Đâu là đòn bẩy chiến lược của Bình Chánh trước khi lên Quận?
Trung tâm hành chính Bình Chánh với vai trò hạt nhân trong chiến lược phát triển đô thị vệ tinh khu Tây Sài Gòn, sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực này phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi chất từ huyện lên quận.
Bình Chánh đang có sự "chuyển mình" vượt bậc nhờ sự góp mặt của hàng loạt công trình giao thông trọng điểm cùng số lượng lớn các dự án dịch chuyển về gần khu trung tâm hành chính, mang đến diện mạo đô thị mới năng động, giàu tiềm năng.
Nhiều thế mạnh sẵn có
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của 3 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, TP.HCM đặt mục tiêu nâng chất từ huyện thành quận. Dáng dấp đô thị ở 3 địa phương này đã hiện rõ, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân để mục tiêu sớm trở thành hiện thực.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND Bình Chánh cho biết, UBND huyện đã có văn bản xin chủ trương thành lập quận và đã được UBND TP.HCM chấp thuận. Nếu thành quận, bộ máy hành chính sẽ quản lý tốt hơn. Bên cạnh đó, theo Sở Nội vụ TP.HCM, huyện Bình Chánh hiện cơ bản hội đủ các tiêu chí để thành Quận như cơ cấu kinh tế, thu nhập, dân số, cơ sở hạ tầng,…
Bình Chánh có diện tích 25.000 ha, đất nông nghiệp là 7.900 ha (chiếm 31% tổng diện tích). Đến năm 2025, huyện dự kiến số hộ còn sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 0,4% tổng số hộ. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Chánh dễ dàng đạt đủ tiêu chí tiến lên Quận. Ngoài ra, theo Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang, Bình Chánh có lợi thế vị trí cửa ngõ trong liên kết vùng, tiếp cận 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời nắm giữ lợi thế lực lượng lao động lớn. Vì vậy, nếu biết khai thác tốt tiềm năng, huyện sẽ phát triển được đô thị hóa, công nghiệp hóa trong thời gian tới. Trên thực tế, tốc độ đô thị hóa tại khu vực này diễn ra nhanh khi mỗi năm tiếp nhận trên 30,000 dân nhập cư đang tạo ra áp lực lớn về bài toán nhà ở cho cư dân.
Tăng tốc trên mọi nguồn lực
Đóng vai trò là mạch nối quan trọng của cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long nối với TP.HCM, hạ tầng Bình Chánh được đầu tư bài bản. Cụ thể, mạng lưới liên kết vùng hoàn thiện với các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, tương lai sẽ có thêm tuyến đường sắt cao tốc 10 tỷ USD TP.HCM - Cần Thơ,... Sự phát triển về hạ tầng giúp cư dân dễ dàng di chuyển tới Quận 1, trung tâm tài chính Thủ Thiêm (qua Võ Văn Kiệt), Phú Mỹ Hưng (qua Nguyễn Văn Linh) trong khoảng 20 phút. Ngoài ra, khu vực còn có dự án tuyến Metro 3A (Bến Thành – Tân Kiên), tuyến buýt nhanh BRT số 1 kết nối trung tâm Quận 1 tới phía Đông và Tây thành phố.
Cụm Y tế Kỹ thuật cao Tân Kiên (Bình Chánh) với quy mô 74 ha
Bình Chánh cũng đang vươn lên trở thành trung tâm y tế đầu não của khu Tây TP.HCM nói riêng và của 13 tỉnh Tây Nam Bộ nói chung. Cụ thể, 2015, TP. HCM đã triển khai xây dựng Cụm y tế Tân Kiên, quy mô 74 ha, tập trung nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, bao gồm: Bệnh viện Nhi đồng 3; Bệnh viện Tai - Mũi - Họng - cơ sở 2, Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Ung bướu; Viện Tim thành phố - cơ sở 2 và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cơ sở 2.
Không dừng lại ở đó, Bình Chánh còn được biết đến với vai trò là trọng điểm công nghiệp khi sở hữu 4/10 KCN lớn nhất thành phố, đơn cử như: KCN Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Phong Phú, An Hạ,… quy tụ hàng chục nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân sinh sống. Chưa kể các dự án đang được quy hoạch như KCN Phạm Văn Hai có diện tích lên tới 380 ha.
Chiến lược "đô thị kiểu mẫu"
Nhìn từ thành công của Phú Mỹ Hưng hay Thủ Thiêm, Bình Chánh xác định trong lộ trình lên Quận, khu trung tâm hành chính là đòn bẩy quan trọng và là chiến lược dài hơi đã được địa phương xây dựng từ nhiều năm qua.
Bất động sản khu vực trung tâm hành chính Bình Chánh "hút" nhà đầu tư
Toàn khu hành chính tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tân Túc, được quy hoạch khoa học với hàng loạt tiện ích công dày đặc bao gồm UBND, chi cục thuế, trụ sở công an, bệnh viện, trường mầm non, nhà thiếu nhi, công viên kiểu mẫu rộng 2ha và duy nhất 1 dự án nhà ở gần 2000 căn hộ. Bao quanh khu vực này nhanh chóng hình thành các cung đường thương mại sầm uất, đắt giá nhất phải kể đến đường Nguyễn Hữu Trí, đường Tân Túc (rộng 6 làn xe).
Với hấp lực từ đô thị kiểu mẫu, hàng loạt dự án lớn đang có xu hướng dịch chuyển về trung tâm hành chính Bình Chánh, tạo ra chuỗi đô thị hóa hiện đại, liên hoàn. Điều này đồng nghĩa, khi Bình Chánh lên Quận, khu trung tâm hành chính sẽ là tâm điểm bùng nổ tất cả loại hình dịch vụ, tập trung dân cư đông đúc, kích thích thị trường bất động sản tăng trưởng vượt bậc.
Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, sau khi chủ trương lên Quận của Bình Chánh được thành phố chấp thuận, nhà đất Bình Chánh đã có biến động mạnh. Ghi nhận từ năm 2018, giá đất trung bình ở Bình Chánh khoảng 28 triệu đồng/m2. Đến thời điểm hiện tại, giá đất đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Một số nơi như Bình Hưng hiện trung bình là 80 triệu đồng/m2 (khu Trung Sơn lên tới 130 triệu đồng/m2). Dù vậy, giá nhà đất Bình Chánh vẫn đang nằm trong vùng "trũng" và có nhiều dư địa tăng giá cao.
Theo đại diện JLL Việt Nam, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ đầu tư theo cách phân tán rủi ro, bỏ tiền ở khu Đông một ít, khu Tây một ít. Ở thị trường còn tiềm năng, giá còn "mềm" chắc chắn nhà đầu tư sẽ kiếm lợi nhuận nhiều hơn, có thể gấp 2-5 lần khi dự án hình thành. Còn ở khu vực đã có quá nhiều nhà đầu tư, chắc chắn nguồn sinh lợi sẽ không bằng các thị trường có nhiều tiềm năng trong tương lai.