Đâu mới là yếu tố thực sự ảnh hưởng mạnh đến giá dầu: căng thẳng địa chính trị hay các chính sách của Fed?
Thị trường dầu thô dường như không tìm được điểm tựa vững chắc từ các yếu tố cơ bản về cung cầu, thay vào đó lại gặp phải sức ép không ngừng nghỉ đến từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là cuộc chiến chống lạm phát của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới.
- 22-09-2022Thị trường ngày 22/9: Giá vàng tăng mạnh; dầu, sắt và cà phê giảm, nhôm chạm đáy 18 tháng
- 22-09-2022G7 áp giá trần với dầu Nga, hỗn loạn trên thị trường dầu chưa chấm dứt
- 20-09-2022Ấn Độ tiết kiệm 4,7 tỷ USD nhờ mua dầu thô với giá ưu đãi của Nga
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/09, giá dầu thô WTI giảm 1,19% về 82,94 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent có mức giảm khiêm tốn hơn, 0,67%, về mức 88,80 USD/thùng. Giá dầu thô suy yếu khiến cho chỉ số MXV – Index Năng lượng cũng giảm 0,36% về 4.476,51 điểm.
Là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, những tin tức xoay quanh thị trường dầu thô thường rất đa dạng và có thể khiến cho các nhà đầu tư khó xác định được đâu là tin tức quan trọng.
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, có ba nhóm tin tức có khả năng dẫn dắt giá dầu, bao gồm: tình hình cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, tiến trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo của các tổ chức lớn.
Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang
Vốn là tác nhân chính cho đà tăng phi mã của giá dầu đầu năm nay, các tin tức xoay quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã giảm dần và không còn tác động nhiều lên giá dầu.
Chính phủ các nước Châu Âu hiện đang tìm rất nhiều cách làm giảm sự phụ thuộc đối với nguồn năng lượng của Nga. Cụ thể, Đức đã tiến hành quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt Uniper và trước đó cũng tiến hành kiểm soát một nhà máy lọc dầu do Nga sở hữu. Đây là động thái có phần quyết liệt của Chính phủ Đức trong việc giải quyết những nỗi lo về nhiên liệu trong mùa đông sắp tới.
Bên cạnh Đức, Chính phủ Anh cũng công bố sẽ tiến hành giảm chi phí bán buôn điện và khí đốt cho các doanh nghiệp về mức thấp hơn một nửa so với giá thị trường từ tháng sau. Chính sách này mặc dù có thể làm giảm bớt áp lực chi phí năng lượng tăng cao, tuy nhiên, sẽ khiến cho mức chi tiêu công của nước này tăng lên nhanh chóng. Theo hãng tin Reuters, các nước châu Âu đã dành khoảng 496 tỷ USD,trong năm ngoái để bảo vệ người dân và công ty khỏi giá khí đốt và giá điện tăng cao
Giá khí đốt tại châu Âu hiện đã đạt 212 euro/MWh (megawatt giờ), thấp hơn mức đỉnh của năm nay khoảng 343 Euro nhưng tăng hơn 200% so với một năm trước đó. Động thái mới đây của ông Putin có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước thuộc khối G7, và có thể làm gia tăng rủi ro trên thị trường dầu thô.
Sức nặng của báo cáo EIA
Bên cạnh các tin tức về tình hình địa chính trị ở khu vực Biển Đen, giá dầu thường biến động với các số liệu từ các báo cáo lớn, đặc biệt là những thông tin về nguồn cung cung như nhu cầu tiêu thụ.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ tuần này cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/09. Mặc dù vậy, báo cáo vẫn chỉ ra Mỹ đã giải phóng 6,9 triệu thùng từ các kho dự trữ chiến lược trong tuần trước.
Số liệu này khiến cho thị trường lo ngại về việc nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ đã yếu đi, bất chấp việc giá xăng trung bình tại nước này đã giảm 14 tuần liên tiếp. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình đã giảm còn 3,68 USD/gallon (3,79 lít).
Mặc dù vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá xăng đã hạ nhiệt rõ ràng nếu so sánh với tuần trước và cả tháng trước. Tiêu thụ xăng tại Mỹ trong tuần trước chỉ đạt 8,32 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức trung bình của 4 tuần gần nhất.
Những tin tức này đã gây sức ép lên giá dầu và khiến cho các tin tức về tình hình xung đột giữa Nga-Ukraine bị lấn át.
Sức ép không ngừng gia tăng đến từ Fed
Hiện nay, việc Fed liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ tăng lãi suất đang khiến cho thị trường tài chính toàn cầu nói chung, và thị trường dầu thô nói riêng đối mặt với nhiều lần "chao đảo".
Lãi suất tăng sẽ khiến cho đồng USD mạnh lên và làm gia tăng cả chi phí kinh doanh hàng thực lẫn giao dịch dầu thô. Trong cuộc họp tháng 9 mới đây, Fed đã tiến hành công bố mức tăng 75 điểm cơ bản, để đưa lãi suất lên mức 3,00 – 3,25%.
Đáng chú ý, đây chưa phải lần tăng lãi suất cuối cùng của năm nay, mà các dự đoán cho thấy Fed sẽ tăng thêm ít nhất 1,25 điểm phần trăm trong hai cuộc họp còn lại của năm nay, sẽ diễn ra vào tháng 11 và tháng 12. Biểu đồ "Dot-plot", thể hiện kỳ vọng về mức lãi suất mục tiêu của các thành viên cũng cho thấy trước khi bước sang năm 2023, lãi suất có thể tăng tới 4,6%.
Động thái rất quyết liệt của các quan chức Fed trong cuộc chiến chống lạm phát có thể sẽ mang lại nhiều tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số Dollar Index hiện đang ở mức 111,3 điểm và vẫn cao nhất trong vòng 23 năm.
Đồng bạc xanh tăng giá sẽ gây sức ép và buộc các Ngân hàng Trung ương lớn khác trên thế giới phải tăng lãi suất để tránh rủi ro về tỷ giá. Chi phí vay vốn tăng trên toàn cầu sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và sẽ kéo theo sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Có thể thấy, trong số các tin tức, các động thái tăng lãi suất đang là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất lên thị trường dầu thô trong tuần này, và hoàn toàn lấn át những lo ngại về nguồn cung. Ngay cả khi nguồn cung vẫn ở trong trạng thái thiếu ổn định, thì việc nhu cầu tiêu thụ suy yếu nhanh chóng hơn cũng sẽ khiến cho dòng tiền rút bớt khỏi thị trường dầu thô.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, vì Fed sẽ còn hai lần tăng lãi suất trong cuối năm nay, nên thị trường dầu thô sẽ còn phải đối mặt với nhiều rung lắc trong thời gian tới. Không chỉ nhà đầu tư mà những doanh nghiệp kinh doanh dầu thô cũng sẽ cần phải chuẩn bị cho kịch bản giá dầu thế giới có thể tiếp tục giảm.
Nhịp sống Thị trường