Đâu là công thức thành công của một Multi-channel Network?
Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về thời gian xem trên YouTube, chứng tỏ tiềm năng phát triển của nền công nghiệp giải trí số đang rộng mở. Kéo theo đó là sự đầu tư không ngừng vào các mạng lưới đa kênh YouTube (MCN), cầu nối giữa YouTube và các nhà sáng tạo nội dung, điển hình là những ông lớn như Yeah1 Network.
Thị trường MCN có thật sự “béo bở” và đâu là công thức thành công của các MCN hiện nay?
Thị trường thách thức
Mạng đa kênh là bên thứ ba giữa YouTube và các nhà sáng tạo nội dung. Doanh thu của một mạng lưới hiện nay lấy khoảng 55% chi phí quảng cáo trên YouTube và sẽ chi trả lại từ 70-95% cho các đối tác sáng tạo nội dung, cùng với phí CPM cao hơn (cost per 1,000 impressions - giá mỗi 1.000 lần hiển thị).
Thị trường MCN toàn cầu bắt đầu sôi động từ khi Disney mua lại Maker Studio bằng một thương vụ đình đám 500 triệu USD. Từ đây, nhiều thương vụ đầu tư, sáp nhập MCN đã trở thành miếng bánh ngon cho các nhà đầu tư cũng như các công ty truyền thông lớn. Điển hình là thương vụ gần đây giữa Yeah1 Group và ScaleLab, một trong những MCN lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, thị trường MCN có thật sự “dễ chơi” khi YouTube đang ngày càng siết chặt việc kiểm duyệt nội dung; nhiều MCN đình đám như Fullscreen, Ritual, BBTV cũng đã từng đối mặt với việc bị YouTube cảnh báo về nội dung. Bên cạnh đó, theo báo cáo của SBWire, thị trường MCN trong những năm tới chỉ tăng nhẹ, với tốc độ tăng trưởng kép 6%/năm từ nay đến 2025, trong khi YouTube vẫn chiếm ưu thế về doanh thu thị trường với hơn 77%. Rõ ràng, việc nắm quyền “sinh sát” của YouTube đã ảnh hưởng ít nhiều đến các MCN và sự phát triển của thị trường.
Công thức thành công
Nhiều thách thức cũng chính là cơ hội để các MCN có thực lực chứng tỏ bản thân. Cụ thể là UUUM - mạng lưới đa kênh lớn nhất Nhật Bản và là một trong những ví dụ điển hình cho MCN thành công nhất trên thị trường. Công ty hiện là đại diện của 6.570 kênh YouTube, thu hút hơn 3,7 tỷ lượt xem hàng tháng.
UUUM có tốc độ tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng; riêng năm 2018, doanh thu đạt 108 triệu USD, tăng 68% so với năm trước đó và lợi nhuận ròng đạt 3,8 triệu USD. Giá cổ phiếu của Công ty (niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo Stock Exchange) cũng đã tăng mạnh từ đầu năm 2019 như để phản ánh của KQKD tăng trưởng mạnh mẽ nói trên. Hiện tại, UUUM đang được định giá 850 triệu USD (giá đóng cửa ngày 15/1/2019).
Đạt được thành công này, UUUM đánh mạnh vào việc mở rộng hệ sinh thái, lấy người sáng tạo nội dung làm trung tâm để tăng lợi nhuận tối đa. Bên cạnh nguồn thu từ quảng cáo trên Google Adsense, doanh thu của UUUM còn đến từ việc hợp tác bán quảng cáo trực tiếp với hơn 500 thương hiệu hàng đầu (direct sales), quản lý fanclub, bản quyền trò chơi, sản xuất phim và cổng thông tin giải trí sở hữu, v.v…
Kết quả kinh doanh của UUUM (triệu USD)
Nguồn: Bloomberg.
Hình: Diễn biến giá cổ phiếu của UUUM từ lúc lên sàn
Nguồn: Bloomberg.
Tương tự như UUUM, việc phát triển và khai thác hệ sinh thái luôn được Yeah1 Group (YEG) chú trọng và áp dụng thành công. YEG hiện là hệ sinh thái truyền thông đa kênh lớn nhất Việt Nam và đứng đầu khu vực với hệ thống hơn 6,9 lượt xem YouTube, 3,2 tỷ lượt xem trên các trang web, hơn 70 triệu người theo dõi trên Facebook và nhiều kênh truyền hình phủ sóng toàn quốc. Sau thương vụ sáp nhập với ScaleLab, hệ sinh thái của Yeah1 càng lớn mạnh hơn với hơn 3.000 kênh trên YouTube, 610 triệu người và trở thành mạng lưới đa kênh trên YouTube lớn thứ 3 thế giới xét về lượt xem. YEG cũng là công ty truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Có thể thấy, công thức thành công của UUUM hay Yeah1 đều dựa vào hệ sinh thái lớn mạnh của mình, giúp tối ưu hóa nội dung cho các đối tác nhờ dữ liệu lớn, hỗ trợ toàn diện cho họ thông qua các kênh truyền thông vệ tinh cũng như giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng hiệu quả.
Với vị thế trong ngành truyền thông tại Việt Nam cũng như châu Á, Yeah1 đang từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế, hướng tới mục tiêu trở thành công ty truyền thông được biết đến rộng rãi trên thế giới. Đại diện Yeah1 cho biết, sau M&A với ScaleLab, công ty sẽ cung cấp thêm các nội dung xuất khẩu ra thị trường thế giới, giúp các đối tác nội dung trong hệ thống của Yeah1 tiếp cận mạnh mẽ hơn khán giả toàn cầu, đặc biệt là ở các thị trường có giá đơn vị quảng cáo cao, qua đó tối ưu hóa doanh thu.
Việc mua lại ScaleLab không phải là thương vụ sáp nhập đầu tiên về lĩnh vực truyền thông mạng xã hội của Yeah1. Năm 2018, công ty mua mạng lưới đa kênh SPRINGme của Thái Lan và Something Big của Pháp. Trong 3 năm tới, mục tiêu của Yeah1 là trở thành một trong những MCN lớn nhất thế giới, với 20 tỷ lượt xem/tháng cũng như tăng cường sáp nhập với các đối tác để mở rộng hệ sinh thái.