MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là 'gà đẻ trứng vàng' cho ngân hàng quý I?

08-06-2019 - 20:02 PM | Tài chính - ngân hàng

3 tháng đầu năm 2018, tỷ trọng lãi thuần từ tín dụng của các ngân hàng chiếm 73,8% tổng thu nhập hoạt động còn 3 tháng đầu năm nay tỷ trọng thu từ tín dụng vẫn chiếm tới 78,3%.

Ngân hàng chủ yếu vẫn thu từ tín dụng

Thống kê số liệu từ 25 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt gần 26.120 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của các ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ tín dụng khi tỷ trọng lãi thuần vẫn chiếm tới 78,3% tổng thu nhập hoạt động, tăng từ mức 73,8 % so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngân hàng có tỷ trọng thu từ lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động vượt 90% có VietABank (96%), NamABank (93%), PGBank (91,6%), KienLongBank (93,8%).

Tại LienVietPostBank, thu nhập lãi thuần thậm chí còn lớn hơn tổng thu nhập của ngân hàng do thu nhập từ một số hoạt động khác ghi nhận lỗ.

Đâu là gà đẻ trứng vàng cho ngân hàng quý I? - Ảnh 1.

Thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu chính của các ngân hàng. Ảnh. Liên Hương.

Tại Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, MB, tỷ trọng đóng góp của hoạt động tín dụng cũng có xu hướng tăng mạnh.

Điển hình như Vietcombank, tỷ trọng thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng từ mức 62% tại quý I/2018 lên mức 72% trong quý I/2019. Tương tự, tại Techcombank, tỷ trọng này tăng từ 55% lên 76%.

Sự gia tăng tỷ trọng của các khoản thu từ lãi trong cơ cấu thu nhập của các nhà băng chủ yếu là do sự sụt giảm của nguồn thu ngoài lãi. Theo đó, ngoài hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối thì thu nhập mảng đầu tư góp vốn mua cổ phần, hoạt động đầu tư chứng khoán và các khoản thu bất thường khác đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Trong đó, riêng thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm tới 90%; thu nhập từ chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư giảm lần lượt 68% và 57% so với cùng kỳ 2018.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho biết các ngân hàng rất muốn đẩy mạnh doanh thu từ hoạt động dịch vụ vì đây là phần thu ổn định nhưng không dễ. LienVietPostBank có ví điện tử và đến giờ vẫn gần như miễn phí sử dụng, chưa kể còn phải đầu tư để khuyến khích để thu hút người dùng sản phẩm. “Hiện, các ngân hàng còn phải cạnh tranh nhau trong thu dịch vụ, thậm chí miễn phí để thu hút người dùng”, ông nói.

“Ngân hàng ở Việt Nam là ngân hàng thương mại nên chức năng chính vẫn là trung gian tín dụng, dùng vốn huy động được để cho vay”, ông Thắng nhận định, và cho rằng câu chuyện thu từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng dù có cao cũng là chuyện hiển nhiên.

Theo bình luận của Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, tỷ trọng thu từ tín dụng tăng cũng cho thấy dòng vốn cho vay đang “chạy”, một phần nào đó thể hiện được sự vận động của sản xuất trong nền kinh tế khi các ngân hàng huy động rồi cho vay ra được.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, trả lời báo chí cũng cho biết để giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, ngân hàng sẽ đẩy mạnh chiến lược tăng nguồn thu từ dịch vụ, hoàn thành mục tiêu thu dịch vụ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu 2019.

“Bội thu” từ hoạt động dịch vụ

Nguồn thu quan trọng thứ hai của các ngân hàng trong quý I là thu từ hoạt động dịch vụ với tỷ trọng đóng góp ở mức 10,6% tổng thu nhập hoạt động. Cụ thể, thu từ hoạt động dịch vụ các ngân hàng đạt 7.467 tỷ đồng 3 tháng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Vietcombank và VietinBank dẫn đầu về nguồn thu này ở mức trên dưới 1.000 tỷ đồng. Trong khi BIDV, MB, VPBank và Techcombank cũng thu về hàng trăm tỷ đồng lãi thuần từ hoạt dịch vụ.

Dẫn đầu về tăng trưởng là TPBank và VIB với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý I còn gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thu nhập dịch vụ tại các ngân hàng khác cũng tăng mạnh: VietinBank (tăng 64%), SCB (tăng 42%), VPBank (45%), MB (tăng 40%).

Đâu là gà đẻ trứng vàng cho ngân hàng quý I? - Ảnh 2.

Cơ cấu nguồn thu 25 ngân hàng trong quý I. Nguồn: PV tổng hợp.

Sự tăng trưởng của hoạt động dịch vụ phần lớn đến từ lợi nhuận của hoạt động bán chéo bảo hiểm và dịch vụ thanh toán.

Điển hình, trong 3 tháng, lợi nhuận thuần từ hoạt động bảo hiểm của MB đạt gần 460 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và chiếm tới 60% tổng lợi nhuận của mảng dịch vụ.

Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ VPBank trong quý I là gần 745 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ dịch vụ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm là gần 610 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20%; lãi từ hoạt động thanh toán gần 97 tỷ gấp 16 lần quý I/2018…

Tại TPBank, lợi nhuận từ hoạt động dịch kinh doanh bảo hiểm và thanh toán trong 3 tháng đầu năm đạt lần lượt 85 tỷ đồng và 55 tỷ đồng, gấp 5 lần và 2,7 lần cùng kỳ năm trước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự tăng nhanh các khoản thu hoạt động dịch vụ là điều dễ hiểu trong bối cảnh các ngân hàng đang chuyển dịch hoạt động theo hướng bán lẻ.

Đâu là gà đẻ trứng vàng cho ngân hàng quý I? - Ảnh 3.

Nguồn thu của 25 ngân hàng trong quý I. Nguồn: PV tổng hợp.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các hoạt động dịch vụ cũng cho thấy thu nhập của các ngân hàng đang dịch chuyển theo hướng đa dạng và bền vững hơn. Bởi các khoản thu từ dịch vụ thường ít bị biến động theo thay đổi nền kinh tế, rủi ro cũng thấp hơn nhiều so với tín dụng. Hơn nữa, sự tăng trưởng của mảng này cho thấy xu hướng tối ưu hóa các kênh bán hàng, giúp ngân hàng tăng khả năng sinh lời của tài sản.

Các nguồn thu khác có xu hướng giảm

Sau khi ồ ạt thoái vốn để giảm trình trạng sở hữu chéo trong năm 2018, nguồn thu nhập từ góp vốn và mua cổ phần của các ngân hàng cũng không còn dồi dào như trước.

Số liệu từ báo cáo tài chính quý I cho thấy tổng thu nhập từ hoạt động này của các ngân hàng được khảo sát chỉ đạt 198 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, riêng Vietcombank đóng góp 39 tỷ đồng, VietinBank 101 tỷ đồng, BIDV 47 tỷ đồng. Các ngân hàng khác gần như không ghi nhận lợi nhuận trong mảng kinh doanh này.

Bên cạnh đó, nguồn thu từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư của các ngân hàng quý I đạt 380 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ 2018. Với chứng khoán đầu tư, BIDV lỗ gần 390 tỷ, VietinBank lỗ 83 tỷ đồng.

Theo Quốc Thụy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên