MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu hiệu mới nhất cho thấy nhiều khả năng SoftBank sẽ sớm huỷ niêm yết để trở thành công ty tư nhân

01-10-2020 - 08:28 AM | Tài chính quốc tế

Mấy năm gần đây nhà sáng lập Masayoshi Son đã nhiều lần nói về việc chuyển SoftBank thành 1 tập đoàn tư nhân bởi ông cho rằng giá cổ phiếu SoftBank hiện nay quá thấp so với giá trị các tài sản mà tập đoàn đang nắm giữ.

Hôm qua tập đoàn NTT của Nhật Bản thông báo sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của công ty con NTT Docomo. Hiện NTT chỉ nắm giữ 66% cổ phần tại Docomo, do đó mục đích của thương vụ này là nhằm thu về 100% lợi nhuận từ công ty con đang mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong tập đoàn.

Tuy nhiên thương vụ kỷ lục trị giá 40 tỷ USD cũng đang làm dấy lên 1 cuộc thảo luận về chuyện liệu Nhật Bản có thể chứng kiến 1 thương vụ thâu tóm với quy mô lớn hơn rất nhiều. Và cái tên được nhắc đến chính là SoftBank.

Mấy năm gần đây nhà sáng lập Masayoshi Son đã nhiều lần nói về việc chuyển SoftBank thành 1 tập đoàn tư nhân bởi ông cho rằng giá cổ phiếu SoftBank hiện nay quá thấp so với giá trị các tài sản mà tập đoàn đang nắm giữ, đặc biệt là số cổ phần ở Alibaba. Vị tỷ phú 63 tuổi đã tái khởi động lại những cuộc đàm phán không chính thức từ đầu năm nay sau khi cổ phiếu SoftBank lao dốc và ông phải bán bớt tài sản.

Thương vụ của Docomo là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản có rất nhiều vốn cho các thương vụ ở quy mô mà trước đây sẽ ít ai nghĩ đến. NTT sẽ đi vay toàn bộ số tiền 40 tỷ USD để tài trợ cho thương vụ, mặc dù tính đến cuối tháng 3 hãng có 1,09 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 10,3 tỷ USD) tiền mặt.

"Thương vụ bán mình thành công của Docomo có thể thúc đẩy SoftBank thực hiện động thái tương tự. Đối với các ngân hàng đây sẽ là 1 nguồn doanh thu lớn, trong khi đây sẽ là chất xúc tác cho các cổ đông nhận ra giá trị của số cổ phần mà họ nắm giữ".

Son vẫn luôn cảm thấy nản chí khi các nhà đầu tư không trả thêm tiền cho cổ phiếu SoftBank dù công ty của ông nắm giữ rất nhiều tài sản giá trị. Trên website của SoftBank ước tính mỗi cổ phiếu có giá trị khoảng 13.000 yên (sau khi cộng tổng giá trị số cổ phần tại Alibaba, SoftBank Corp và các tài sản khác rồi trừ đi số nợ). Con số này cao gấp đôi so với mức giá 6.500 yên hiện nay.

Sau khi giá cổ phiếu SoftBank lao dốc hồi tháng 3, Son thông báo kế hoạch bán tài sản "khủng" với quy mô lên tới 4.500 tỷ yên, đồng thời sẽ chi 2.500 tỷ yên mua cổ phiếu quỹ. Ngoài ra ông còn bán công ty thiết kế chip Arm cho Nvidia, thu về 40 tỷ USD (dù thương vụ này sớm nhất cũng phải đến sang năm mới hoàn tất).

Theo Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners (Singapore), với mức định giá đã giảm mạnh của SoftBank ở thời điểm hiện tại và nguồn vốn giá rẻ sẵn có, nhiều khả năng sẽ có 1 vụ MBO (management buyout – mua lại để giữ quyền quản lý).

Tuy nhiên chính thương vụ Docomo cũng mang đến ít nhất 2 thách thức đối với SoftBank. NTT đang mua lại cổ phần từ các cổ đông đại chúng một phần bởi làm như vậy hãng sẽ có thể hạ cước phí mạng không dây dễ dàng hơn. Đây lại chính là điều bất lợi đối với SoftBank Corp., mảng kinh doanh viễn thông tại Nhật của Son. Tân Thủ tướng Suga Yoshihide đã lấy mức cước di động thấp làm một phần trong chương trình nghị sự của mình.

Bên cạnh đó NTT đang trả mức giá cao hơn 40% so với mức giá cổ phiếu Docomo trước khi thương vụ được công bố. Các cổ đông của SoftBank có thể đòi hỏi mức chênh tương tự nếu như Son theo đuổi thương vụ mua lại, theo chuyên gia phân tích Anthea Lai của Bloomberg Intelligence.

Hiện giá trị thị trường của tập đoàn SoftBank là khoảng 128 tỷ USD, vì thế nếu áp mức chênh tương đương thì con số sẽ là 179 tỷ USD. Đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay.

Chuyên gia phân tích Satoru Kikuchi của công ty chứng khoán SMBC Nikko nhận định "có vẻ như SoftBank đang bán tài sản nhanh hơn so với dự tính, đặc biệt là thương vụ bán ARM". Xét đến cả việc tập đoàn ồ ạt mua cổ phiếu quỹ, khả năng SoftBank huỷ niêm yết để trở thành công ty tư nhân thông qua MBO là rất lớn.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên