MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dầu Nga sẽ đi đâu khi quy định cấm của EU có hiệu lực từ tháng tới?

21-11-2022 - 20:09 PM | Thị trường

Hiện chưa rõ bao nhiêu phần trăm trong tổng lượng dầu Nga không xuất được sang EU sắp tới sẽ được điều hướng sang khách hàng ở những nơi khác trên thế giới.

Dầu Nga sẽ đi đâu khi quy định cấm của EU có hiệu lực từ tháng tới? - Ảnh 1.

Hơn 1 triệu thùng dầu xuất khẩu của Nga dự kiến sẽ bị cản trở bởi các quy định trừng phạt của phương Tây dự kiến sẽ có hiệu lực sau vài tuần tới, theo khẳng định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Đồng thời, cũng theo IEA, Moscow sẽ chật vật trong việc điều hướng các sản phẩm năng lượng đi nơi khác, thực tế này đe dọa gây tổn hại đến các thị trường năng lượng toàn cầu.

Trong báo cáo công bố ngày thứ Ba, IEA công bố xuất khẩu dầu thô của Nga, trong đó có cả xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) không thay đổi trong tháng vừa qua bất chấp khả năng sớm có quy định cấm dầu nhập khẩu từ Nga vào EU có hiệu lực cũng như kế hoạch của phương Tây trong việc áp trần giá dầu Nga.

Xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 10/2022 tăng ước tính khoảng 165.000 thùng dầu/ngày lên ước tính 7,7 triệu thùng dầu/ngày. Xuất khẩu dầu của Nga sang EU ước tính 1,5 triệu thùng dầu/ngày, trong đó khoảng 1,1 triệu thùng dầu/ngày sẽ bị ngưng lại khi quy định hạn chế dầu Nga của EU dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng tới, IEA cho hay.

Hiện chưa rõ bao nhiêu phần trăm trong tổng lượng dầu Nga không xuất được sang EU sắp tới sẽ được điều hướng sang khách hàng ở những nơi khác trên thế giới, theo IEA. Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua mạnh dầu Nga giá rẻ, tuy nhiên hoạt động mua từ nhóm các nước này đã bình ổn trong nhiều tháng gần đây, còn lượng dầu mà Nga lẽ ra xuất sang châu Âu lại quá lớn để những nước còn lại có thể hấp thụ hết.

Thị trường dầu thế giới hiện đang chuẩn bị cho một trong những đợt trừng phạt mạnh tay nhất của châu Âu đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lục của Nga: các sản phẩm năng lượng.

Từ ngày 5/12/2022, chính phủ các nước thuộc EU sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga, đồng thời cấm các doanh nghiệp nước này hỗ trợ tiền hoặc bảo hiểm cho các sản phẩm dầu Nga. Trong cùng ngày, quy định về áp trần giá dầu Nga được dẫn đầu bởi nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 sẽ chính thức có hiệu lực. Kế hoạch này sẽ cho phép các doanh nghiệp phương Tây có thể điều phối chuyển hướng dầu Nga chỉ nếu như dầu được bán dưới mức giá đề ra.

Cơ chế áp giá trần này là một phần trong nỗ lực giúp cho dầu Nga vẫn được bán, nhưng cùng lúc đó phương Tây vẫn gây tổn hại được lên hoạt động xuất khẩu dầu của Nga. Cho đến nay, ngưỡng giá trần dầu Nga mà phương Tây muốn áp dụng chưa được đưa ra, nhiều quan chức Mỹ đã gợi ý về mức giá trần ước tính khoảng 60USD/thùng, như vậy Nga sẽ có đủ động lực để vẫn duy trì sản xuất dầu. Về phần mình, phía Nga đã tuyên bố sẽ không làm ăn kinh doanh với bất kỳ nước nào có tham gia vào quy định áp giá trần dầu Nga.

Các biện pháp chưa từng có nói trên, cũng như những bất ổn kéo dài liên quan đến việc các biện pháp sẽ được áp dụng như thế nào trong thực tế, đang tạo ra nhiều tâm lý xáo trộn về quy mô ảnh hưởng cũng như nó khiến cho ngành năng lượng thế giới gặp khó trong việc thích nghi.

Còn theo phân tích của trưởng bộ phận kinh doanh hàng hóa tại Investec, ông Callum Macpherson, hiện vẫn còn yếu tố đáng lưu tâm chính là liệu những nước không tham gia vào cơ chế áp trần giá dầu ví như Trung Quốc hay Ấn Độ có chịu hạn chế bởi các quy định về giá và bảo hiểm phương Tây áp dụng hay không. Nhiều nước hiện đang được mua dầu của Nga ở mức giá rất thấp, chính vì vậy cũng chưa rõ liệu quy định này có ảnh hưởng gì lên hành vi của họ hay không.

Vào ngày thứ Hai, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể coi như một trong những yếu tố bất ổn làm xấu đi triển vọng của thị trường năng lượng, trong đó các thách thức nổi bật nhất bao gồm các biện pháp kiểm soát COVID-19 mà Trung Quốc đang áp dụng cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại.

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga để trừng phạt Nga về việc leo thang căng thẳng với Ukraine đã thành công trong việc giảm đi nguồn thu nhập mà Moscow có được từ dầu. Trong tháng 10/2022, doanh thu từ dầu của Nga tăng 1,7 tỷ USD lên 17,3 tỷ USD.

Việc bất ngờ ngừng nhận nhập khẩu dầu từ Nga tiềm ẩn rủi ro với các nước phương Tây muốn cấm dầu của nước này. Kinh tế EU đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi việc Nga chật vật trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt đã khiến cho chi phí nhiên liệu của các nước phương Tây tăng vọt. Quy định cấm này tiềm ẩn rủi ro làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu diesel tại châu Âu.

Một ảnh hưởng khác từ biện pháp trừng phạt này chính là việc các doanh nghiệp vận tải vận chuyển dầu Nga sẽ có thể che giấu nguồn gốc các chuyến tàu chở dầu của họ bằng cách sử dụng những con tàu có cấu trúc phức tạp. Trong tháng 10, ước tính khoảng 450.000 thùng dầu/ngày từ Nga đã không hề có xuất xứ, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với mức vào tháng 9/2022.

Theo Trung Mến

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên