgan đều cao hơn 3%.
Cổ phiếu Pepsico đã tăng 1% sau khi công ty này cho biết họ sẽ tạm ngừng bán nước ngọt ở Nga dù vẫn bán các sản phẩm khác như đồ ăn nhẹ và các mặt hàng thiết yếu, bao gồm sữa bột trẻ em.
Trong một diễn biến khác, cổ phiếu dịch vụ hẹn hò Bumble tăng hơn 37% sau khi báo cáo lợi nhuận và kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn nhiều so với dự báo của phố Wall.
Sắc xanh cũng đang bao trùm chứng khoán châu Âu. Riêng DAX của Đức tăng tới 763 điểm, tương đương gần 6%. FTSE 100 của Anh tăng gần 2% trong khi CAC 40 của Pháp tăng tới 5,37%. Riêng Euro Stoxx 50 tăng tới 5,71%.
"Thị trường chứng khoán tiếp tục nhận tín hiệu từ những thay đổi về giá hàng hóa, cụ thể là dầu. Giao dịch sẽ tiếp tục biến động nhưng nhìn chung, triển vọng giá dầu và giá năng lượng vẫn ở mức rất cao, tạo ra một đám mây phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán", Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, cho biết.