MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Dầu mỏ mới của thế giới" trở thành điểm nóng trên thị trường đầu tư hàng hóa

05-08-2021 - 09:34 AM | Thị trường

Nhu cầu sử dụng đồng cho các ngành xe điện và năng lượng tái tạo tăng mạnh, biến diễn biến giá của kim loại này thành chủ đề nóng trong giới đầu tư và các nhà hoạch định kinh tế.

Đồng là một trong những kim loại có vai trò quan trọng nhất đối với mọi hoạt động sản xuất công nghiệp trên toàn cầu. Do đó, diễn biến của giá kim loại này có thể mang đến góc nhìn về sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Trong một năm trở lại đây, giá Đồng luôn là chủ đề nóng, không chỉ với giới đầu tư, mà còn nhận được sự quan tâm từ các nhà hoạch định kinh tế.

Đóng cửa ngày 4/8/2021, giá Đồng kỳ hạn tháng 9 trên Sở COMEX giảm 1,2% về mức 9.551 USD/tấn và giá Đồng trên Sở Giao dịch LME giảm còn 9.503 USD/tấn. Giá Đồng cùng kỳ hạn trên Sở Thượng Hải cũng giảm 190 NDT/tấn xuống mức 70.060 NDT/tấn.

Giá Đồng và chu kỳ tăng giá từ tháng 3 năm 2020 tới nay

Trong vòng chưa đầy ba tháng, giá Đồng đã ít nhất 3 lần chạm mốc 10.000 USD/tấn, mức giá kỷ lục được chứng kiến ở năm 2011, giai đoạn đỉnh điểm của chu kỳ tăng giá hàng hóa. Trong khi các kim loại khác như Vàng, Bạc, hay Bạch kim được giao dịch ảm đạm hơn và hiện đang giảm nhẹ so với hồi đầu năm, giá Đồng đã ghi nhận mức tăng gần 30% sau 6 tháng.

Đà tăng của Đồng được hỗ trợ rất nhiều nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế và các hoạt động sản xuất trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn cung cũng bị hạn chế do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và các cuộc đình công ở mỏ Đồng lớn nhất thế giới – Escondida, Chile.

Giá Đồng đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vào tháng 5 năm nay ở mức hơn 10.500 USD/tấn, sau đó giá giảm mạnh trước sức ép từ các chính sách kiểm soát giá nguyên vật liệu thô của chính phủ Trung Quốc. Cụ thể, sẽ có 30.000 tấn Đồng được bán ra từ kho dự trữ quốc gia của nước này nhằm hạn chế làn sóng đầu cơ quá mức trong bối cảnh giá biến động mạnh.

Dầu mỏ mới của thế giới trở thành điểm nóng trên thị trường đầu tư hàng hóa - Ảnh 1.

Đến cuối tháng 7 vừa qua, giá Đồng lại chạm mốc 10.000 USD khi giới đầu tư cho rằng nhu cầu tiêu thụ Đồng sẽ tăng mạnh để khôi phục cơ sở hạ tầng sau trận lũ lụt nặng nề ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu, khi giá Đồng liên tiếp giảm trong các phiên gần đây về gần với mốc 9.600 USD/tấn trước những số liệu thiếu khả quan về đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Chỉ số quản lý thu mua PMI trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã giảm xuống mức 50,4, thấp nhất kể từ tháng 02/2020. Chưa dừng lại tại đó, giá Đồng cũng gặp nhiều sức ép khi mà sự lây lan của biến thể Delta đang khiến nhiều nước phải giãn cách trở lại, làm trầm trọng thêm mối lo về nguồn cung.

Năng lượng sạch và tiềm năng của thị trường Đồng

Tuy đang ở trong giai đoạn khó khăn, nhưng việc giá Đồng có xu hướng chạm mức 10,000 USD trong cả ba tháng gần đây đã cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư về triển vọng của kim loại này. Không chỉ được hỗ trợ nhờ sự hồi phục của các hoạt động sản xuất công nghiệp truyền thống, Đồng còn là kim loại quan trọng đối với các ngành công nghiệp của tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo.

Thống kê cho thấy, các loại xe chạy bằng điện cần sử dụng một lượng Đồng cao gần 4 lần so với các xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong và nguyên liệu truyền thống như xăng và dầu. Nhờ tính chất dẫn nhiệt, dẫn điện tốt, và giá thành rẻ so với các kim loại khác như Vàng, Bạc, hay Bạch kim, Đồng được coi là mắt xích trọng yếu trong công cuộc hoàn thành các mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu.

Dầu mỏ mới của thế giới trở thành điểm nóng trên thị trường đầu tư hàng hóa - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, các nước phát triển như Mỹ, Canada, Trung Quốc và khu vực liên minh châu Âu, không ngừng phấn đấu, đổi mới công nghệ để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng bền vững bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, và các thiết bị chạy bằng điện, nhu cầu tiêu thụ Đồng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm sắp tới.

Mối đe dọa đến từ đại dịch Covid-19 và biến thể Delta cũng sẽ giảm bớt khi tỉ lệ tiêm chủng trên thế giới đang ngày một tăng, do đó, giá Đồng sẽ được hỗ trợ rất tốt trong dài hạn. Ngân hàng Goldman Sachs cũng dự báo, Đồng sẽ là "dầu của tương lai" và giá kim loại này có thể tăng lên tới 15.000 USD/tấn vào năm 2025.

Cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư

Đồng có thể coi là một sản phẩm đầu tư hấp dẫn không chỉ đối với các ngân hàng hay quỹ đầu tư lớn, mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể nắm bắt cơ hội để gia tăng tài sản. So với các mặt hàng kim loại quý, Đồng có mức ký quỹ rất hợp lý, với mức biến động trong một phiên đủ để mang lại tỷ suất lợi nhuận không thua kém bất kỳ sản phẩm tài chính nào. Bên cạnh đó, Đồng được giao dịch trên sở COMEX, một trong những sở giao dịch hàng hóa uy tín nhất trên thế giới, nên các nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm về tính minh bạch và thanh khoản của thị trường.

Bên cạnh những cơ hội, thị trường Đồng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi kim loại này cũng là mặt hàng đầu cơ được ưa thích của các quỹ đầu tư lớn, khiến cho biến động giá nhiều khi nằm ngoài yếu tố cơ bản về cung cầu. Do đó, cũng như bất kỳ sản phẩm tài chính nào khác, các nhà đầu tư cần thận trọng và tìm hiểu thật kỹ thị trường trước khi tham gia đầu tư.

Thuỷ Tiên (Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam)

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên