MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau lưng dưới có thể do nhiều nguyên nhân, cần theo dõi kĩ triệu chứng vì có thể là do ung thư di căn

27-07-2020 - 19:23 PM | Sống

Nếu các cơn đau lưng của bạn không thuyên giảm trong vòng 6-12 tuần, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Theo ước tính của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, 80% người Mỹ đã từng bị đau lưng dưới ít nhất một lần trong đời và đây là một trong năm lý do phổ biến nhất khiến mọi người phải đi khám bác sĩ.

Bill Rifkin, bác sĩ nội khoa kiêm nhà vật lý trị liệu tại Trung tâm MCG Health giải thích, nguyên nhân gây đau lưng dưới chủ yếu bắt nguồn từ cấu tạo xương của chúng ta. Khi con người tiến hóa thành sinh vật đứng thẳng, trọng lượng sẽ dồn lên vùng thắt lưng, khu vực dưới của cột sống. Theo bác sĩ Rifkin, các tư thế như nhấc đồ vật, cúi người, ngồi xổm và cách chúng ta di chuyển, ngồi, đứng, ngủ thường ảnh hưởng tới sức khỏe lưng dưới. Đây là khu vực có nhiều cơ, gân, dây chằng phối hợp hoạt động cùng nhau để giúp ổn định và bảo vệ cột sống.

Đau lưng dưới có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hơn nữa, không phải tất cả các loại đau lưng đều giống nhau. Một vài trường hợp có khả năng tự lành trong khi số khác cần theo dõi và chăm sóc y tế.

Dưới đây là tổng hợp một số nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưng dưới mọi người nên biết:

Ít vận động

Đau lưng dưới có thể do nhiều nguyên nhân, cần theo dõi kĩ triệu chứng vì có thể là do ung thư di căn - Ảnh 1.

Trên thực tế, hầu hết những người bị đau lưng dưới cấp tính sẽ tự khỏi sau tối đa 6 tuần.

Không ít người dành quá nhiều thời gian ở nhà, lười tập thể dục và phải làm việc hàng giờ trước máy vi tính. Stacey Popko, nhà tư vấn sức khỏe kiêm bác sĩ nội khoa tại Trung tâm MCG Health cho biết, sở hữu một lối sống ít vận động như vậy có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh đau thắt lưng mãn tính.

Tập thể dục là một cách vừa hiệu quả vừa đơn giản để kích hoạt các cơ bắp sau khi ngồi. Mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy giữ nguyên một tư thế quá lâu sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của các cơ cốt lõi có nhiệm vụ nâng đỡ lưng dưới và làm giảm sức ép lên cột sống.

Tư thế xấu

Tương tự như trên, tư thế xấu có thể gây đau lưng dưới hoặc khiến bệnh đau lưng trở nên tồi tệ hơn. Không ít người có thói quen dồn hết trọng lượng vào một chân khi đứng hoặc đi bộ với thân trên hướng về phía trước, lưng cong. Mặc dù không phải lúc nào cũng gây hại, về lâu dài, những tư thế này sẽ gây sức ép không nhỏ lên các cơ và dây chằng quanh cột sống, thắt lưng.

Căng cơ hoặc căng dây chằng

Đau lưng dưới có thể do nhiều nguyên nhân, cần theo dõi kĩ triệu chứng vì có thể là do ung thư di căn - Ảnh 2.

Không chỉ tránh mang vác đồ vật nặng, mọi người cũng cần duy trì các hoạt động thể chất và giữ thói quen tập thể dục mỗi ngày.

Đau lưng dưới là hiện tượng rất dễ gặp phải khi bạn bị căng cơ hoặc căng dây chằng do mang vác đồ vật nặng vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể. Theo bác sĩ Rifkin, những người bị tổn thương cơ bắp cũng có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng này. Tổn thương cơ bắp thường xảy ra khi bạn ít vận động, dẫn tới hiện tượng mất cơ và giảm sức mạnh.

Mệt mỏi cơ bắp

Trong một số trường hợp nhất định, đau lưng dưới xảy ra do hoạt động quá sức. Bác sĩ Rifkin cho biết, tình trạng này xuất hiện phổ biến ở vận động viên và những người làm các công việc đòi hỏi sức mạnh.

Ví dụ, nếu bạn thường xuyên mang vác vật nặng nhưng không nghỉ ngơi đầy đủ, các cơ sẽ hoạt động kém hiệu quả và có khả năng bị tổn thương cao. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những người chơi các môn thể thao gây áp lực lớn lên cột sống.

Thoát vị đĩa đệm

Đau lưng dưới có thể do nhiều nguyên nhân, cần theo dõi kĩ triệu chứng vì có thể là do ung thư di căn - Ảnh 3.

Nếu bạn thực sự cảm thấy lo lắng vì bị đau lưng dưới, đừng ngại ngần tới gặp các chuyên gia y khoa để được tư vấn và điều trị.

Lớp đệm nằm giữa các đốt sống có thể bị thương và hao mòn theo tuổi tác. Khi cơ thể lão hóa, chúng sẽ mất nước, cứng hơn và đôi khi bong ra gây kích thích tới các dây thần kinh lân cận. Tai nạn hoặc chấn thương đột ngột là nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tới đĩa đệm, khiến chúng bị vỡ, nhô ra và tạo cảm giác đau đớn.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Rifkin, thoát vị đĩa đệm không phải lúc nào cũng cần tới phẫu thuật để giải quyết. Trên thực tế, nhiều người gặp phải vấn đề về đĩa đệm nhưng lại không bị đau. Do đó, bạn hoàn toàn có thể sống chung với thoát vị đĩa đệm nếu chúng không ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày.

Vẹo cột sống

Vẹo cột sống khiến cho cột sống cong một cách bất thường. Hiện nay các chuyên gia chưa thể tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn tới tình trạng này. Theo Viện Mayo, trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ cần tiến hành phẫu thuật để làm thẳng cột sống và ngăn ngừa bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu.

Thoái hóa cột sống và các bệnh tự miễn

Một số bệnh như loãng xương và viêm xương khớp có thể gây đau lưng dưới. Loãng xương khiến cho xương trở nên yếu và giòn hơn, từ đó làm tăng nguy cơ gãy xương cột sống. Trong khi đó, viêm xương khớp có khả năng phá hủy lớp sụn bảo vệ ở xương. Ngoài ra, dù hiếm gặp, đau lưng dưới còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và lupus.

Ung thư

Đau lưng dưới có liên quan mật thiết tới một số bệnh ung thư. Ví dụ, bạn sẽ cảm thấy đau đớn nếu có một khối u phát triển ở khu vực lưng dưới. Những người có tiền sử mắc ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt cần theo dõi kỹ triệu chứng này vì đây có thể dấu hiệu cảnh báo ung thư di căn .

Theo Prevention

Theo Mai Nhung

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên