Đâu là nguyên nhân khiến VN-Index giảm mạnh 22 điểm trong phiên đầu tuần?
Sức ép lớn đến từ cổ phiếu lớn khi VN-30 giảm đến 23 điểm (tương đương 2,22%), riêng trụ cứng VCB trở thành tác nhân lớn nhất khiến VN-Index giảm sâu trong phiên đầu tuần.
Thị trường chứng khoán Việt nam khép lại phiên giao dịch đầu tuần đầy sóng gió. Áp lực bán dâng cao khiến VN-Index giảm điểm ngay từ khi mở cửa. Loạt cổ phiếu trụ lao dốc mạnh, trong khi không xuất hiện lực nâng nào đủ lớn để “gánh” chỉ số. VN-Index giảm mạnh về cuối phiên và nhanh chóng đánh mất ngưỡng 1.030 điểm.
Sức ép lớn đến từ cổ phiếu lớn khi VN-30 giảm đến 23 điểm (tương đương 2,22%), riêng trụ cứng VCB trở thành tác nhân lớn nhất khiến VN-Index “đánh rơi” 12 điểm trong phiên đầu tuần. Bên cạnh đó, các mã bluechips khác cũng giảm sâu khiến chỉ số đi lùi như TPB, CTG, BID, VHM, MSN, HPG,....
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm tới 22,04 điểm (-2,11%) xuống 1.023 điểm; HNX-Index giảm 2,85 điểm xuống 201 điểm; UpCOM-Index giảm 0,41 điểm xuống 76 điểm. Về độ rộng, có tới 677 mã cổ phiếu giảm điểM áp đảo hoàn toàn so với các mã tăng điểm. Thanh khoản trên HoSE không có nhiều biến động so với phiên trước với giá trị khớp lệnh 9.700 tỷ đồng.
Bàn về đà giảm của thị trường phiên hôm nay, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC nhìn nhận dưới hai khía cạnh.
Về bối cảnh thế giới , Credit Suise được giải cứu bởi UBS xem như tin tích cực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề liên quan khiến cổ phiếu châu Á/châu Âu/Mỹ vẫn tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Fed vào ngày 20 - 21/03 tới đây. Mặc dù xác suất Fed tăng 0,25% được đánh giá cao nhất, song nếu xảy ra kịch bản bất ngờ tăng 0,5% thị trường chắc chắn sẽ biến động mạnh.
Các diễn biến thị trường thế giới cũng khó đoán, nhưng nhìn chung chưa có gì mất kiểm soát và hoảng loạn. Tóm lại, thị trường sẽ chờ đợi những động thái rõ ràng của Fed trước khi xuống tiền mua bán cổ phiếu.
Về diễn biến trong nước , chuyên gia cho rằng chủ yếu ảnh hưởng tâm lý từ những diễn biến khó lường từ thị trường thế giới. Diễn biến này đồng pha với thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Sáu (17/3) giảm trên diện rộng khi nhà đầu tư rút khỏi First Republic Bank và nhiều cổ phiếu ngân hàng khác giữa những lo ngại về khủng hoảng tài chính.
Cổ phiếu ngân hàng trong phiên hôm nay cũng chiết khấu mạnh theo cổ phiếu các nhà băng trên thế giới. Câu chuyện xảy ra ở các Ngân hàng ở Mỹ và châu Âu tạo hiệu ứng để nhà đầu tư đánh giá lại chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng và các khoản đầu tư đối với các ngân hàng Việt Nam.
Ngoài ra, khối ngoại quay đầu bán ròng cũng khiến thị trường mất đi lực đỡ quan trọng. Hầu hết nhà đầu tư đều lo ngại khối ngoại không còn mua ròng mạnh mẽ nữa, vì Vaneck đã hoàn tất việc giải ngân. Tuy nhiên, quỹ Fubon vẫn còn nhiều dư địa mua ròng tiếp khi chỉ mới gom được phần nhỏ cổ phiếu.
Tựu chung lại, chuyên gia DSC cho rằng thị trường trong nước và thế giới yếu cận thời điểm Fed họp là bình thường. Trong ngắn hạn/trung hạn, chuyên gia vẫn cho rằng thị trường trong pha tích lũy. Dự đoán diễn biến từng phiên là rất khó nhưng thị trường nhìn chung giao dịch trong biên và có dòng tiền tích cực ở các nhóm cổ phiếu cụ thể.
"Tuần trước thị trường biến động với nhiều thông tin trái chiều, diễn biến của thị trường tuần này cũng tương tự. Trong tình huống xấu vùng 980-1.000 là vùng đệm cứng quan trọng. Kịch bản tích cực hơn, thị trường có thể sidewave cận dưới 1.020-1.030, cận trên 1070-1080 được duy trì", chuyên gia phân tích.
Tuy vậy, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh khối ngoại vẫn là lực đỡ quan trọng của thị trường khi Fubon còn lượng chưa giải ngân. Tuy nhiên khả năng nhóm quỹ này sẽ quyết đoán hơn trong việc giải ngân nếu những biến cố thế giới lặng xuống.
Nhịp sống thị trường